Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua còn có những bất cập, làm chậm tiến độ một số dự án. UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành, địa phương đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác này nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án theo kế hoạch đề ra.

Thành phố Hà Nội quyết tâm giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để các dự án được thi công, hoàn thiện đúng tiến độ. Trong ảnh: Thi công đường 427, đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín. Ảnh: Vân Nga

Dự án dang dở vì "vướng" mặt bằng

Hiện nay, việc chậm giải phóng mặt bằng đang có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ; vướng các công trình ngầm, nổi... Dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 qua địa bàn huyện Hoài Đức, được UBND thành phố phê duyệt thời gian thực hiện từ năm 2016, nhưng đến nay đã quá thời hạn 1 năm vẫn dang dở.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức Phạm Gia Lộc cho biết, do dự án có hướng tuyến đi qua Khu Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, diện tích chồng lấn khoảng 6.000m2. UBND thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai công tác khai quật di chỉ để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhưng hiện huyện chưa nhận được mặt bằng. Ngoài ra, dự án còn có đoạn qua địa bàn các xã Kim Chung, Vân Canh, Di Trạch, phải di chuyển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng làm ảnh hưởng tiến độ dự án...

Tương tự, dự án đường 2,5, đoạn từ Đầm Hồng đến quốc lộ 1A, qua địa bàn các phường Định Công, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) cần thu hồi giải phóng mặt bằng 58.411,8m2 đất, đã chậm tiến độ nhiều năm, do hiện nay quận Hoàng Mai vẫn còn 79/583 trường hợp đã được phê duyệt phương án bồi thường nhưng chưa nhận tiền, chưa bàn giao mặt bằng.

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Minh Tú, quá trình triển khai, quận gặp khó khăn do phải tập trung giải quyết kiến nghị, khiếu nại của người dân liên quan đến quy hoạch, mốc giới, chính sách bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Bà Hoàng Thị Oanh ở tổ 47, phường Định Công (quận Hoàng Mai) - hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án đường 2,5, khẳng định gia đình ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhưng không đồng tình với phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại.

Còn tại địa bàn quận Đống Đa, dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài do phải điều chỉnh bổ sung hạng mục và có 19 hộ dân chưa đồng thuận phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Đặng Việt Quân, nguyên nhân chủ yếu là người dân còn kiến nghị liên quan đến giá đền bù; giá mua nhà tái định cư; vị trí quỹ nhà tái định cư...

Những vướng mắc tương tự cũng đang ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn các huyện Sóc Sơn, Thường Tín, Ba Vì...

Một đoạn đường ống nước đã được di chuyển để tạo mặt bằng phục vụ thi công đường Vành đai 3,5 đoạn qua xã Vân Canh (huyện Hoài Đức). Ảnh: Minh Bắc

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn thực hiện các dự án, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4402/QĐ-UBND, ngày 30-9-2020, thành lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và năm 2019 kéo dài của thành phố Hà Nội. Thông qua các cuộc làm việc tại địa phương, tổ công tác đều có những chỉ đạo cụ thể.

Tại UBND huyện Hoài Đức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đã yêu cầu các sở, ngành chức năng cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với huyện Hoài Đức giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng Khu Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối.

Tương tự, tại quận Đống Đa, cuối tháng 10-2020, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ quận tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền về chế độ, chính sách liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, phường tiếp tục vận động, thuyết phục, nếu các hộ cố tình không nhận tiền, không bàn giao mặt bằng, phường sẽ đề xuất với cấp có thẩm quyền hoàn thiện hồ sơ, tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Minh Tú cho biết: UBND quận đã báo cáo UBND thành phố về việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 15/53 trường hợp ở phường Định Công, 21 trường hợp ở phường Thịnh Liệt, dự kiến sẽ thực hiện vào quý I-2021. Dự kiến chậm nhất đến quý III-2021 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư.

Theo Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Võ Tuấn Anh (được phân công theo dõi, tham mưu về công tác giải phóng mặt bằng của thành phố), hiện các tổ công tác của UBND thành phố đang tiếp tục làm việc với UBND các quận, huyện, thị xã để tháo gỡ các khó khăn, trong đó có công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, để việc này đạt kết quả theo kế hoạch, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận với các cơ chế, chính sách của Nhà nước về giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm, quyết liệt triển khai các biện pháp, giải quyết dứt điểm khó khăn đặt ra.

Với các giải pháp quyết liệt triển khai, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng sớm được hóa giải sẽ góp phần giúp các dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Ánh Duong (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.