Giá thuê phòng khách sạn Đà Nẵng được nhận định hồi phục tương đối tích cực và đã tiệm cận gần 70% so với giai đoạn trước dịch, trong khi công suất phòng mới chỉ bằng 42% so với thời điểm năm 2019.

Báo cáo thị trường khách sạn CBRE Việt Nam cho biết, do tác động kéo dài của dịch Covid-19, ngành kinh doanh khách sạn Đà Nẵng sụt giảm nặng nề trong hai năm qua. Giá thuê phòng và công suất phòng lần lượt giảm 40% và 53 điểm phần trăm trong giai đoạn 2020 – 2021 so với mức tại năm 2019.

Bước sang năm 2022, khi Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn, tình hình kinh doanh thị trường khách sạn 4 – 5 sao bắt đầu khởi sắc. Nửa đầu năm 2022, giá phòng khách sạn tại thành phố này ghi nhận ở mức 70 USD/phòng/đêm và công suất phòng duy trì ở mức 26,3%, lần lượt tăng 11% và 15 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Giá thuê phòng được nhận định hồi phục tương đối tích cực và đã tiệm cận gần 70% so với giai đoạn trước dịch, trong khi công suất phòng mới chỉ bằng 42% so với số liệu tại năm 2019.

Hiện công suất phòng khách sạn Đà Nẵng chỉ bằng 42% so với thời điểm năm 2019.

Đến hết năm 2022, Đà Nẵng dự kiến có thêm 10 dự án với 2.442 phòng, nâng tổng nguồn cung phòng lên gần 18.000 phòng với 91 dự án. Nguồn cung mới giúp thị trường thêm phần sôi động. Tuy nhiên, tình hình hoạt động sẽ chưa thể bật tăng hoàn toàn trở về mức trước dịch do diễn biến khó lường của dịch Covid-19 trên thế giới.

Trong nửa đầu năm nay, thành phố chào đón thêm 2 dự án mới gồm Radisson Hotel Đà Nẵng (182 phòng) và Mikazuki Đà Nẵng (294 phòng). Thị trường khách sạn 4 – 5 sao Đà Nẵng hiện có tổng cộng 81 dự án với 15.343 phòng.

Giá thuê phòng được CBRE dự báo sẽ tăng 30% so với cùng kỳ, chạm mức 79 USD/phòng/đêm. Công suất phòng sẽ đạt 53,2%, tăng 43,5 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Tính đến năm 2024, Đà Nẵng dự kiến có tổng cộng 99 dự án khách sạn 4 – 5 sao, với tổng nguồn cung phòng lên đến hơn 21.000 phòng. Sự hiện diện của nhiều đơn vị quản lý chuyên nghiệp giúp nâng cao vị thế của thị trường khách sạn cao cấp tại Đà Nẵng.

Theo đó, giá thuê phòng được dự báo có thể đạt mức 119 USD/phòng/đêm vào năm 2024. Công suất phòng sẽ hồi phục về mức trước dịch là 63%.

Theo CBRE, du lịch Đà Nẵng đang ấm dần lên nhờ sự nhộn nhịp trở lại của thị trường khách quốc tế và khách trong nước. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đón gần 1,33 triệu lượt khách lưu trú, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Khách nội địa đạt 1,27 triệu lượt, tăng 39,5% so với cùng kỳ và khách quốc tế đạt 57.800 lượt, chỉ còn giảm 34,3% so với cùng kỳ.

Khách quốc tế tăng mạnh kể từ cuối quý 1/2022 khi Đà Nẵng chính thức mở cửa lại bầu trời quốc tế từ ngày 27/03. Song song đó, khách MICE cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Du lịch sôi động giúp củng cố doanh thu ngành dịch vụ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8.329 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Nhờ thu hút hiệu quả nhóm khách có khả năng chi trả cao như khách MICE, nhóm khách gia đình lưu trú tại khách sạn phân hạng 3 sao trở lên và tệp khách nước ngoài, doanh thu ngành du lịch được đánh giá đã có những bước tiến rõ nét.

  • Bất động sản Đà Nẵng khó tăng đột biến trong ngắn hạn

    Bất động sản Đà Nẵng khó tăng đột biến trong ngắn hạn

    Giới quan sát thị trường dự báo bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận 6 tháng cuối năm 2022 sẽ tăng nguồn cung ở hầu hết các phân khúc, sức cầu chung toàn thị trường có thể hồi phục nhưng khó có sự tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.