Vợ chồng anh Trần Văn Vững (30 tuổi, quê Long An) và chị Hoàng Thị Mai (29 tuổi) cùng con trong căn hộ tại tầng 3, block A2e, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, Bình Dương - Ảnh: Bá Sơn
Ngày 3-4, UBND tỉnh Bình Dương đã khánh thành gần 5.000 căn nhà ở xã hội và tiếp tục khởi công 10.000 căn hộ mới. Cùng với Đồng Nai, Bộ Xây dựng nhận định đây là những mô hình thành công tạo cơ hội an cư lạc nghiệp cho hàng chục ngàn người lao động.
Những căn hộ rộng 30m2 (trong đó diện tích sàn 20m2, gác 10m2) với giá chỉ 100-150 triệu đồng, người lao động chỉ phải trả trước 20%.
Mỗi tháng chúng tôi chỉ phải trả góp 1,8 triệu đồng, gần bằng tiền thuê trọ trước đây nhưng sau năm năm chúng tôi sẽ có nhà. Anh TRẦN VĂN VỮNG (Công ty Saigonstec, người vừa mua một căn nhà ở khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, Bình Dương)
Gom tiền thuê trọ thành nhà
Chúng tôi có mặt tại căn hộ của vợ chồng anh Trần Văn Vững (30 tuổi, quê Long An) và chị Hoàng Thị Mai (29 tuổi, quê Thanh Hóa) tại tầng 3, block A2e, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương. Sau giờ tan ca, trong căn hộ nhỏ chỉ 30m2, chị Mai đang tất bật lo bữa cơm tối, còn anh Vững phụ vợ trông nom cậu con trai chỉ mới 1 tuổi.
Anh Vững kể hai vợ chồng làm chung Công ty Saigonstec chuyên sản xuất linh kiện điện tử, tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Gom góp tiền, hai vợ chồng bàn nhau mua một căn hộ ở tầng 3 với giá 132 triệu đồng, trong đó chỉ phải trả trước 20 triệu là nhận nhà.
“Khoảng hơn một năm trước, vợ chồng tôi phải đi thuê một kiôt ở ngoài với giá 2 triệu đồng/tháng, chưa kể điện, nước phải dùng giá cao. Nay mỗi tháng chúng tôi chỉ phải trả góp 1,8 triệu đồng, gần bằng tiền thuê trọ trước đây nhưng sau năm năm chúng tôi sẽ có nhà” - anh Vững tính toán.
Bài toán của vợ chồng anh Vững - chị Mai cũng là cách tính của nhiều công nhân khác khi mua nhà ở xã hội. Vợ chồng anh Dương Văn Mẫn (33 tuổi, công nhân Công ty Mai Thư trong Khu công nghiệp VSIP 2) và chị Nguyễn Thị Thúy Liễu (30 tuổi) mua một căn hộ ở tầng 5 với giá gần 100 triệu đồng.
“Nếu so với ở trọ bên ngoài hằng tháng cũng phải trả tiền như vậy thì ở nhà xã hội sạch sẽ, thoáng mát và an ninh hơn rất nhiều. Từ nhà tôi đến công ty chỉ mất ba phút, trường học cũng gần nên chúng tôi tranh thủ lúc đi làm và tan ca đưa đón con cũng rất tiện” - chị Liễu nói.
Theo tìm hiểu, một số công ty như Mai Thư tại Khu công nghiệp VSIP 2, Công ty TNHH Finecs VN tại Khu công nghiệp VSIP1... đã có chính sách hỗ trợ rất tốt để người lao động mua được nhà ở xã hội, từ đó yên tâm làm việc cho công ty.
Chẳng hạn Công ty Mai Thư đã phối hợp với chủ đầu tư để người lao động trong công ty mua được hàng chục căn nhà ở xã hội, trong đó công ty ứng trước một phần tiền gốc cho công nhân vay để nhận nhà. Số tiền còn lại công ty sẽ trích lương hằng tháng để đóng cho công nhân. Với những công nhân làm đủ năm năm, công ty sẽ cho công nhân 10 triệu đồng trong phần mà công ty đã ứng ra để mua nhà...
Sẽ triển khai hàng loạt
Với cách làm này, rất nhiều công nhân có thu nhập thấp tại Bình Dương đã có nhà. Tới nay, tại Bình Dương đã xây dựng được gần 5.000 căn nhà ở xã hội tại nhiều địa điểm quanh các khu công nghiệp gồm: khu Hòa Lợi (TP Thủ Dầu Một): 2.435 căn, khu Việt Sing (thị xã Thuận An): 752 căn, khu Mỹ Phước (thị xã Bến Cát): 1.388 căn, khu Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng): 320 căn...
Còn tại Đồng Nai, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN (IDICO) cũng đang triển khai hàng ngàn căn nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch. Trong đó, khu đầu tiên với quy mô 3.520 căn hộ đã có 447 căn hộ vừa hoàn thành, số lượng công nhân chuyển đến ở đã chiếm đến 80%.
Anh Lê Đình Duyên - công nhân Công ty Posco VST - cùng vợ và hai con nhỏ vừa chuyển vào căn hộ ở đây cho biết: “Giá căn hộ tôi mua là 230 triệu đồng, sau khi trả 20% (tương đương 47 triệu) thì nhận nhà vào ở ngay.
Số còn lại tôi vay từ gói 30.000 tỉ đồng, mỗi tháng cả gốc và lãi là 2,5 triệu”. Trước đó anh Duyên cùng vợ con đã ở trọ bảy năm ngoài khu công nghiệp này với giá thuê phòng trọ mỗi tháng từ 1-2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Đạt, tổng giám đốc IDICO - chủ đầu tư dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, cho biết dự án của IDICO mới giải quyết được chỗ ở cho 10.000 công nhân, tức khoảng 10% nhu cầu tại riêng khu vực này.
“Có thể thấy nhu cầu nhà ở công nhân, người thu nhập thấp là rất lớn. Sắp tới chúng tôi đang tiếp tục xây dựng hàng loạt” - ông Đạt nói.
Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội không chỉ tạo cơ hội sở hữu nhà để người lao động yên tâm làm việc mà còn tạo ra một diện mạo, sức sống mới cho các khu đô thị.
Có mặt tại khu nhà ở xã hội Hòa Lợi chiều 1-4, đây là khu nhà ở xã hội quy mô lớn nhất hiện tại của Bình Dương với gần 2.500 căn hộ. Càng về tối, khu nhà ở xã hội này càng đông đúc do công nhân đi làm về. Công nhân có thể mua đồ nấu ăn, thực phẩm, thuốc, quần áo hoặc các dịch vụ khác ngay trong “thành phố thu nhỏ” này.
Anh Trần Nam Thanh (quê Thái Bình, chủ tiệm tạp hóa Nam Thanh) cho biết hai vợ chồng anh gom góp tiền mua căn hộ tại tầng trệt với giá 480 triệu đồng với diện tích 57m2. Đây vừa là nơi buôn bán tạp hóa, vừa là nơi ở của hai vợ chồng và hai đứa con.
Anh Thanh cho biết với căn nhà này, nếu mua trả góp thì hai năm đầu mỗi tháng phải trả 4 triệu đồng. “Tôi đi làm công ty có lương, còn vợ tôi ở nhà vừa bán tạp hóa vừa trông con. Thu nhập của hai vợ chồng gom góp lại cũng đủ trả tiền nhà và sinh hoạt” - anh Thanh nói.
Với mỗi khối nhà, các chủ căn hộ cũng bầu ra những người đại diện giống như “tổ trưởng khu phố”, bầu ra ban quản trị chung cho cả tòa nhà... Các căn nhà ở xã hội được cấp “giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đồng sở hữu đất” nên người mua nhà thật sự được là chủ ngôi nhà mà mình đang ở.
Tháo gỡ cơ chế
Theo đề án phát triển nhà ở xã hội do UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt và giao Becamex IDC thực hiện, năm 2015 sẽ phải xây dựng được 64.700 căn hộ, nhưng tới nay mới thực hiện được một phần nhỏ. Chủ đầu tư nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn liên quan tới cơ chế, nguồn vốn và quỹ đất.
Ông Bùi Văn Chiến - phó tổng giám đốc Becamex IDC - cho rằng dù chính sách nhà ở xã hội có tác dụng lớn, mang lại ý nghĩa xã hội nhưng sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng còn rất hạn chế. Trong tổng số 4.000 khách hàng mua nhà ở xã hội của Becamex thì chỉ có khoảng 400 người (chiếm khoảng 10%) tiếp cận được gói tín dụng ưu đãi.
Còn ông Nguyễn Văn Đạt cho rằng vấn đề quan trọng là các khu nhà ở công nhân phải có hạ tầng đồng bộ như: y tế, trường học... nên rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Ông Đạt nói nhà trẻ, mẫu giáo, chợ búa chủ đầu tư có thể đáp ứng được nhưng trường cấp I, cấp II, hay các cơ sở y tế - bệnh viện trong khu thì doanh nghiệp đang không đủ điều kiện xây.
“Chính sách nhà nước nên cho doanh nghiệp được phép điều chỉnh một phần đất khu công nghiệp thành đất xây nhà ở cho công nhân trong nội khu các khu công nghiệp. Miễn tiền thuê đất và các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi. Thứ hai là cơ chế hỗ trợ cho người mua nhà, cho họ vay với lãi suất hợp lý” - ông Đạt đề xuất.
Mới có 20% công nhân có nhà ở Theo Bộ Xây dựng, hiện cả nước có trên 2,2 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, mới có khoảng 20% công nhân có chỗ ở, hầu hết công nhân vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân. |
Sẽ có nhà ở xã hội 40-70m2 Cũng trong ngày 3-4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư đã khởi động xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2 tại các khu Định Hòa (TP Thủ Dầu Một), Việt Sing (thị xã Thuận An). Trong đó, ngoài mô hình căn hộ 30m2, sẽ xây dựng những căn hộ có diện tích lớn hơn, từ 40-70m2 để phù hợp với nhu cầu trong tình hình mới. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá mô hình nhà ở xã hội bước đầu thành công, tạo chỗ ở cho hàng chục ngàn người lao động. Thời gian tới, khi Luật nhà ở đã có hiệu lực, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng các bộ ngành tạo cơ chế chính sách thông thoáng, tốt hơn nữa để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại dành ít nhất 3% nguồn vốn để người lao động mua nhà ở xã hội theo giá ưu đãi. |