Biểu đồ diễn biến lãi suất trên các thị trường từ năm 2011 đến nay. (Nguồn VCBS)
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc chi nhánh TP HCM, NHNN, tính đến thời điểm hạ tuần tháng 7, đã có 45% trên tổng dư nợ cũ đã được các nhà băng giảm về 15%. Các NHTM TP HCM phấn đấu đến cuối tháng 7, tất cả những khoản vay cũ của DN đủ điều kiện theo quy định sẽ được giảm hết lãi suất về 15%.
Số liệu tích cực, DN bi quan
Trước đó, tại Hội nghị Kết nối NH-DN diễn ra ở Hà Nội cũng vào hạ tuần tháng 7, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NH nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết: Kể từ ngày 15/7, Hà Nội đã giảm được 30 - 50% tổng số khoản vay cũ có lãi suất trên 15%/năm. Riêng Vietcombank và BIDV đã giảm 100%. Các NH khác đang rà soát và cố gắng trong tháng 7 sẽ hoàn tất đưa lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm.
Tổng hợp lại, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, thống kê tính đến ngày 27/7 cho thấy toàn hệ thống chỉ còn 35% khoản vay cũ còn lãi suất trên 15%, trước thời điểm NHNN chỉ đạo thì con số này là 60%.
Nếu xét bản chất của các khoản vay cũ thì để được các TCTD gật đầu “thông qua” hạ lãi suất, đó chắc chắn phải là các khoản vay của những DN không bị xếp vào “nhóm theo dõi”, hay tệ hơn là “nợ khó đòi”. Bản thân các TCTD cũng đã có quan điểm rất rõ ràng khi ủng hộ lời kêu gọi hạ lãi suất cho các khoản vay cũ mà NHNN đưa ra, là: DN phải có sức khoẻ tốt, hoạt động hiệu quả và khả năng hấp thụ vốn tốt, là những khách hàng thân thiết của các NH. Chính đại diện NHNN tại TP HCM cũng đã nhấn mạnh: “Chỉ những DN đủ điều kiện theo quy định mới được giảm hết lãi suất về 15%”. Vậy nên con số 35% DN vẫn phải gánh lãi vay nợ cũ trên mức 15% còn được hiểu là những DN có “sức khoẻ không tốt”, hoặc chưa được các TCTD “mời” đến làm việc, đánh giá lại.
Cũng theo số liệu được đưa ra tại hội nghị giữa DN – NH cuối tuần qua, hiện vốn tín dụng trên địa bàn TP HCM đã được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ và đặc biệt là 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên với tổng dư nợ đạt 26.612 tỉ đồng. Tín dụng đã có tín hiệu tăng trưởng trở lại. Sáu tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tăng 0,37%, riêng tháng 6/2012 tăng 0,35%; tín dụng VND tăng 1,68%. Bên cạnh đó, các TCTD đã và đang thực hiện các gói hỗ trợ, với lãi suất ưu đãi: 11% - 13% cho các lĩnh vực ưu tiên. Tổng dư nợ cơ cấu lại nợ trong tháng 6/2012 trên địa bàn đạt khoảng 10.000 -12.000 tỉ đồng. Nhưng điều đáng lưu ý là bên cạnh những con số mang màu sắc tích cực vừa nêu, một sự thực hiển nhiên là trước đó, hệ thống NH đã có 5 tháng tăng trưởng tín dụng âm. Và hiện nay, tín dụng chỉ mới có “tín hiệu tăng trưởng”, chứ chưa thực sự tăng trưởng đạt như kỳ vọng, hay ít nhất đạt bằng… 1/2 kỳ vọng. Trong khi những tiêu chí về sức khoẻ DN mà các TCTD đề ra không chỉ là cơ sở xét hạ lãi các vay cũ mà còn là tiêu chí để NH đánh giá các hồ sơ vay vốn mới. Mà như vậy thì khả năng DN tiếp cận được vốn, hoặc vốn tìm đến với DN thành công, vẫn còn là một xác suất rất nhỏ nhoi, nếu so với tổng dư địa tăng trưởng tín dụng dự kiến và đã được điều chỉnh là 8-10%.
Ông Nguyễn Văn Hoà - Tổng giám đốc Sài Gòn Food cho biết: DN nào được hạ lãi suất các khoản vay cũ 15% thì ông không biết, nhưng một thực tế rõ ràng là DN yếu cũng như mạnh mà ông có trao đổi, đều đang chịu lãi vay cao hơn con số đó...
Một đại diện của CLB các tổ chức niêm yết cũng cho biết: Để biết các số liệu tích cực đến đâu, cách hay nhất là nhìn vào thị trường. Báo cáo tài chính của các DNNY sẽ để “mở” những khoản vay với lãi suất từng món vay rất rõ ràng. Nếu thực sự các DN được hưởng lãi suất nợ vay cũ ở mức 15%, trước tiên đó sẽ thường là những DN niêm yết – những tổ chức được đánh giá “có sức khoẻ”, hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn những tổ chức không niêm yết, không thực thi kiểm toán bán niên, thường niên. Trong trường hợp đó, TTCK sẽ thể hiện ngay “hàn thử biểu” của mình, tiên phong đi trước đón nhận tin tích cực từ DN và đã có ngay giao dịch sôi động chứ không èo uột “tuột dốc” như hiện nay.
Có... chờ hạ tiếp lãi suất ?
Nếu quả thực hầu hết các khoản nợ cũ đang được điều chỉnh lãi suất về mức 15%, thì các khoản vay mới, với giá vốn lãi suất ở mức khoảng 11%, sẽ là điều kiện cho các NH thực thi đúng trần lãi suất dành cho 4 nhóm ưu tiên là 14%. Nhưng một khi DN vẫn còn “chưa phục” về việc các TCTD điều chỉnh lãi suất nợ cũ theo cách thức ủng hộ phong trào, hơn là thực thi nghiêm túc dưới một chế tài giám sát, thì lấy gì đảm bảo lãi suất các khoản vay mới tránh được tiếng “dị nghị” khác về lãi suất vẫn cao? Do đó, phần đông DN, với hàng tồn kho và nợ thuế đều tồn đọng, vẫn chưa mặn mà chuyện vay vốn mới. Một phần do họ chưa nhìn thấy cơ hội, nhu cầu bức thiết phải đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, trong khi lại đang nguy ngập về vốn liếng tồn đọng, hơn nữa là chưa nhìn thấy một triển vọng chính sách dài hạn thực sự ổn định.
Thống đốc NHNN mới đây cho biết: “Năm nay, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm xuống dưới 7%, lãi suất huy động có điều kiện để tiếp tục giảm xuống dưới 8% vào cuối năm. Theo đó, vào năm tới một số khoản cho vay ưu đãi có thể giảm xuống dưới 10%. Song song, lãi suất tái cấp vốn cho một số NH sẽ dừng ở mức 10%”. Thống đốc cam kết. Điều đó đồng nghĩa các NH sẽ có điều kiện cho vay với lãi suất khoảng 13% chưa bao gồm trích lập dự phòng rủi ro và nợ xấu.
Nhưng đó mới chỉ là tiên liệu, dù trước mắt, đáp số của CPI giảm xuống dưới 7% đã khá rõ. Từ nay đến cuối năm 2012, dư địa bơm vốn của NHNN sẽ trên 70.000 tỉ đồng, tương đương trên 21.000 tỉ đồng/ tháng. Kế hoạch đầu tư công được xem như một liệu pháp kích thích sản xuất – tiêu dùng của nền kinh tế, cũng đã được khởi động trở lại với trị giá còn lại khoảng 120.000 tỉ đồng trong những tháng cuối năm. Giả định lượng cung tiền này có yếu tố tăng áp lực lên lạm phát cho nền kinh tế, thì độ trễ của chính sách tín dụng – tài khoá tới lạm phát ít cũng phải 6 - 8 tháng nữa mới trở thành hiện thực. Do đó, khả năng “tăng vọt” của lạm phát lên hai con số, nếu có, cũng sẽ phải rơi vào năm 2013, trừ phi Chính phủ quyết liệt và đồng bộ… cung tiền từ mọi phía để vực dậy nền kinh tế trong năm nay.
Tuy vậy, dư địa để NHNN hạ lãi suất huy động, và theo đó các TCTD hạ lãi suất cho vay lại không chỉ phụ thuộc vào chỉ số lạm phát. TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương trao đổi với DĐDN: Cái khó của điều hành lãi suất tương lai là đảm bảo tính thanh khoản cho toàn hệ thống, và hơn nữa còn cân nhắc đáp ứng sự lựa chọn của các loại tài sản khác nhau để người dân đầu tư. Khi lãi suất huy động hạ xuống quá thấp, nhiều người sẽ cân nhắc hơn giữa chọn gửi tiền, chứng khoán, vàng và USD. Trong khi, lãi suất cho vay của các TCTD, kỳ thực lại không chênh lệch với lãi suất huy động quá cao như con số nhìn thấy. Do đó, “room” để NHNN hạ lãi suất không còn nhiều.
Như vậy, sau nhiều nỗ lực từ phía NH và DN để DN được giải cứu bớt phần nào khỏi gánh nặng lãi vay, có lẽ đây cũng là thời điểm DN cần phải có cái nhìn khách quan về bức tranh NH để tiên liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của chính DN mình. Có lẽ DN cùng cần có cái nhìn “rộng rãi” hơn dành cho các TCTD khi lãi suất cho vay luôn bao gồm giá vốn huy động, chi phí từ chính sách Nhà nước như các khoản trích lập dự phòng rủi ro, nợ xấu, và cả chi phí hạ tầng, đồng lương nhân sự, chi phí quản lý... Với một tỉ lệ nợ xấu (phần lớn chính là các khách hàng tổ chức DN) quá cao trong lịch sử ngành NH như hiện nay, các TCTD rất khó có thể kéo giảm mức chênh lệch giữa lãi suất huy động với lãi suất cho vay xuống thấp như kỳ vọng của DN. Một giả định khác đặt ra là nếu NHNN sử dụng nốt dư địa còn lại để hạ lãi suất cơ bản, qua đó hỗ trợ các TCTD tiếp tục hạ lãi vay, thì DN lại cần tỉnh táo nhìn nhận việc hạ lãi suất đó có đồng nghĩa với khả năng họ tiếp cận được vốn hay không. Trong khi, yếu tố này lại liên quan đến việc xử lý nợ xấu cũng như bảo lãnh tín dụng DN – những nút thắt mà hầu như DN khát vốn nào cũng đã phải nếm trải.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn : NHTM tự động giảm lãi suất là chuyện khó Cần nhìn nhận nguyên nhân của hiện tượng lãi suất cao kéo dài, lâu và cao hơn các nước khác, đến từ nhiều phía: Tâm lý của người dân lẫn tâm lý của cơ quan quản lý. Người dân VN thường có thói quen linh hoạt trong sử dụng đồng vốn (vốn ít ỏi của họ). Lãi suất cao, thực dương thì họ gửi tiết kiệm. Lạm phát lên thì họ rút tiền mua các tài sản đảm bảo an toàn. Trong khi đó, các NH lại có xu hướng sử dụng lãi suất cao để hút tiền gửi tiết kiệm, giữ chân khách hàng. Phía cơ quan quản lý lại luôn có tâm lý sợ lạm phát, nên sử dụng chính sách tiền tệ thu hẹp, lãi suất cao để kiếm chế lạm phát. Kết quả là lãi suất luôn ở mức cao. Với những điều kiện như vậy, nếu các NHTM tự động giảm lãi suất là chuyện khó khả thi, ngoại trừ NHNN sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng, sẵn sàng cho NHTM vay với lãi suất thấp khi họ có nhu cầu. Cũng cần lưu ý rằng việc bơm tiền kích thích nền sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hơn, gia tăng nhu cầu và sức mua trước hết sẽ kích thích cho nền kinh tế, và trong trường hợp nền kinh tế chưa đạt tới thăng bằng toàn dụng thì đưa tiền ra rất khó có thể gây lạm phát. |