CafeLand - Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng vừa thông báo chấm dứt việc chi trả thu nhập theo cam kết theo hợp đồng mua bán, kể từ đầu năm 2020.

Khi mở bán dự án, cam kết lợi nhuận được chủ đầu tư đưa ra là 12% mỗi năm - mức được nhận định là rất cao vào thời điểm đó. Trong thông báo gửi các khách hàng, Công ty Thành Đô cho biết, lý do của việc chấm dứt chi trả cam kết lợi nhuận là bởi doanh nghiệp đang gặp những khó khăn về dòng tiền.

Trước đó, khi mở bán dự án, chủ đầu tư đưa ra mức cam kết lợi nhuận 12% mỗi năm, con số này được đánh giá là rất cao tại thời điểm đó. Tuy nhiên, trong văn bản gửi khách hàng, Công ty Thành Đô thông báo chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết. Lý do của việc chấm dứt chi trả cam kết lợi nhuận là bởi doanh nghiệp đang gặp những khó khăn về dòng tiền.

Cũng trong văn bản này, công ty đưa ra 3 phương án giải pháp để giải quyết đối với khách hàng đã mua condotel tại Cocobay Đà Nẵng.

Giải pháp thứ nhất là khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các Condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường.

Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm. Hoặc giao lại cho đơn vị vận hành để chia sẻ lợi nhuận theo nguyên tắc ký hợp đồng tối thiểu 0-3 năm với thu nhập cố định hàng năm. Sau 03 năm, có thể hợp tác phân chia lợi nhuận hoặc chấm dứt.

Nếu khách hàng vẫn giữ dự án là condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh thì không phải nộp phí chuyển đổi, nhưng không được ở. Cùng với đó, các chủ sở hữu phải ký bản hợp đồng giao cho Công ty Thành Đô vận hành trong 10 năm nhưng trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận. Khách hàng nhận về một mức thu nhập cố định hoặc 80% lãi từ việc kinh doanh sản phẩm này.

Giải pháp thứ 2, là khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại các sản phẩm condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây. Đồng thời khách hàng nếu tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định theo quy định của Nhà nước và quy chế của tổ hợp Cocobay.

Giải pháp thứ 3 là hai bên tiến hành thanh lý các condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lai tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng sẽ khấu trừ một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh.... Việc chi trả tiền của chủ đầu tư sẽ có thời hạn đến 30/9/2020. Trong thời gian chưa chi trả, chủ đầu tư sẽ thanh toán lãi suất 10% mỗi năm đối với số tiền đó.

Ngoài những giải pháp của chủ đầu tư, khách hàng có thể đề xuất các giải pháp khác phù hợp với điều kiện của mình.

Cocobay là tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí có tổng diện tích 51 ha, tọa lạc tại quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Một phần của dự án, bao gồm các khách sạn thấp tầng đã được đưa vào hoạt động từ năm 2017. Dự án hứa hẹn triển khai khoảng 10.000 phòng tiêu chuẩn 3-5 sao, trong đó đa số là condotel. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới triển khai và đưa vào vận hành khoảng 3.000 phòng.

Thời điểm mới xuất hiện trên thị trường, dự án gây được tiếng vang lớn nhờ chiến dịch quảng bá rầm rộ với các siêu sao và cam kết lợi nhuận cao ngất ngưởng. Nhưng đến hiện tại, Cocobay là một trong số những dự án đầu tiên chính thức”vỡ trận” không thể chi trả lợi nhuận cho khách hàng như đã cam kết. Trước đó, một dự án condotel khác tại Nha Trang là dự án Bavico, chủ đầu tư từng phải đàm phán để giảm mức cam kết lợi nhuận từ 15% một năm xuống còn 8%.

Thực tế này đã được các chuyên gia cảnh báo trong suốt nhiều năm qua, kể từ khi loại hình này mới manh nha phát triển cho đến thời kỳ nở rộ như hiện nay. Theo giới chuyên gia, khái niệm condotel đã bị đánh giá quá cao ở Việt Nam.

Tại một hội thảo, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) cho biết, “Trên thế giới, mức cam kết lợi nhuận 10-15% rất ít được nhắc đến. Ở Việt Nam có mức cam kết này vì họ chưa hiểu cách vận hành của loại hình này. Để có được lợi nhuận 10-15% phải tốn rất nhiều chi phí vận hành. Tôi nghĩ ở Việt Nam, người ta tạo ra lợi nhuận này để quảng bá hơn là để hiện thực”, vị này nói.

Cũng theo vị CEO này, condotel chỉ đạt được mức lợi nhuận đó khi nằm ở điểm đến rất nổi tiếng và khách du lịch thường xuyên quay trở lại. Để có được một điểm đến như vậy phải tốn hàng thập kỷ đầu tư và quảng bá chứ không phải một sớm một chiều.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến cuối năm 2018, cả nước còn tồn hơn 20.000 căn hộ condotel. Nếu tính cả nguồn cung đang xây dựng, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, ước tính sẽ khoảng 30.000 căn hộ condotel.

  • Thị trường giảm tốc, môi giới lặng lẽ rời condotel

    Thị trường giảm tốc, môi giới lặng lẽ rời condotel

    CafeLand - Bất động sản nghỉ dưỡng ven biển, trong đó có condotel từng nổi lên như một hiện tượng trên thị trường bất động sản, nhất là tại các khu vực trọng điểm như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc. Tuy nhiên, từ cuối 2018 đến nay, khi thị trường giảm tốc, nhiều môi giới đã tháo chạy, tìm kiếm cơ hội tại các phân khúc tiềm năng khác.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.