27/11/2019 8:50 AM
CafeLand - Việc tập đoàn Thành Đô thông báo không thể trả lãi cho các căn hộ khách sạn (condotel) như cam kết ban đầu với các chủ đầu tư đã biến thành cơn sóng xô mạnh vào các dự án condotel. Không chỉ có các nhà đầu tư căn hộ hoang mang, mà nhiều chủ dự án condotel cũng hốt hoảng.

Gần bốn tháng trước, tại sự kiện công bố chuyển đổi mô hình đầu tư condotel thành căn hộ thương mại do Thành Đô tổ chức ở Đà Nẵng, giáo sư Đặng Hùng Võ đã nhìn nhận, nếu không rà soát rõ trách nhiệm chủ đầu tư và nhà đầu tư về các cam kết cũng như cơ sở thực thi các hợp đồng, thì nguy cơ “vỡ trận condotel” sẽ là thật.

Trước đó cũng đã có nhiều chuyên gia, nhà tư vấn đưa ý kiến ngờ vực về hiệu quả mô hình kinh doanh đầu tư này. Nhưng hầu như không ai chú tâm.

Căn hộ condotel, từ khái niệm cơ hội hợp tác “làm dịch vụ khách sạn với căn hộ đã mua” do các chủ đầu tư đưa ra với lãi suất hứa hẹn trên 10%, bỗng trở thành tâm điểm thu hút đầu tư trên thị trường. Nhưng nay condotel đang là thảm họa.

Những nhà tư vấn chuyên nghiệp như Savills và CBRE, khi báo chí đặt các câu hỏi về “thân phận condotel”, cũng không đưa ra lời khuyên hay cảnh báo cụ thể nào. Nhiều nhà đầu tư vẫn mơ hồ về mô hình kinh doanh vốn còn trong vòng tranh luận này. Do vậy, mức độ rủi ro khi đầu tư là có thật.

Song, viễn cảnh tốt đẹp về mức lợi nhuận 10 – 12% hàng năm làm xiêu lòng không ít nhà đầu tư. Những ý kiến phản biện nếu có cũng đều quy kết về trạng thái: chờ xem khi các condotel đi vào hoạt động sẽ thấy.

Sự việc tổ hợp dự án Cocobay (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) do Tập đoàn Thành Đô đầu tư không còn khả năng thanh toán lãi suất như cam kết chỉ là “giọt nước tràn ly” cho mọi tranh cãi về mô hình này.

Trong vòng 24 giờ, điện thoại của các chủ đầu tư đều “nóng lên” bởi khách hàng cần giải đáp các lo lắng. Đặc biệt, sau khi dư luận mạng xã hội có các bài viết phân tích phương thức “vay ngân hàng mua condotel”, với nhận định “dự án chủ đầu tư hưởng, lãi suất giấy tờ ngân hàng cầm, chỉ có giấy nợ là của bạn”, sự hốt hoảng đã mau chóng leo thang.

Một số chuyên gia bất động sản phân tích, sự cố của Cocobay là thực chứng cho các dự án đầu tư vào mô hình này. Những nhà đầu tư tin vào tín hiệu lạc quan ổn định mà các chủ đầu tư condotel đưa ra buộc phải xem xét lại quyết định đã chọn của mình.

Số lượng các căn hộ condotel sẽ nhanh chóng sụt giảm, chuyển đổi với sự thua thiệt thuộc về nhà đầu tư. Hệ lụy kéo theo là thị trường bất động sản đã ở giai đoạn căng thẳng, đóng băng hiện nay sẽ càng tăng thêm áp lực xấu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, khả năng thanh toán lãi suất tại condotel Cocobay không “hoàn toàn xấu”. Tập đoàn Thành Đô, thời gian qua đã “mau lẹ” chuyển đổi sang mô hình đầu tư căn hộ bán, thoát khỏi condotel để bớt trả lãi cam kết.

Động thái công bố thông tin vừa qua là tính toán của Thành Đô, qua đó buộc những người mua condotel còn lưỡng lự chưa chịu đổi lại căn hộ thương mại phải lập tức chấp nhận tình hình.

Một số chuyên gia và môi giới bất động sản cho rằng cần xác nhận trách nhiệm của các chủ đầu tư và nhà đầu tư condotel. Đó là giải pháp tốt nhất để định vị lại bối cảnh đầu tư bất động sản và căn hộ hiện nay.

Theo họ, nếu các chủ đầu tư vẫn thông tin để đẩy trách nhiệm cho người mua theo kiểu “lỡ mua kiếm lợi nhuận thì phải chịu rủi ro”, thì các nhà đầu tư có thể yêu cầu chỉ ra những cơ sở để chủ đầu tư công bố lãi suất cao trước đây, những cơ sở chứng minh hiện trạng giảm lãi suất hiện nay và về sau.

Qua đó, thị trường sẽ nhận ra được dự án đầu tư condotel nào là thực chất, hay chỉ là bong bóng ảo, từ đó có định hướng xem xét rõ ràng và cách xử lý. Nếu không, với trào lưu dư luận hiện nay, mô hình condotel sẽ nguy ngập và hệ lụy là nhiều nhà đầu tư sẽ suy sụp, kéo theo sự đổ bể của một mảng thị trường.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.