24/11/2020 3:41 PM
Quá trình cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước còn các kẽ hở nên tài sản nhà nước thất thoát rất lớn, nhất là đất đai.

Ngày 24-11, tại Hội nghị “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các DNNN và vai trò của KTNN”, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng tiến trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khó có thể đạt được.

Ông Ánh nêu: “Với tiến độ và kết quả như hiện nay thì đúng là CPH, thoái vốn không thực hiện được thật”.

Có Thứ trưởng phải bỏ trốn vì vài mảnh đất khi cổ phần hóa  - ảnh 1

TS Vũ Đình Ánh nói nhiều lãnh đạo DNNN không báo cáo đầy đủ về quỹ đất vì đó là "lợi ích của họ". Ảnh: Chân Luận

Đất chỉ chuyển từ tay ông này sang tay ông khác

TS Ánh nói việc chậm CPH giai đoạn đầu có nguyên nhân từ việc chậm trễ ban hành thể chế, quy định, chính sách. Nhưng từ đó cho đến thời điểm này, khi mà chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020, kế hoạch CPH, thoái vốn như trong các quyết định của Thủ tướng, của các bộ, ngành chắc chắn không thể thực hiện được.

Về bản chất CPH, TS Ánh nói “người ta” nhắm vào các DNNN “có đất đai khắp cả nước”. Xu hướng “thâu tóm” đất đai tại các DNNN CPH là có thật và đã được thực hiện 20 năm nay. Ở Hà Nội hay TP.HCM, tới đây tại các tỉnh lân cận, chắc chắn sẽ xảy ra việc các đại gia bất động sản “nhắm” vào các mảnh đất ở vị trí đắc địa.

Dự hội nghị có lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, TS Ánh nói như “cảnh báo”: Một đại gia bất động sản nói với tôi họ không nhắm tới các khu đất phải giải phóng mặt bằng vì rất tốn kém tiền bạc, chi phí và nhất là tốn kém thời gian và “quan hệ”. Họ nhắm vào phân vùng đất tại các DNNN CPH hoặc các DNNN chuyển từ nội đô ra ngoại thành.

"Các DNNN này có quỹ đất lớn, toàn nằm ở các khu vực “kim cương, vàng”. Các đại gia bất động sản tiếp cận rất thông minh và đã làm việc này 20 năm nay rồi. Ở Bắc Ninh, Thái Nguyên… tới đây người ta vẫn tiếp tục” - ông nói.

Theo ông Ánh, trong các quy định mới về CPH cần phải đề cập đến phương án sử dụng đất. Ông cho rằng nếu ở vị trí lãnh đạo DNNN có quỹ đất lớn phải CPH, chắc chắn người ta không muốn báo cáo đầy đủ về quỹ đất, vì đó là lợi ích của họ. UBND các cấp chắc cũng không nắm được lịch sử đất đai quá phức tạp.

“Đất khác với các loại tài sản khác, không chỉ quy nó là tỉ, ngàn tỉ hay mét vuông, mà là vị trí nó nằm ở đâu. Ta chưa làm được việc công khai, minh bạch vị trí đất và giá trị đất ở vị trí đó sẽ thế nào… Có lẽ kiểm toán nhà nước phải bám theo phương án sử dụng đất khi kiểm toán các DNNN CPH, dù rất phức tạp nhưng phải làm” - ông khuyến nghị

Dẫn lại một ý kiến đại biểu trước đó cho rằng “đất vẫn còn đó, đất không mất đi đâu cả”, TS Ánh nói: “Đất đúng là không mất đi đâu cả mà chỉ chuyển từ ông này sang ông khác, nhưng ai hưởng lợi lại là câu chuyện”. Theo ông, không ít trường hợp CPH chỉ vì đất, và vì thế mục tiêu CPH không đạt được.

“Có những thứ trưởng đã phải bỏ trốn chỉ vì một mảnh đất nào đó” - ông nói.

Dụ, dọa để lấy cổ phần

Phát biểu sau đó, TS Nguyễn Minh Phong, Phó ban tuyên truyền, lý luận báo Nhân Dân cho rằng ông ở Hà Nội và các lãnh đạo Hà Nội cũng là người quen biết nên ông sẽ nói thẳng một số ví dụ về CPH để minh họa cho các kẽ hở trong CPH.

TS Phong nói có ba kẽ hở chính. Ở thời kỳ đầu thì coi CPH là thành tích, chỉ CPH nội bộ, thậm chí là có tình trạng biếu không cổ phần cho quan chức để đối ngoại. “Đây là điều tạo ra thất thoát trực tiếp” - TS Phong nói.

Kẽ hở thứ hai là định giá quá thấp theo kiểu “duy ý chí”.

Kẽ hở thứ ba là không đấu giá hoặc xé nhỏ các tài sản ra để đấu giá nên việc đấu giá trong CPH rất hình thức.

Có Thứ trưởng phải bỏ trốn vì vài mảnh đất khi cổ phần hóa  - ảnh 2

Tại hội thảo, Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên (giữa) nói việc buông lỏng quản lý sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau CPH làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: KTNN

TS Phong đề cập đến việc CPH Kem Tràng Tiền, Khách sạn Phú Gia, chợ Đồng Xuân… ở Hà Nội. Ông Phong nói khi chợ Đồng Xuân bị cháy thì nhà nước không có tiền sửa nên phải CPH. Thời hạn là 50 năm nhưng mấy năm sau người ta đã thu hồi được vốn nên UBND quận Hoàn Kiếm thấy… tiếc.

“Thậm chí có lãnh đạo Quận Hoàn Kiếm lúc đó bảo cần phải “quốc hữu hóa” lại chợ Đồng Xuân. Nhưng tôi bảo là không được”, TS Phong cho hay.

TS Phong còn nói, những lãnh đạo DNNN có thể còn dùng quyền lực để “thu gom” cổ phần. Họ có thể dụ cổ đông, hoặc sắp xếp cổ đông làm việc khác “trái tay” dẫn đến hiệu quả công việc không đạt và dọa sẽ sa thải nếu không bán lại cổ phần.

Cũng có những trường hợp thông qua liên doanh, các cổ đông khác làm cho DN liên tục lỗ. Cổ đông nhà nước phải chịu lỗ theo và khi không còn tiền thì bán lại cổ phần cho đối tác. Sau một thời gian thì DNNN bị thâu tóm hết. Cũng có những cổ đông đi tìm DNNN để CPH và sau đó gây áp lực để những người giỏi phải ra đi, DNNN giảm uy tín, sụt giảm giá trị và bị thâu tóm.

TS Phong còn nêu ra nhiều ví dụ khác nữa.

Quản lý, sử dụng đất lỏng lẻo

Việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm, quá trình CPH còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước và có một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình...

Còn nhiều bất cập, tồn tại, tình trạng quản lý sử dụng đất lỏng lẻo, sơ hở, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau CPH đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của doanh nghiệp sau CPH. Đồng thời làm tăng số lượng lao động thất nghiệp, ảnh hưởng phát triển đất nước, gây thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp không đạt mục tiêu phát triển sau cổ phần hóa.

Trách nhiệm của người quản lý DNNN còn chồng chéo, chưa rõ ràng, công tác cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, chính sách tiền lương còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế thị trường.

Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng KTNN

Chân Luận (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.