Trước sự hô hào ầm ĩ của giới “cò” đất, đã có một số nhà đầu tư, doanh nghiệp tại TP HCM ôm tiền xuống Long An. Tuy nhiên, khi đặt chân đến đây, nhiều nhà đầu tư đã phát hoảng vì thực tế có rất ít động lực để “đẩy” thị trường bất động sản nơi đây phát triển như kỳ vọng của giới đầu cơ.
Giá tăng hàng chục lần
Trước khi dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương được đưa vào khai thác, giá đất Long An bình quân chỉ khoảng từ 500.000 đồng tới một triệu đồng một m2. Hiện nay, khi con đường đã thông xe, mức giá này được đẩy lên gấp 3 lần, với 1,5 - 3 triệu đồng một m2. Thậm chí, tại một số huyện như Bến Lức, giá còn tăng gần chục lần, tương đương 5 - 7 triệu đồng một m2.
Thành phố Tân An được xem là khu trung tâm của tỉnh này nên hiện giá đất nội thành đã được đẩy lên cao ngất, từ 15 đến 20 triệu đồng một m2 mặt tiền.
Giới đầu tư thậm chí còn đang kháo nhau, dự án nhà phố, biệt thự Mekong Riverside (được coi là “nóng nhất năm 2010” của Long An) mặc dù chưa mở bán, nhưng hiện được đặt mua đến 50% trong tổng số 150 nền, với giá 4,5 - 6 triệu đồng đồng một m². “Khi mua vào sẽ có cơ hội lướt sóng với mức lợi nhuận ít nhất là 10% chỉ trong vòng vài ngày”, một môi giới khẳng định chắc nịch.
Hàng loạt dự án khác được triển khai trong thời gian qua tại Long An như Tân Đức E.City, khu đô thị trung tâm hành chính Long An 104 ha, khu dân cư Đại Dương… cũng được quảng cáo là đầy tiềm năng và giá hiện cũng tăng gấp đôi, khoảng 10 triệu đồng một m². Thậm chí, Công ty chuyên nghiên cứu và tư vấn bất động sản VietRees, trong bản tư vấn khách hàng còn khẳng định: “Thị trường BĐS Long An có thể sôi động trong vòng 2 - 3 năm tới”.
Trong khi, giới đầu cơ, cò mồi thi nhau tung tin đồn Long An “sốt” đất để đẩy giá đất ở đây lên cao, thì Giám đốc Sở Xây dựng Long An, ông Trần Kim Lân lại khẳng định: “Hiện nay, giá đất không tăng nhiều so với năm 2009.
Giao dịch chỉ ở mức trung bình. Tỷ lệ lấp đầy ở các dự án chỉ đạt khoảng 30% lượng giao dịch”. Cũng theo ông Lân, một số khu vực như phường 2, 6 của thành phố Tân An và các huyện Bến Lức, Đức Hoà, Cần Giuộc…, số lượng giao dịch có khá hơn, xuất phát từ nhu cầu thật của người dân, còn đa số đều rơi vào cảnh ế ẩm.
Chỉ là sốt ảo
Trước hiện tượng “sốt” đất Long An, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng, trong khi thị trường bất động sản chủ lực là TP HCM vẫn đóng băng, thì không thể có chuyện bất động sản ở Long An “nóng sốt”. “Hiện đất ở Long An còn mênh mông, người dân không thể “tiêu hóa” hết, cũng chưa hề hình thành làn sóng nhà đầu tư đổ về Long An mua đất thì rất khó để thị trường bất động sản này nóng lên được”, ông Hiển phân tích.
Dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương vốn là cái cớ để giới đầu cơ đẩy giá đất Long An lên cao như hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Hiển, con đường này mới chỉ có tác dụng giảm áp lực xe cho tuyến quốc lộ 1A, chứ chưa thể là động lực “kéo” nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản ở những tỉnh tuyến đường này đi qua.
“Ở TP HCM có sông Sài Gòn, Đồng Nai đi qua nhưng vẫn chưa thể phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vì để phát triển loại hình này cần nhiều điều kiện như khí hậu, hệ thống hạ tầng, giao thông xã hội”, ông Hiển nói.
Riêng với báo cáo tư vấn, dự báo thị trường mà một số công ty baatst động sản như VietRees đưa ra qua thời gian qua, theo các chuyên gia, đều theo kiểu… “ba phải”. Thậm chí, có tình trạng khi doanh nghiệp có dự án ở một tỉnh nào đó “cậy” công ty này làm nghiên cứu thị trường thì y như rằng những thông tin đưa ra đều rất… sáng sủa. Điều này đã khiến không ít nhà đầu tư, người dân ít kinh nghiệm về lĩnh vực bất động sản dễ bị sập bẫy.
Cafeland.vn - (Theo Đất Việt)