20/09/2024 2:41 PM
Khoản đầu tư vào Nhựa Bình Minh của Tập đoàn SCG hiện có giá trị lên đến 5.500 tỷ đồng, tương ứng khoản tạm lãi 2.700 tỷ so với số tiền bỏ ra.

Cổ phiếu BMP của Công ty CP Nhựa Bình Minh vừa bất ngờ có phiên giao dịch 19/9 tăng kịch trần, qua đó lập đỉnh mới tại mức 121.600 đồng/cp.

Trong phiên giao dịch hôm nay 20/9, hiện cổ phiếu BMP đang ở mức 123.100 đồng/cp.

Chỉ trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, thị giá BMP đã tăng gần 34%. Đà tăng mạnh đưa vốn hóa thị trường của Nhựa Bình Minh lên gần 10.000 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi niêm yết năm 2006.

Cổ phiếu Nhựa Bình Minh tăng mạnh, vốn hóa tăng lên gần 10.000 tỷ đồng

Cổ phiếu BMP tăng mạnh trong bối cảnh giá hạt nhựa PVC - nguyên liệu đầu vào có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh lao dốc mạnh.

Được biết, nguyên liệu sản xuất chính của Nhựa Bình Minh là hạt nhựa nguyên sinh, bao gồm ba loại chính: hạt nhựa PVC (chiếm 70%), hạt nhựa PP và hạt nhựa HDPE. Theo đó, giá nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này.

Theo tradingeconomics, giá hợp đồng tương lai PVC chỉ còn khoảng 5.100 CNY/tấn, mức thấp nhất trong 8 năm kể từ năm 2016. Điều này tạo cơ hội cho doanh nghiệp này duy trì biên lãi gộp ở mức cao trong thời gian tới.

Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Nhựa Bình Minh ghi nhận khoảng 2.156 tỷ đồng doanh thu và hơn 470 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 22% và 18% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp này dự kiến năm nay dành ít nhất 50% lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức.

Năm ngoái, Nhựa Bình Minh dùng đến 99% lợi nhuận (khoảng 1.031 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận được 12.600 đồng - mức cao nhất doanh nghiệp này thực hiện từ khi niêm yết vào năm 2006.

Việc cổ phiếu BMP tăng mạnh, cùng tỉ lệ trả cổ tức cao, cổ đông vui nhất có lẽ là Nawaplastic Industries, một thành viên của Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan.

Tập đoàn này bắt đầu trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh từ đầu tháng 3/2012 và không ngừng mua gom.

Tới tháng 4/2018, Tập đoàn SCG cho biết Công ty TNHH Nawaplastic Industries đã hoàn tất nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nhựa này.

Tổng số tiền tập đoàn của Thái Lan chi ra cho thương vụ này ước tính vào khoảng 2.800 tỷ đồng. Đến nay, khoản đầu tư này của SCG đã có giá trị thị trường lên đến gần 5.500 tỷ đồng, tương ứng khoản tạm lãi gần 2.700 tỷ.

Về Nhựa Bình Minh, doanh nghiệp này ra đời từ năm 1977, tiền thân là nhà máy công ty hợp doanh nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm - Bộ Công nghiệp nhẹ, chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa dân dụng và một số sản phẩm ống kèm phụ kiện ống nhựa.

  • Nhựa Bình Minh kinh doanh ra sao sau khi về tay người Thái?

    Nhựa Bình Minh kinh doanh ra sao sau khi về tay người Thái?

    Sau khi đạt đỉnh lợi nhuận trong quý 2/2023, kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh trong quý 3 sẽ suy giảm đáng kể so với cùng kỳ do ảnh hưởng bởi mùa mưa và nhu cầu thị trường giảm mạnh khi các hoạt động xây dựng chưa phục hồi.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.