Trong báo cáo phân tích vừa phát hành ngày 29/3, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC nhận định, trước tin đồn hạn chế giải ngân đối với những khoản vay mua bất động sản, cổ phiếu ngành bất động sản trong phiên giao dịch ngày 29/3 đứng hình mất cả phiên trên sàn. Tâm lí tiêu cực mà ngành này gây ra cho thị trường trong phiên đã kéo theo nhiều ngành khác giảm điểm, có thể kể tới bộ ba “Bank, Chứng, Thép”.

Ảnh minh họa.

VN-Index phiên 29/3 đóng cửa giảm hơn 15 điểm so với thứ Sáu tuần trước. Ở chiều ngược lại, nhóm ngành Thủy sản, Phân bón, Điện nước “gánh còng lưng” những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên, khiến thị trường không “rớt đài” quá mạnh. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực.

Nhiều cổ phiếu bất động sản nằm sàn la liệt như: NBB, QCG, DIG... Trong khi đó, loạt các cổ phiếu bất động sản khác có biên độ giảm sâu như: L14, DIG, CEO, NLG, NBB, CII, QCG, DRH, SCR,…

Về giao dịch của khối ngoại, trong phiên 29/3, khối này có một phiên giao dịch khá ảm đạm khi bán ròng nhẹ trên sàn HSX và mua ròng nhẹ trên sàn HNX. Trong những phiên tới, BSC cho rằng, nếu tâm lí nhà đầu tư còn tiêu cực với ngành bất động sản thì có lẽ có khả năng thị trường sẽ giảm tiếp xuống ngưỡng hỗ trợ quanh vùng 1.455.

Theo điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) mới đây do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, từ nay tới tháng 6/2022, các ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt dòng vốn vào lĩnh vực rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán…

Hiện, các TCTD đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cũng "thắt chặt hơn" yêu cầu về tài sản bảo đảm; điều khoản bổ sung trong hợp đồng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn tín dụng.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Hệ thống ngân hàng phải hướng dòng vốn tín dụng năm 2022 vào lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, hạn chế tín dụng “đen”. “Đối với lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay kênh trái phiếu, quan điểm của NHNN là phải kiểm soát chặt. Tuy nhiên, NHNN vẫn tạo điều kiện cho bất động sản nhà ở, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thực sự, chính đáng. Còn bất động sản đầu cơ, dự án lớn có hệ số rủi ro cao thì vẫn kiểm soát chặt chẽ", ông Đào Minh Tú cho biết.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.