Với trọng lượng siêu nhẹ kết hợp với kiểu dáng dạng sóng và màu sắc giả ngói sang trọng, tấm lợp sinh thái đang dần thay thế cho các tấm lợp truyền thống như tôn kẽm, tôn mạ màu, ngói tại nhiều công trình.

Trong xây dựng, mái nhà là phần kiến trúc quan trọng, góp phần tạo nên tổng thể hoàn thiện của một căn nhà. Do đó, việc nắm rõ những vật liệu nào dùng để lợp mái sẽ giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc lựa chọn loại mái phù hợp.

Thị trường vật liệu làm mái hiện nay ngày càng đa dạng về chủng loại, kiểu dáng và màu sắc. Tuy nhiên, khi lựa chọn vật liệu lợp mái cho ngôi nhà, ngoài kiểu dáng và màu sắc thì còn có rất nhiều yếu tố khác cần cần nhắc như độ bền và giá cả.

Tấm lợp sinh thái là vật liệu xanh, thân thiện với môi trường

So với các vật liệu lợp phổ biến hiện nay như tôn kim loại, ngói lợp đất nung, thì tấm lợp sinh thái có nhiều ưu điểm vượt trội, có thể đảm bảo tốt mọi tiêu chí về độ bền của công trình.

Tấm lợp sinh thái là gì?

Tấm lợp sinh thái là vật liệu lợp mái đa dụng giả ngói, được sản xuất từ nguyên liệu tái sinh thân thiện môi trường. Vật liệu này có trọng lượng siêu nhẹ, thiết kế kiểu dáng dạng sóng và đa dạng màu sắc giống ngói cải tiến.

Trong quá trình sử dụng, tấm lợp sinh thái có ưu thế hơn ngói lợp truyền thống bởi không bị ăn mòn bởi muối biển, hóa chất, kiềm, amoniac… Đặc biệt, tấm lợp này còn có khả năng chống ồn rất tốt.

Hiện nay, vật liệu tấm lợp sinh thái được ứng dụng phổ biến trong các công trình xây dựng như công trình dân sinh, công trình công cộng và nhà xưởng công nghiệp.

Tại sao nên sử dụng tấm lợp sinh thái?

Bên cạnh chức năng che mưa, che nắng thì việc lựa chọn mái lợp nhà cũng phải đáp ứng những tiêu chí khác như độ bền, độ chịu lực và đặc biệt là khả năng chống bị ăn mòn, oxi hóa trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Tấm lợp sinh thái có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt

Cụ thể, tấm lợp sinh thái được sản xuất từ các sợi hữu cơ và chất chống thấm asphalt theo phương pháp ép lớp nên thân thiện với môi trường, có thể đảm bảo tốt mọi tiêu chí về độ bền của công trình.

Ngoài ra, tấm lợp sinh thái còn có khả năng chống nóng, cách âm tốt và giúp tiết kiệm điện năng dùng cho điều hòa vào những ngày nhiệt độ tăng cao. Các tấm lợp này thường có trọng lượng rất nhẹ nên rất dễ vận chuyển đến các công trình

Trên thị trường hiện nay, loại vật liệu này cũng khá đa dạng về mẫu mã, màu sắc, phù hợp với mọi công trình.

Các loại tấm lợp sinh thái phổ biến

1. Tấm lợp sinh thái Onduline

Tấm lợp sinh thái có nhiều ưu điểm vượt trội, có thể đảm bảo tốt mọi tiêu chí về độ bền của công trình

Tấm lợp sinh thái Onduline hay còn được gọi là tôn sinh thái Onduline, được làm từ hỗn hợp nhựa Bitum và sợi cơ tổng hợp sản xuất theo công nghệ hiện đại của châu Âu. Sau khi hỗn hợp này được nung chảy ở nhiệt độ cao sẽ được đưa vào khuôn cáng thành dạng tấm có sóng dày 2,8-3mm.

Tấm lợp này được sản xuất dưới dạng một lớp để cung cấp hiệu suất kỹ thuật vượt trội và tuổi thọ dài hơn so với các công nghệ nhiều lớp. Theo đó, không giống như các tấm lợp sơn, vật liệu tấm lợp sinh thái Onduline giữ được màu sắc của chúng trong một thời gian dài mà không bị phai màu và bong tróc bề mặt.

Tấm lợp Onduline có trọng lượng khá nhẹ, chỉ 3,4kg/m2 nên khá dễ dàng trong việc vận chuyển cũng như thi công.

Trên thị trường, tấm lợp sinh thái có nhiều mẫu mã, màu sắc, phù hợp với nhiều công trình xây dựng

Ưu điểm nổi bật của tấm lợp Onduline là khả năng cách âm, cách nhiệt tốt. Theo kiểm định của Mỹ và Đức, tấm lợp sinh thái này có thể chống thấm nước tới 16 ngày liên tục.

Nhờ có độ bền cao, tấm lợp Onduline phù hợp sử dụng cho các công trình ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi gió bão. Tại các công trình ven biển, tấm lợp này cũng đang là lựa chọn hàng đầu nhờ ưu điểm không bị oxi hóa bởi muối, axit và các loại hóa chất.

2. Tấm lợp sinh thái Corrubit

Bên cạnh tấm lợp sinh thái Onduline, Corrubit cũng là một loại tấm lợp sinh thái được sử dụng khá rộng rãi trong các công trình hiện nay. Sản phẩm tấm lợp sinh thái Corrubit là sản phẩm nhập khẩu, hiện đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Vật liệu tấm lợp sinh thái có trọng lượng khá nhẹ, giúp dễ dàng trong việc vận chuyển cũng như thi công

Tấm lợp Corrubit có trọng lượng khá nhẹ, khoảng 5,5kg/tấm, được thiết kế giống với các sản phẩm ngói sóng lợp mái, phù hợp với các thiết kế mái công trình nhà ở, biệt thự, khu nghỉ dưỡng.

Theo đó, ưu điểm của tấm lợp này là không bị oxi hóa, ăn mòn, gỉ sét trong quá trình sử dụng. Đây là điểm vượt trội so với các loại tôn kim loại đang sử dụng hiện nay.

Được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, nhờ đó tấm lợp sinh thái Corrubit không bị thấm nước. Ngoài ra, vật liệu lợp mái này còn có khả năng chống ồn, cách nhiệt cách âm tốt. Cùng với đó là kết cấu lắp đặt chắn chắn, liền mạch, nên tấm lợp Corrubit có thể chịu được sức gió nên tới 200km/h.

Hiện nay, tấm lợp Corrubit có nhiều màu sắc như xanh, đỏ, nâu… đem đến sự lựa chọn đa dạng, phù hợp với nhiều công trình khác nhau.

3. Tấm lợp sinh thái Onduvilla

Tấm lợp sinh thái Onduvilla là dòng ngói cao cấp, được sản xuất trên dây chuyền hiện đại của Pháp. Tấm lợp này được làm từ những sợi hữu cơ tổng hợp và nhựa Bitum được xử lý trong hệ thống áp suất và nhiệt độ cao.

Tấm lợp này sử dụng công nghệ phủ màu Double Coat - phủ màu cả hai bề mặt viên ngói, màu sắc được phủ đều hơn.

Nhiều công trình đã sử dụng tấm lợp sinh thái thay thế cho các vật liệu lợp mái truyền thống

Tấm lợp sinh thái Onduvilla chỉ nặng 1,27kg. Chính vì trọng lượng nhẹ giúp giảm tải trọng áp lực từ mái lên công trình cũng như tiết kiệm chi phí làm kết cấu hệ xương mái.

Cũng giống như các loại tấm lợp sinh thái khác, ngói Onduvilla cũng có ưu điểm là không thấm nước, không bị ăn mòn bởi hóa chất và không bị bám rêu. Nhà sản xuất không đưa phụ gia Amiang vào sản xuất tấm lợp này.

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.