Vừa “chân ướt, chân ráo” chuyển công tác từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh, chị Bùi Thanh Hạnh đã là chủ sở hữu của một căn hộ chung cư tại đất Sài thành. Khi được hỏi tại sao? Chị Hạnh chia sẻ với Thời báo Ngân hàng: “Đồng lương một cán bộ, công chức hàng tháng giỏi lắm thu nhập khoảng 15 triệu đồng, để sở hữu một căn hộ thuộc loại tầm tầm bậc trung đã là quá khó. Nhưng số tôi may mắn, đúng thời điểm thị trường bất động sản giảm giá mạnh lại tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi”.
Nhiều dự án nhà ở “tung chiêu” ưu đãi
Cũng “may mắn” như chị Hạnh, anh Đỗ Mạnh Dũng - nhân viên Công ty FPT cũng vừa nhận bàn giao căn hộ chung cư tại Quận I, TP. Hồ Chí Minh, với giá hơn 1 tỷ đồng. “Thời điểm này giá nhà ở rất hợp lý, tôi phải đôn đáo vay tiền để lấy được căn hộ này. Chỉ cách đây 2 năm, một căn hộ như của tôi phải có giá trên 2 tỷ đồng”, anh Dũng chia sẻ.
Theo các thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có hàng chục nghìn cán bộ, công chức có nhu cầu về nhà ở xã hội. Chỉ tính đối tượng đăng ký thuê mua của Hà Nội đã khoảng 10 nghìn người, theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội. Vấn đề là nguồn tài chính ở mỗi gia đình lại không giống nhau và những căn hộ trị giá tiền tỷ không phải ai cũng có thể chạy vạy đủ.
Việc chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội chính là lời giải cho bài toán làm “tan” tảng băng thị trường bất động sản mà những người như chị Hạnh, anh Dũng đang góp phần. Trong khi phía nguồn cung, nếu chuyển đổi thành công dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, DN có thể cung cấp căn hộ với giá thành thấp hơn trước khoảng 40%, quanh mức 10 triệu đồng/m2. Và, tiền đang “sẵn” trong hệ thống ngân hàng, lãi suất thì liên tục hạ.
Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ: “Một số dự án đã có quỹ đất sạch, đã làm xong hạ tầng, việc chuyển đổi sẽ giảm giá, những người có nhu cầu sẽ tiếp cận được và đẩy tính thanh khoản lên cao”.
Theo các chuyên gia, phân khúc nhà ở xã hội vẫn luôn có tính thanh khoản cao hơn nhà thương mại. Hơn nữa, DN có dự án nhà ở xã hội cũng được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước như: 20% quỹ đất được sử dụng để xây nhà ở xã hội sẽ không phải đóng thuế sử dụng đất, giảm 50% thuế VAT, thuế thu nhập DN được ưu đãi giảm xuống còn 20%...
Nhiều DN đang hưởng ứng chủ trương phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ. Chỉ tính riêng TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2015 sẽ có 20 dự án nhà ở xã hội được triển khai xây dựng, với khoảng 21.000 căn hộ. Trong khi đó, nhiều DN bất động sản cũng đang đẩy nhanh việc chuyển đổi dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội để giải quyết hàng tồn kho.
Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long hiện đang chào bán căn hộ dự án E home 3 Tây Sài Gòn tại quận Bình Tân, với mức giá 710 triệu đồng/căn. Khách hàng mua nhà tại dự án này còn được ngân hàng cho vay với lãi suất 0% và không trả nợ gốc cho đến khi nhận nhà.
Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức cũng đang rao bán căn hộ thuộc 2 dự án TDH - Trường Thọ và TDH - Phước Bình với phương thức trả trước 40% tổng giá trị căn hộ và được nhận nhà ngay, phần còn lại được trả trong 5 năm không phải chịu lãi suất.
Nhắm đến xu hướng kinh doanh này, nhiều NHTM đã vào cuộc, đưa ra nhiều gói tín dụng quy mô lớn, lãi suất thấp, cho vay linh hoạt theo khả năng trả nợ của các đối tượng mua nhà ở xã hội. Ở tầm vĩ mô, thời gian tới NHNN cũng tái cấp vốn 30.000 tỷ đồng cho các NHTM Nhà nước triển khai chương trình tín dụng nhà ở. Khi đó cơ hội để an cư đang thực sự mở ra với nhiều người, mà trường hợp chị Hạnh và anh Dũng không phải là cá biệt.