24/02/2021 8:15 AM
Các lô đất dưới 40 m2 được thu hồi để xử lý theo quy hoạch. Với cách làm này, Đà Nẵng mở rộng được các tuyến đường và hạn chế tồn tại những ngôi nhà siêu mỏng.

Hơn 20 năm trước, TP Đà Nẵng có chưa đến 100 con đường nhưng đến nay đã phát triển hơn 1.000 tuyến phố lớn, nhỏ. Địa phương này cũng có rất ít ngôi nhà siêu mỏng như ở TP.HCM, Hà Nội.

Kiến trúc sư Nguyễn Cửu Loan, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng TP này có được bộ mặt đô thị như hiện nay là do thế hệ lãnh đạo Đà Nẵng trước đây có tầm nhìn dài hạn về quy hoạch và sự đồng thuận cao của người dân.

Hơn 1.000 tuyến đường

Nhắc lại chuyện Đà Nẵng giai đoạn năm 1975, ông Loan cho biết thời điểm đó phía đông TP như "bãi chiến trường".

Đà Nẵng đã đạt hiệu quả từ chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm với chiến lược hạ tầng đi trước, dự án theo sau.

Kiến trúc sư Nguyễn Cửu Loan

Lúc đó, địa phương này chỉ có 36 con đường. Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1997), TP Đà Nẵng có chưa đến 100 con đường, chủ yếu ở quận Hải Châu và một phần ở Thanh Khê.

Để phát triển thành phố, lãnh đạo Đà Nẵng liên tục thực hiện chính sách giải tỏa để xây dựng các con đường nối dài từ đông qua tây và từ phía nam lên phía bắc theo hướng hiện đại, văn minh.

"Nhờ tầm nhìn dài hạn nên địa phương đã có hơn 1.000 con đường, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế, xã hội. Qua mỗi chặng đường phát triển, tầm vóc về một đô thị lớn ở miền Trung - Tây Nguyên và khu vực được định hình", kiến trúc sư Nguyễn Cửu Loan nói.

Đà Nẵng liên tục mở rộng, xây mới nhiều tuyến đường nhưng tồn tại rất ít ngôi nhà siêu mỏng như Hà Nội và TP.HCM.

Để làm được điều đó, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng kể thành phố chủ trương khi giải tỏa mở đường kết hợp với thu hồi đất hai bên để sắp xếp lại đô thị đồng bộ. Nhà cửa phải được xây dựng mới theo quy hoạch trên các lô đất có diện tích trung bình 80-100 m2.

Các lô đất dưới 40 m2 được thu hồi để xử lý theo quy hoạch (mở đường nội bộ cho khu dân cư phía sau, ghép thửa…). Với cách làm này, Đà Nẵng mở rộng được các tuyến đường và cũng hạn chế tồn tại những ngôi nhà siêu mỏng.

Đại diện Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng cho biết quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo TP là không để xảy ra tình trạng sau khi mở đường vẫn thừa ra những mảnh đất “xiên, xẹo”.

Việc thu hồi đất có diện tích nhỏ được xác định ngay từ đầu chứ không phải làm tới đâu hay tới đó. Các mảnh đất quá nhỏ được Nhà nước thu hồi và hỗ trợ đền bù theo quy định.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng cho biết vấn đề quan trọng là quy hoạch và quản lý phải đồng bộ, hài hòa, đáp ứng yêu cầu về không gian đô thị.

Người dân đồng thuận

Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết trong quá trình đô thị hóa, chính quyền thành phố giải thích thấu tình đạt lý nên đa số người dân đồng thuận chủ trương, nhường đất để chính quyền mở rộng đường, chỉnh trang đô thị.

Đà Nẵng nhận được sự đồng thuận từ nhân dân, góp phần làm thay đổi hình ảnh thành phố.

Kiến trúc sư Nguyễn Cửu Loan

"10 năm trước, tuyến đường Trần Cao Vân chỉ có một làn xe. Nhờ chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm nên con đường này đã được mở rộng lên khoảng 15 m", ông Loan kể.

Theo ông Loan, bí quyết làm nên thành công của Đà Nẵng là thực hiện đồng bộ chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm với chiến lược “hạ tầng đi trước, dự án theo sau”.

Lãnh đạo Đà Nẵng đã đến tận nhà dân, vận động những hộ ở mặt tiền hiến một phần diện tích đất để mở rộng đường. Theo đó, khi hiến một phần diện tích đất, ngoài việc được nhận khoản tiền hỗ trợ thỏa đáng thì người dân cũng được ưu tiên mua lại những phần đất gần đó khi thành phố có chủ trương đấu giá.

Khi mở rộng tuyến đường Quang Trung, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ... chính quyền thành phố đã thu hồi một phần diện tích đất rồi sau đó bán đấu giá.

Chuyện thu hồi đất làm đường ở Đà Nẵng

Đường Phạm Văn Đồng nối từ cầu sông Hàn ra công viên Biển Đông. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Đối với chủ trương này, chính quyền Đà Nẵng ưu tiên cho người dân được mua lại những vị trí gần nhà. Nếu những hộ này không có điều kiện mua lại, thành phố sẽ cấp đổi 2-3 lô đất (tùy trường hợp) ở nơi tái định cư.

Theo ông Loan, với cách làm trên, chính quyền và người dân cùng có lợi. Cụ thể, những hộ hiến đất có được một khoản tiền do Nhà nước hỗ trợ để sửa sang nhà cửa đẹp hơn.

Hoặc khi đến nơi tái định cư mới, người dân cũng có thể bán đi một lô đất để lấy tiền xây nhà khang trang hơn so với nơi ở cũ. Thành phố cũng có thêm quỹ đất để mở tuyến đường rộng rãi hơn.

"Chính quyền Đà Nẵng đã có những cách làm như trên nên tạo ra nhiều tuyến đường đẹp", ông Loan nói.

Trao đổi với Zing, luật sư Trần Hùng (Đà Nẵng) nói những năm sau khi Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (năm 1997), Luật Đất đai, Luật Đấu giá chưa hoàn thiện như bây giờ nên chưa cơ quan có thẩm quyền nào khẳng định chính quyền Đà Nẵng (lúc đó) thực hiện chủ trương trên đúng hay sai.

"Theo tôi, bây giờ không nên 'soi' vấn đề này sai hay đúng. Nếu các địa phương khác muốn thu hồi, đấu giá đất để làm đường thì phải căn cứ các quy định của luật hiện hành để thực hiện, trên cơ sở lấy quyền lợi của người dân làm trung tâm để mang lại hiệu quả trong việc giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị với tiêu chí đại đa số người dân có lợi", luật sư Hùng nói.

Đoàn Nguyên (Zing News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.