Ông Manoj H Kamdar, tổng giám đốc công ty Harrisfreeman chuyên về nông sản tại khu công nghiệp VSIP II đã có mười năm làm việc tại Bình Dương. Tuy xác định Bình Dương là nơi công ty của ông sẽ làm việc lâu dài nhưng hiện tại ông vẫn phải thuê nhà tại quận 2, TP.HCM để ở.
Đành chấp nhận sáng đi tối về
Ông Kamdar cho biết, mỗi sáng ông phải thức dậy từ lúc 5 giờ để ăn sáng và đi làm sớm nhằm tránh kẹt xe. Sở dĩ ông phải chịu vất vả như vậy là vì ông đã đi tìm khắp các dự án nhà ở tại Bình Dương nhưng vẫn không sao tìm được cho mình một căn hộ ưng ý. Có căn phù hợp về hạ tầng nhưng lại không phù hợp về môi trường sống, được môi trường sống thì hạ tầng lại chưa được kết nối hoàn thiện…
“Tôi chấp nhận đi làm xa một chút nhưng cách thiết kế căn hộ ở phường An Phú, quận 2 khiến tôi hài lòng”, ông Kamdar nói.
Tương tự, bà Tiffany Nguyễn, giám đốc hành chính công ty Navigroups cũng phải thuê nhà tại TP.HCM để đi làm tại Bình Dương. Theo bà Nguyễn, tiêu chí về một căn hộ hoàn chỉnh của bà là an ninh. Trong thời gian qua, Bình Dương cũng đã tung ra thị trường nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp. Hầu hết những sản phẩm này chỉ mới đáp ứng được các điều kiện như sinh hoạt vui chơi, giải trí, mua sắm… chứ chưa đáp ứng được điều kiện về an ninh, trình độ dân trí.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2009 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 1.800 dự án đầu tư nước ngoài với trên 15.000 chuyên gia trong và ngoài nước đến làm việc; trong số này có khoảng 4.500 hộ gia đình chuyên gia nước ngoài làm việc ở Bình Dương nhưng sinh sống ở Phú Mỹ Hưng (TP.HCM), 200 chuyên gia ở quận 2 và nhiều chuyên gia khác sống rải rác ở các quận 1, 3.
Đáng chú ý là hầu hết các chuyên gia nước ngoài đều có nhu cầu sở hữu nhà ở tại tỉnh để chủ động trong công việc và tiện chăm sóc gia đình, tránh cảnh sáng đi tối về giữa TP.HCM và Bình Dương. Tuy nhiên, họ không tìm được căn hộ đạt yêu cầu.
Cung không gặp cầu
Nếu chỉ xét về mặt số lượng, theo một chuyên gia về nhà ở, một số dự án xây dựng “làng chuyên gia” được hình thành ở các khu công nghiệp Mỹ Phước, VSIP... chỉ mới đáp ứng được phần nhỏ so với nhu cầu.
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở số lượng, một bộ phận doanh nhân nước ngoài có ý định đầu tư lâu dài tại Việt Nam nên đưa theo cả gia đình. Họ có nhu cầu chọn trường học cho con cái, sử dụng các dịch vụ y tế cao cấp... nhưng khả năng đáp ứng của các cơ sở ở Bình Dương vẫn còn hạn chế.
Do vậy, theo ông Kevin Shah, chủ tịch HĐQT một công ty điện tử, thì sẽ còn nhiều chuyên gia như ông sẽ tiếp tục phải thuê nhà ở TP.HCM.
Vậy ai mua căn hộ cao cấp?
Giá của các dự án cao cấp hiện đã được đẩy lên cao gấp 2 – 3 lần so với giá trị thực. Cụ thể, trong đầu tháng 4.2010, khi chủ đầu tư bán ra thị trường hơn 200 nền nhà phố, biệt thự trong dự án Green River. Đến thời điểm hiện nay do nguồn cung mới không kịp đáp ứng nhu cầu nên diễn ra mua đi bán lại. Chênh lệch giữa mua bán lần một và lần hai hiện nay ít nhất vài chục triệu đồng và cao nhất có thể lên đến 300 triệu đồng/nền.
Mới đây, khi chủ đầu tư vừa công bố bán dự án căn hộ Gold Town thì chỉ trong vòng 30 phút, 70% trên tổng số 112 sản phẩm đã được giới đầu tư mua hết. Điều đáng nói, người chen nhau mua những căn hộ này lại đa số là nhà đầu tư đến từ phía Bắc, mua để lướt sóng chứ không phải để ở.
Sự việc căng đến nỗi chính đại diện của Công ty Tấc Đất Tấc Vàng – đơn vị phân phối những dự án trên cũng phải đưa ra lời cảnh báo khách hàng nên thận trọng bởi thị trường đất Bình Dương đang nóng nhưng cũng chỉ có tiềm năng trong vài năm tới khi hệ thống hạ tầng tại Bình Dương đang dần hoàn thiện.
Nếu cứ ồ ạt mua vào và đẩy giá cao lên như hiện nay thì nguy cơ rủi ro rất cao. Nhiều khả năng sẽ tái diễn cảnh đô thị hoành tráng nhưng không người ở như trước.