18/07/2018 3:04 PM
CafeLand – Các doanh nghiệp bất động sản hi vọng nguồn cung về quỹ đất sẽ trở nên dồi dào hơn nếu 26.000 ha đất nông nghiệp tại TP.HCM được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp trong thời gian tới.

26.000 đất nông nghiệp tại TP.HCM sẽ được chuyển đổi sang đất công nghiệp, dịch vụ.

Dự kiến sẽ có 1,5 triệu tỉ đồng

Mới đây, trong kỳ họp thứ 9 của HĐND TPHCM khóa IX, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thành phố chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ.

Nếu đem đấu giá 26.000 ha đất này sẽ thu về 1,5 triệu tỉ đồng. Đây là nguồn lực to lớn, tạo nguồn vốn cho thành phố phát triển.

Theo thống kê, hiện đất nông nghiệp chiếm gần 55% tổng diện tích tự nhiên của TP.HCM, nhưng nông nghiệp chỉ đóng góp 0,06% tổng giá trị sản phẩm xã hội của thành phố.

Theo Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM, chỉ một phần diện tích nhỏ đất nông nghiệp thành phố đang được canh tác, sử dụng đúng mục đích. Phần lớn còn lại không thể sử dụng, bỏ hoang hóa gây lãng phí. Theo đó, những diện tích nông nghiệp này chủ yếu tập trung ở hai huyện Bình Chánh và Củ Chi.

Ông Huỳnh Thái Ngọc - Phó trưởng phòng Kế hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, đến năm 2020 một số chỉ tiêu sử dụng đất của TP.HCM sẽ có những bước phát triển nhảy vọt. Cụ thể, thành phố sẽ chuyển hơn 26.000 ha đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp. Trong đó nổi bật là đất khu công nghiệp khoảng 3.500 ha sẽ tăng lên 6.000 ha; Đất ở sẽ tăng đến 7.321 ha. Đất ở đô thị sẽ chiếm tỷ lệ lớn khoảng 4.500 ha và còn lại là đất ở nông thôn.

Ông Thành, một người dân ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh cho biết, gia đình ông có 2ha đất nông nghiệp trước đây dùng để trồng lúa nhưng thu lợi không được bao nhiêu trong khi mất rất nhiều công sức chăm sóc. Gần đây ông đã cho người khác thuê để trồng rau.

Ông Thành cho biết, nếu thành phố có chính sách chuyển đổi phù hợp, giá cả đền bù hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người dân thì họ hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.

Bà Bình, một người dân khác lại lo xa hơn. Bà cho biết, nói là ở thành phố nhưng ở đây người dân lâu nay đều sống bằng nghề làm nông. Nếu chuyển đổi thì thành phố cần phải có những chương trình hỗ trợ cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân.

“Thành phố nên chuyển đổi và sử dụng những khu đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu sản xuất để tạo công ăn việc làm cho người dân. Nếu chỉ xây dựng đô thị, nhà ở, các dự án bất động sản thì người dân biết sống bằng nghề gì”, bà Bình nói.

Cơ hội nào cho bất động sản?

Tổng giám đốc một công ty bất động sản cho biết, hiện nay quỹ đất tại khu vực trung tâm thành phố đã cạn kiệt, nếu còn thì giá cũng rất đắt, cạnh tranh. Trong khi tại nhiều quận huyện vùng ven, đặc biệt là Củ Chi, Nhà Bè và Bình Chánh đất nông nghiệp còn rất nhiều lại không được sử dụng hiệu quả. Do đó, nếu được chuyển đổi thì đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản săn tìm quỹ đất mới phát triển dự án.

Theo tiến sĩ Bùi Quang Tín, giảng viên trường Đại học Ngân Hàng TP.HCM, việc thành phố chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang nhiều mục đích khác nhau như công nghiệp, dịch vụ chứ không riêng gì đô thị, nhà ở. Tuy nhiên, đây vẫn là tín hiệu vui cho thị trường bất động sản.

Ông Tín cho rằng, hiện quỹ đất để phát triển dự án nhà ở tại trung tâm thành phố đã cạn kiệt. Trong khi đó, việc tập trung mật độ quá đông các dự án tại vùng lõi cũng gây ra nhiều hệ lụy như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm. Do đó, cần phát triển các khu đô thị vệ tinh để giãn dân, giảm áp lực hạ tầng cho thành phố.

Theo vị tiến sĩ này, trong 26.000ha đất được chuyển đổi, thành phố cần nghiên cứu với những khu đất có vị trí tốt, phù hợp quy hoạch thì nên đấu giá cho các doanh nghiệp thực hiện dự án bất động sản. Như vậy vừa thu được nguồn lợi lớn cho ngân sách, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm quỹ đất. Đặc biệt, khi nguồn cung tăng thì có thể sẽ khiến giá nhà cũng giảm, cơ hội mua nhà của người dân vì thế cũng tăng lên.

“Thành phố cần có những cơ chế giám sát, quản lý nguồn đất này một cách hiệu quả. Tránh tình trạng nhà đầu tư ôm đất đầu cơ, hoặc xí phần rồi để đó không thực hiện gây lãng phí”, ông Tín nói.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết việc thành phố chuyển đổi để khai thác nguồn lực từ đất đai là cần thiết. Tuy nhiên, ông lại băn khoăn về lộ trình chuyển đổi chỉ trong vòng chưa đến 3 năm.

Ông Châu cho rằng, diện tích 26.000 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi là rất lớn. Nếu lộ trình từ nay đến năm 2020 để chuyển đổi toàn bộ diện tích này là không đơn giản, khó khả thi.

Theo ông Châu, nguồn lực đất đai là vô cùng to lớn. Giá trị của từng khu đất cũng không ngừng gia tăng theo thời gian. Do đó, thành phố cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi phù hợp để phát huy hết được mọi hiệu quả từ nguồn đất này mang đến.

Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Hoàng Minh Trí, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết thành phố cần xác định 26.000ha đất nằm ở những vị trí nào, đánh giá lợi thế các khu đất phù hợp cho loại hình chuyển đổi, khi đó mới tính toán thực hiện chuyển đổi chức năng cho từng khu vực.

Do thời gian còn lại rất ít, nên ông Trí cho rằng, thành phố nên làm thí điểm một vài dự án để đánh giá hiệu quả từ việc chuyển đổi. Sau đó nhân rộng ra chuyển đổi những khu vực khác.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.