Hôm nay là một phiên giao dịch không có gì đáng nhớ. Cung cầu yếu và tâm lý chán nản lan rộng.

Phần lớn thời gian của phiên hôm nay, thị trường vận động một cách tẻ nhạt.

VN-Index tiếp tục đi ngang như thể mất phương hướng. Dao động trong phiên cũng không lớn và nhà đầu cơ thấy “buồn ngủ” trong một bối cảnh như vậy.

Sàn HOSE chào tuần mới bằng một phiên thanh khoản không thể thấp hơn: Gần 19,76 triệu chứng khoán được khớp lệnh, trong đó luân chuyển cổ phiếu là 19,48 triệu đơn vị, chỉ nhỉnh hơn chút ít so với phiên đầu tuần trước.

Khá nhiều thông tin có thể xem là tích cực được giới đầu tư bàn luận cuối tuần qua. Trước hết là thông tin về một số ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất. Đề tài này thực sự không còn gây hứng thú nữa, dù kỳ vọng vẫn còn nguyên. Nhà đầu tư có lẽ đã chán các thông tin lẻ tẻ như vậy.

Thứ hai là số liệu khá tốt về kết quả kinh doanh của SSI. Mức lợi nhuận quý 3 của công ty đạt 146,2 tỷ đồng sau thuế. Đây là mức lợi nhuận lớn nhất trong nhóm cổ phiếu chứng khoán.

SSI cũng không làm nên “trò trống” gì phiên hôm nay. Mở cửa, SSI tăng nhẹ lên mức 25.700 đồng/cổ phiếu và đạt mức cao nhất 26.000 đồng/cổ phiếu, nhưng ngay lập tức chịu áp lực bán mạnh. SSI khớp lệnh tương đối lớn, khoảng 711.000 đơn vị, trong đó 42% là lệnh mua đập vào dư bán.

Tuy nhiên tại giá 26.000 đồng, SSI chỉ được chuyển nhượng hơn 6.000 cổ phiếu và kiệt lực, không thể vượt lên mức giá cao hơn dù dư bán cũng làng nhàng. Đồ thị giao dịch trong phiên cho thấy bên mua khá nỗ lực đẩy giá lên các bước cao hơn nhưng có vẻ “lực bất tòng tâm”, giá “đuội” dần về cuối ngày và đóng cửa lại dậm chân tại chỗ ở tham chiếu. SSI đã về sát mức đáy của hôm 25/8 vừa qua nhưng lực mua cũng không tăng lên được bao nhiêu, bất chấp tin hỗ trợ.

“Người hùng” của sàn HOSE sáng nay là MSN. Không có tin tức gì đặc biệt nhưng cổ phiếu này bất thần vọt lên trần khoảng 10h. Giao dịch sụt giảm là một trong những lý do khiến cổ phiếu này có thể được đánh lên dễ dàng như vậy. Hơn 13.000 cổ phiếu được mua lúc đóng cửa cũng đủ xác lập mức giá trần của mã này.

Nói chung những giao dịch lẻ tẻ như MSN không có hiệu ứng đáng kể, dù có phần tác động đến chỉ số. Việc đánh lên kịch trần như vậy lúc này thậm chí còn hơi “phản cảm” vì nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu này được sử dụng để “neo” VN-Index. Thực ra cũng còn một số mã khác như HAG (+1.500 đồng), DPM (+1.100 đồng) phiên hôm nay cân bằng lại số giảm.

Ba cổ phiếu dư mua trần hôm nay tại HOSE là GTT, MCG và TRI. Trong số này chỉ có MCG được hỗ trợ bởi thông tin cổ đông nội bộ sẽ mua vào lượng phát hành ra công chúng khá lớn từ hôm nay (18/10). GTT và TRI có thể là phản ứng kỹ thuật bình thường của cung cầu. MCG được đánh lên mạnh 3 phiên gần đây với khối lượng lớn. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường đi ngang như lúc này, khó có thể nói trước khả năng bật xa đến đâu.

Khối ngoại hôm nay quay lại trạng thái giao dịch thăm dò: Không đẩy giá, khối lượng nhỏ. Khoảng 1,88 triệu chứng khoán mua vào là mức mua thấp nhất kể từ cuối tháng 9. Giá trị mua vào khoảng 11,1 tỷ đồng tính chung cả thỏa thuận, trong đó mua ròng qua khớp lệnh lớn hơn với 12,2 tỷ đồng. Tuy nhiên đây vẫn là con số tương đối thấp so với bình quân khớp lệnh ròng 57 tỷ đồng mỗi phiên của tuần trước.

Phần lớn thời gian của phiên hôm nay, thị trường vận động một cách tẻ nhạt. Dao động lớn nhất chỉ xảy ra trong khoảng 30 phút đầu tiên của đợt khớp lệnh thứ hai khi VN-Index dội ngược từ đáy 456 điểm lên 458,94 điểm. Tuy nhiên giá trị giao dịch chỉ khoảng 70 tỷ đồng. Gần như toàn bộ thời gian còn lại, chỉ số dao động trong biên độ +/-1,5 điểm. Các cơ hội kiếm lời nhờ dao động hầu như không có và nhà đầu cơ khó có “gan” lướt với khối lượng lớn.

Chỉ số sụt khoảng 1,27 điểm lúc đóng cửa so với cuối phiên khớp lệnh liên tục cũng với khối lượng nhỏ nhất kể từ đầu tháng 3/2010 đến nay: 4,04 triệu đơn vị. BVH, EIB, PPC, STB, VIC là những tác nhân chính khi sụt giảm đáng kể lúc đóng cửa so với lúc kết thúc đợt hai.

Về tổng thể thanh khoản tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh chỉ số giảm lúc đóng cửa là điểm không tốt. Điều đó cho thấy cầu đợt ba khá yếu. Nói đúng hơn là cầu yếu trong phần lớn thời gian giao dịch, dù cung không phải là mạnh. Diễn biến đi ngang một cách èo uột tiếp tục khiến đa số nhà đầu tư rơi vào trạng thái “mộng mị”.
Cafeland.vn - Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland