Một nhà môi giới sử dụng hai điện thoại di động để thông báo diễn biến giá trong Sở Giao dịch chứng khoán New York tại Mỹ hôm 25/1. Ảnh: AP.
Một cuộc thăm dò ý kiến dư luận bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ cho thấy niềm tin vào giới doanh nghiệp và chính phủ trên toàn thế giới đang phục hồi nhanh. Tuy nhiên, xu hướng này không xảy ra tại Mỹ, nơi niềm tin của dư luận đối với chính phủ và giới doanh nghiệp giảm mạnh.
Hoạt động giao dịch tại các thị trường chứng khoán Mỹ trầm lắng do giới đầu tư chờ đợi Thông điệp Liên bang của Tổng thống Barack Obama. Trong thông điệp này, người dân kỳ vọng ông chủ Nhà Trắng sẽ vạch ra kế hoạch thu hẹp thâm hụt ngân sách.
Giá phần lớn cổ phiếu tại Mỹ tăng lên trong buổi sáng, song quay trở về mức ban đầu vào buổi chiều do giới đầu tư thất vọng với các báo cáo lợi nhuận của giới doanh nghiệp và tình trạng sụt giảm của giá nhà. Chỉ số Dow Jones giảm gần 0,1%, còn Standard & Poor's 500 và Nasdaq cùng nhích thêm 0,1%.
Các nhà phân tích dự đoán, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế, giá chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm qua cho thấy châu Âu và Mỹ không thành công trong nỗ lực tăng cường sức mạnh của các định chế gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, như hai ngân hàng Freddie Mac và Fannie Mae của Mỹ. IMF cũng nhận định quỹ cứu trợ của Liên minh châu Âu cần phải tăng.
Nền kinh tế Anh bất ngờ tăng trưởng âm (-0,5%) trong ba tháng cuối năm 2010. Tin này khiến đồng bảng mất giá mạnh, đồng thời dấy lên sự nghi ngờ của dư luận về các chính sách giảm chi tiêu công và tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách.
Người ta dự đoán Ngân hàng trung ương Anh sẽ tăng lãi suất để kìm hãm đà tăng dai dẳng của lạm phát.
Giá các cổ phiếu tại châu Âu lao dốc bởi tin xấu về nền kinh tế Anh. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 0,3%, còn DAX của Đức và CAC-40 của Pháp cùng giảm 0,1%.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất gần gần bằng không nhằm duy trì đà phục hồi của nền kinh tế. Trong khi đó Ngân hàng trung ương Ấn Độ tăng lãi suất lần thứ bảy trong vòng hơn một năm để kiềm chế lạm phát.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,2%. Tại những thị trường khác, chỉ số Kospi của Hàn Quốc và S&P/ASX 200 của Australia lần lượt tăng 0,2% và 0,5%. Ngược lại, Hang Seng của Hong Kong và Shanghai Composite của Trung Quốc mất gần 0,1% và 0,7%.
Giá vàng và giá dầu diễn biến trái chiều. Trong khi giá dầu tăng 0,14% lên mức 86,31 USD mỗi thùng thì giá vàng giảm 0,9% xuống mức 1.332,3 USD mỗi ounce.