Theo họ, chỉ cần một động thái hỗ trợ như nới tín dụng cho vay trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán hoặc giảm lãi suất thì TTCK sẽ tức khắc bật lên mạnh bởi hiện vẫn có một dòng tiền không hề nhỏ đang chờ cơ hội để giải ngân.
"Vấn đề không phải cổ phiếu Việt Nam đang rất rẻ so với chính bản thân nó vài năm qua, và thực tế có không ít doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, trả cổ tức bằng tiền mặt. Điều quan trọng là dòng tiền vào thị trường thường là dòng tiền mang tính đầu cơ khá cao. Thị trường cần một cú huých và có niềm tin để có thể bật tăng trở lại và lấy tính thanh khoản tương xứng như trước đây", ông Phạm Hòa Bình, một nhà đầu tư kỳ cựu ở Hà Nội kỳ vọng.
"Ngay cả đối với các quỹ chứng khoán ngoại, mục tiêu của họ vẫn là đổ tiền vào TTCK Việt Nam để kiếm tiền. Sự thua lỗ và thất vọng của họ trong thời gian dài vừa qua đang khiến một số tính đường rút lui. Tuy nhiên, nếu thị trường ấm trở lại thì điều ngược lại có thể sẽ xảy ra", ông này nói.
TTCK vẫn được coi là một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và nó được sự quan tâm rất lớn của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Mặc dù vậy nhưng trên thực tế gần như cả năm vừa qua, TTCK đã không đóng góp được nhiều giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã buộc phải hủy các đợt phát hành tăng vốn cho dù gặp khó khăn trong bối cảnh các ngân hàng siết chặt cho vay và lãi suất ở mức quá cao.
Không những thế, TTCK gần đây còn gây ra khó khăn rất nhiều cho các ông chủ doanh nghiệp khi mà giá cổ phiếu xuống quá mức so với thực tế kinh doanh. Nó ảnh hưởng tới hình ảnh cũng như hoạt động kinh doanh của công ty và tạo ra áp lực từ cổ đông lên vai những ông doanh nghiệp.
Không ít trường hợp, các doanh nghiệp đã tính tới đường rút lui khỏi TTCK để tránh rơi vào hoàn cảnh bị thâu tóm khi giá cổ phiếu thấp. Thậm chí, đã có những tín hiệu cho thấy đang có một làn sóng hủy niêm yết trên hai sàn chứng khoán.
Trong một phát biểu gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định sự quan tâm của Chính phủ tới TTCK và sẽ có những biện pháp vực dậy và giúp thị trường phát triển.
TTCK ngay lập tức đã có những phản ứng tích cực. Tuy nhiên, để các cơ quan chức năng đưa ra những giải pháp hỗ trợ thị trường thì chắc chắn cần thời gian bởi lạm phát vẫn là vấn đề nhức nhối.
Hiện tại, trong các biện pháp hỗ trợ thị trường thì hạ lãi suất huy động được giới đầu tư đón chờ khá nhiều nhưng lại là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất giữa các chuyên gia.
Với đa số các nhà đầu tư, lãi suất giảm sẽ chắc chắn có tác dụng như một liều thuốc. Nó sẽ giúp lãi suất cho vay dần giảm và giảm áp lực nợ đối với các doanh nghiệp. Trong khi đó, một dòng tiền đầu cơ sẽ chảy vào giúp TTCK sôi động lên.
Trong khi đó nhiều người lo ngại, lãi suất giảm nữa thì hệ thống ngân hàng sẽ rỗng ruột, trong khi bất động sản vẫn chưa hồi phục và nợ xấu của ngân hàng trong bất động sản không thu hồi được.
Nới van tín dụng cho chứng khoán cũng là một biện pháp được nhiều người mong chờ. Tuy nhiên, không ít người lo ngại nếu Nhà nước bơm tiền cứu chứng khoán thì lạm phát tăng, trong khi chi tiêu công vẫn không kiểm soát được, nền kinh tế sẽ rơi vào một vòng xoáy suy thoái mới.
Thậm chí còn được đặt nặng hơn là giải cứu chứng khoán là đem tiền đi cứu "đại gia".
Tuy nhiên, có thể thấy, việc phát triển TTCK là một việc làm đúng đắn. Vấn đề là hỗ trợ và phát triển thị trường theo cách nào?
Trong suốt hai năm qua, TTCK đã liên tục lao dốc với giá hiện nay của đa số cổ phiếu trên cả hai sàn xuống dưới mệnh giá, có những mã thậm chí đã xuống dưới 1.000 đồng và nhiều mã khác đang dần hướng về ngưỡng này. Tính thanh khoản giảm chỉ còn 50% so với năm trước.
Lý do giảm không chỉ nằm ở các chính sách vĩ mô, mà còn là ở niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường, đối với cách thức quản lý thị trường, đối với cách hành xử không minh bạch công bằng của các doanh nghiệp đối với cổ đông nhỏ, đối với sự chậm chạm trong cách chính sách phát triển thị trường của cơ quan quản lý.
Điều này có thể thấy qua việc các sản phẩm chứng khoán được phát triển rất chậm chạm.
Trong suốt 2 năm qua, một kỳ vọng rất lớn của các nhà đầu tư là việc Ủy ban Chứng khoán cho phép thực hiện quy chế giao dịch bán chứng khoán theo T+2 cuối cùng vẫn chưa thành hiện thực.
Dự thảo quy chế cho hoạt động này đã được Ủy ban đưa ra từ tháng 3/2010. Tuy nhiên, cho tới nay đã gần 2 năm nhưng việc "bán chứng khoán T+2, thanh toán theo T+3" vẫn chưa thể được triển khai.
Theo các nhà đầu tư, chỉ cần một biện pháp hỗ trợ đủ mạnh như các biện pháp nêu trên có thể kéo thị trường hồi phục trở lại.