Tất cả những cái khó cuối cùng lại dồn hết lên vai người dân - người sử dụng sản phẩm cuối cùng.
Với các dự án chung cư tư nhân, quy định không cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án và khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận chủ quyền căn hộ được cho là là 2 trong số những điểm khó lớn nhất. Điều đáng nói là tất cả những cái khó này cuối cùng lại dồn hết lên vai người dân - người sử dụng sản phẩm cuối cùng.
Khổ doanh nghiệp…

Giá mỗi căn hộ của người dân đô thị, đang phải gánh thêm cả các "chi phí khó nói"?Ảnh: Đ.K
Ông Bùi Tuấn Anh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: "Hiện nay quận chưa cấp một Giấy chứng nhận sở hữu cho chung cư tư nhân nào. Quận chưa tiến hành cấp, cũng như chưa có hồ sơ nào đề nghị cấp. Việc cấp Giấy chứng nhận cho loại chung cư này rất khó khăn vì chưa có tiêu chí và hướng dẫn cụ thể".
Phải rất khó khăn chúng tôi mới có thể tiếp xúc được với chủ đầu tư các dự án chung cư tư nhân ở Hà Nội để nghe họ "kể khổ". Chỉ vào chiếc điện thoại di động đang nằm trên bàn, ông Nguyễn Mạnh Cường - Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại và Đô thị nói: "Đến một chiếc điện thoại di động người ta còn muốn khẳng định chủ quyền với nó nữa là cả một căn nhà. Xây xong nhà chúng tôi cũng muốn nó có được giấy tờ đàng hoàng để bán cho người dân chứ đâu phải không. Nhưng mà... chúng tôi không có quyền để cấp giấy".
Đúng là quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu không thuộc về chủ đầu tư. Quyền cấp giấy thuộc về chính quyền và đó lại là một rào cản. "Nói thật với anh, nếu có giấy tờ đầy đủ thì chi phí lại đội lên, giá lại đội lên, lúc đó người dân liệu còn đủ sức mua nữa không?", một chủ đầu tư xin giấu tên nói. Tuy nhiên, các chủ đầu tư đều kiên quyết không chịu tiết lộ "khó khăn" cụ thể là gì. Tại sao chi phí lại đội lên, chi phí đội lên là chi phí gì (!?).
Họ chỉ than rằng để xin giấy phép xây dựng được một dự án là một hành trình vô cùng gian nan và vất vả. Có người thậm chí còn đánh đố phóng viên "tìm được căn hộ chung cư tư nhân nào ở Hà Nội đã có giấy chủ quyền". Kể cả những căn hộ người dân đã vào ở được 2-3 năm cũng chưa hề có một loại giấy tờ nào chứng nhận của Nhà nước. Giải pháp đưa ra là doanh nghiệp cấp một giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho người mua. Thực tế không cần giấy chứng nhận của Nhà nước, người dân vẫn yên tâm ở, chủ đầu tư đã bán nhà rồi cũng không ai dám lật lọng quay lại tranh chấp làm gì, nên người mua cũng yên tâm ở không cần giấy.
Theo Quyết định số 04/2011 của UBND TP Hà Nội, lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận, thị xã là 100.000 đồng/giấy; đối với các khu vực khác là 50.000 đồng/giấy. Trong trường hợp với căn hộ chung cư tư nhân, chi phí cấp giấy thậm chí còn thấp hơn vì nó thuộc loại xác nhận bổ sung vào giấy chứng nhận. Mức chi phí này đâu phải lớn, vậy "chi phí lớn" mà doanh nghiệp nói là gì?
… Thiệt người dân
Nghị định 71/2010 ra đời được giới đầu tư chung cư tư nhân đánh giá là "đã giải quyết được phần nào vấn đề" nhưng những điều khoản thực hiện vẫn còn chung chung nên cuối cùng khi đưa vào thực hiện, doanh nghiệp vẫn phải khổ sở vì thủ tục. Việc không cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư tưởng là hay, lại hoá dở. Trong khi không hạn chế được chuyện doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc thị trường này thì lại khiến cho người mua chênh vênh hơn. Thay vì ký hợp đồng với doanh nghiệp có tư cách pháp nhân đầy đủ, họ lại phải ký hợp đồng với một ông A, B, C nào đó được "dựng" lên đứng tên làm chủ đầu tư.
Đây được coi là rào cản lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển chung cư tư nhân. Vì khi "danh bất chính" rồi, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt tiếp với hàng loạt các "khó khăn" khác khi làm việc với chính quyền. Dù doanh nghiệp không dám nói thẳng ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng, những "khó khăn", những "chi phí khó nói" này cuối cùng lại đổ dồn lên đầu người dân - những người mua, người sở hữu cuối cùng của các căn hộ chung cư tư nhân. Tức là trong giá nhà cao vót ở đô thị mà người dân phải chịu có một phần đóng góp của những "chi phí khó" nói.
Rõ ràng các doanh nghiệp có lý do để "kêu khổ". Tuy nhiên, một mặt khác của vấn đề là bản thân các doanh nghiệp cũng có lý do để "không hứng thú" với việc minh bạch hoá giấy tờ sở hữu. Vì trong bối cảnh "tranh tối, tranh sáng" hiện nay, bản thân doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi trong việc “lách” những khoản thuế, chi phí nghĩa vụ thực hiện với Nhà nước. Như vậy cuối cùng chỉ có người dân - người mua nhà và Nhà nước là chịu thiệt thòi hơn cả. Nhưng người dân thì bị tác động gián tiếp nên khó biết, khó kêu, còn Nhà nước thì lại chung chung quá.
Cafeland.vn - Theo Báo Gia Đình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.