Xuất hiện ồ ạt trên thị trường vào khoảng năm 2005, cho đến nay chung cư mini đã tạo nên cơn sốt thật sự, dù bất động sản (BĐS) nói chung còn đang trong tình trạng đóng băng. Bởi lẽ, với giá thành chưa tới 1 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ và 1 phòng khách, thủ tục lại nhanh gọn, chung cư mini là lựa chọn tối ưu đa số cán bộ, nhân viên ở đô thị.
Diện tích nhỏ, giá hợp lý, chung cư mini là lựa chọn của nhiều người - Hình minh họa
Cũng “kết” chung cư mini, anh Hoàng Quân (Nguyễn Trãi, Hà Nội) nhẩm tính, với số tiền chưa tới 600 triệu đồng mà có ngay được chỗ ở ổn định, không quá xa nội thành là một điều mơ ước. Nếu mang số tiền này gửi ngân hàng thì mỗi tháng có lãi nhiều lắm là 5 triệu đồng, song lại phải thuê nhà. Mà nếu thuê căn nhà tốt thì tiền thuê cũng từng đó. Song cứ đi thuê mãi thì khi nào mới có nhà?
“Từng đấy tiền mà mua được căn hộ ngay, dù nhỏ, nhưng chúng tôi cũng có tài sản là căn hộ. Sau này, muốn mua ngôi nhà lớn hơn có thể bán căn hộ ấy đi, vẫn có lời”, anh Quân chia sẻ.
Nhu cầu người mua đối với chung cư mini đang được nhiều nhà đầu tư đáp ứng. Anh Thành, một nhà đầu tư chung cư mini tính toán, lợi thế của mô hình này là thi công nhanh, thu hồi vốn sớm, ít rủi ro giá và tiêu thụ hơn.
Chính vì vậy, anh Thành đã góp vốn cùng hai người bạn xây một khu chung cư mini và thắng lớn. Chỉ mới đây, khu chung cư mini gồm 7 tầng, mỗi tầng 4 căn diện tích 35 m²/căn mà anh Thành đầu tư vừa hoàn thành và bán hết, mang lại lợi nhuận tương đối. Với thắng lợi này, anh và các bạn đang đi tìm đất để tiếp tục tái đầu tư vào căn hộ mini.
Anh Thành chia sẻ, nhu cầu an cư lạc nghiệp của người dân và đặc biệt là của khối cán bộ công chức, người lao động trẻ là rất lớn, trong khi họ lại không thật sự có nhiều tiền. Căn hộ diện tích bé đang khá sốt bởi hợp túi tiền với các đối tượng này.
Chung cư mini càng được săn tìm nhiều hơn từ khi UBND TP. Hà Nội ra Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong đó có quy định về cấp sổ đỏ cho chung cư mini.
Theo đó, sổ đỏ được cấp nếu chung cư mini bảo đảm các tiêu chí: nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ 2 tầng trở lên. Mỗi tầng có từ hai căn hộ và mỗi căn được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở, bếp, nhà vệ sinh với diện tích sàn xây dựng tối thiểu là 30m2 và đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại điều 70 Luật Nhà ở)...
Thế nhưng, thực tế cho thấy số chung cư mini được cấp sổ đỏ mới chỉ có vài ba căn “thí điểm”, còn đại bộ phận thì vẫn phải chờ chủ “bổ sung” hồ sơ với hàng trăm lý do khác nhau như: nhà sai thiết kế, thiếu hệ thống thoát hiểm, trót xây quá số tầng so với giấy phép xây dựng…
Bên cạnh đó, chung cư mini lại không hề rẻ như nhiều người lầm tưởng. Chị Hoàng Tố Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị mua một căn 47 m2 giá 900 triệu đồng, tính ra vào khoảng 19 triệu đồng/m2. Giá như vậy cũng chưa phải rẻ lắm, nhưng cũng phù hợp túi tiền.
Thế nhưng, khi ký hợp đồng, đến nhận nhà và đo đạc thực tế thì diện tích nhà lại “ngót” xuống chỉ còn hơn 40 m2. Thắc mắc với bên bán thì chỉ nhận lời giải thích “gọn lỏn” là phần diện tích còn lại được tính vào các hộp kỹ thuật, tường và vách ngăn… Và như thế, giá mỗi m² lên tới gần 23 triệu đồng. Mức giá này so với các chung cư hạng trung là cao chứ không hề thấp.
Ngoài ra, chủ sở hữu nhiều chung cư mini than phiền khi phải chịu chi phí điện nước với giá khá cao, vì chỉ có một công-tơ tổng chung cho các căn hộ, càng dùng nhiều càng bị nhân với hệ số cao. Rồi rác rưởi trong nhiều khu ngập lên nhưng chẳng có người dọn, bởi là “cha chung không ai khóc”. Rồi nhiều khu chung cư mini không có bảo vệ, không chỗ gửi xe… khiến cuộc sống của nhiều hộ dân không đảm bảo và cũng chẳng biết kêu ai.