12/12/2017 9:38 AM
Nước sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của người dân, nhưng câu chuyện nước sạch thành nước bẩn, sử dụng nước sinh hoạt phải trả giá nước kinh doanh đang diễn ra tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội.
Nước sạch có giun tại Tứ Hiệp Hồng Hà Eco City. Ảnh: Nguyễn Thành
Từ chuyện nước sạch… bẩn
Hàng loạt dự án như khu nhà ở xã hội Tứ Hiệp Hồng Hà Eco City thuộc Khu đô thị Hồng Hà Eco City (do Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí) làm chủ đầu tư, Thanh Hà Cienco 5 (do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư), NƠ 7 Linh Đàm (do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị - HUD làm chủ đầu tư), tòa nhà A1CT2 - Tây Nam Linh Đàm (do Công ty cổ phần Phát triển nhà xã hội - HUDVN làm chủ đầu tư), Chung cư 15T1 Minh Khai (do Công ty cổ phần Xây dựng số 3 - Vinaconex3 làm chủ đầu tư), chung cư cao cấp Mulberry Lane (do Tập đoàn Capitaland Singapore làm chủ đầu tư)… đều có vấn đề về nguồn nước.
Trong đó, có những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như NƠ 7 Linh Đàm, bể chứa nước sinh hoạt bị nứt và ngấm nước từ bể phốt sang. Sự việc chỉ bị phát hiện khi người dân thấy mùi hôi thối nồng nặc và yêu cầu kiểm tra, xử lý bể chứa.
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước xảy ra tại nhiều khu chung cư
Điều đáng lo ngại là hầu hết nước bẩn đều chậm hoặc chưa được xử lý dứt điểm, hàng nghìn hộ dân phải sống chung với sự ô nhiễm trong suốt một thời gian dài.
Tại các diễn đàn của cư dân các khu chung cư, nước sạch luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Anh Trường, cư dân Thanh Hà Cienco 5 cho biết, nước ở khu chung cư này có màu vàng, đục và không biết vài tháng nữa nước có trong không.
Còn tại khu nhà ở xã hội Hồng Hà Từ Hiệp, theo phản ánh của người dân, trong nước có giun, bọ gậy bơi loăng quăng và thường xuyên có màu vàng.
Không chỉ nước bẩn trong sinh hoạt, hệ thống xả thải kém cũng gây ra những lo lắng cho người dân, bởi nhiều khi, nước xả thải ngầm lại trồi lên, phun lên mặt đường gây ra cảnh ô nhiễm cho cư dân, điển hình là tại tòa nhà A1CT2 - Tây Nam Linh Đàm.
Đến chuyện mỗi nơi một giá
Nhiều cư dân ở dự án Center Point Lê Văn Lương do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội làm chủ đầu tư thời gian qua tỏ ra bức xúc khi phải đóng tiền nước cao hơn mức bình thường. Dự án có 2 tòa nhà cao 28 và 31 tầng, trong đó từ tầng 1 đến tầng 7 (cả 2 tòa) được sử dụng với mục đích kinh doanh, các tầng còn lại là căn hộ.
Tuy nhiên, do chỉ có 1 đồng hồ tổng, nên tất cả sản lượng nước được tính theo đơn giá nước kinh doanh là 14.025 đồng/m3 (đã bao gồm thuế, phí môi trường, phí hao hụt).
Trong khi đó, theo Quy định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP. Hà Nội, mức giá nước sinh hoạt thấp hơn gần một nửa. Cụ thể, mức 10 m3 đầu tiên là 5.973 đồng/m3; từ trên 10 - 20 m3 là 7.052 đồng/m3; từ trên 20 - 30 m3 là 8.669 đồng/ m3; trên 30 m3 là 15.929 đồng/m3 (chưa gồm các loại thuế, phí và được áp dụng từ 01/10/2015 ).
Một lý do nữa khiến người dân ở Center Point Lê Văn Lương phải trả tiền nước sinh hoạt theo giá nước kinh doanh là bởi, dù đã có đến 90% số hộ dân đã dọn về ở và thực hiện đăng ký tạm trú với công an phường, nhưng do hết phôi sổ tạm trú, nên các hộ dân ở đây chưa được cấp.
Ngoài ra, việc chủ đầu tư thu 5% chi phí hao hụt cũng dẫn đến sự bất bình của người dân, vì theo cư dân, tại nhiều dự án, các chủ đầu tư không thu phí này và tỷ lệ tổn thất bao nhiêu hoặc có tổn thất hay không, người dân hoàn toàn không thể biết được.
Nước sạch là một trong những vấn đề bức thiết tại nhiều khu chung cư, nhưng điều đáng lo ngại là hiện nay, phần lớn việc cấp nước là độc quyền, nhiều chủ đầu tư lại không sát sao và đứng về phía người dân. Thậm chí, nhiều dự án, chủ đầu tư để cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước, chênh lệch giá nước kéo dài, mà không có động thái hỗ trợ cư dân.
Theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP. Hà Nội về việc ban hành giá nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố, thì đối tượng sử dụng nước là: Các hộ gia đình tại các khu dân cư, các khu chung cư sử dụng nước với mục đích sinh hoạt; Sinh viên và người lao động thuê nhà để ở (có thời hạn thuê từ 12 tháng trở lên, căn cứ vào giấy đăng ký tạm trú và hợp đồng thuê nhà có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền). Vì vậy, để được hưởng quyền mua nước với giá quy định, nhiều hộ dân tại Center Point đang phải chạy đôn, chạy đáo để có được chứng nhận tạm trú hoặc sổ đỏ căn hộ.
Đức Thành (Đầu Tư BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.