Trẻ nhỏ bị... bỏ quên
Chiếc đu quay đặt dưới sân nhà N6, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội) rất cũ kỹ, sơn đã tróc, nhiều chỗ trơ cả sắt ra. Thế nhưng mỗi sáng, vẫn thấy cả đám trẻ con của khu nhà xúm xít chơi tại đây. “Thì nghỉ hè, chúng còn chỗ nào mà chơi đâu, nên đành tập trung ở đây. Cả khu hàng trăm đứa trẻ nhưng có mỗi cái đu quay, nên lúc nào cũng quá tải, tôi thỉnh thoảng bế cháu xuống sân, cũng muốn cho cháu chơi đu quay nhưng đành đứng từ xa nhìn, vì không chen được”, bà Khang, một cư dân N6 chia sẻ.
Khu chung cư BEMES Hà Đông chỉ có một không gian sân nhỏ cho trẻ vui chơi nhưng cũng bị tận dụng tối đa làm nơi buôn bán, đỗ xe.
Còn khu chung cư trên phố Kim Mã Thượng, gồm 2 dãy nhà, mỗi dãy cũng ngót nghét 100 hộ, cũng chỉ có một cái sân chơi chung ở giữa hai khu, trước đây bị “chiếm dụng” thành chỗ để xe của các hộ, giờ đã được tổ dân phố đầu tư kinh phí để lát gạch, xây rào, mục tiêu là biến thành chỗ vui chơi cho trẻ. “Thế nhưng rồi cũng chỉ mới thấy có rào và gạch lát sàn, thêm 4 cái ghế đá, chứ có món đồ chơi nào cho trẻ đâu. Chiều chiều, bọn trẻ cũng chỉ xuống đây chạy nhảy, đá bóng; mà cũng “rón rén” lắm vì sân nhỏ, đá không cẩn thận vào người đi qua, đi lại thì bị mắng. Còn các trò chơi vận động khác thì coi như không có”, chị Hồ Quyên, một cư dân chia sẻ. Cũng theo chị Quyên, mảnh sân nhỏ là thế, nhưng gần đây còn bị quán nước chiếm dụng mất, thành ra các cháu cũng chẳng còn chỗ mà chơi.
Đó cũng là tình trạng chung của hầu hết các khu chung cư tại Hà Nội hiện nay, kể cả những chung cư cũ, cũng như các chung cư mới tinh được mang dáng “hiện đại” như Khu đô thị Xa La, Nam Trung Yên, Mỹ Đình... “Chủ đầu tư vì lợi nhuận nên hầu như không quan tâm tới việc xây khu vui chơi chung cho trẻ nhỏ. Còn vườn hoa, sân chung của khu chung cư thì cũng vì “đất chật, người đông” nên toàn bị người lớn chiếm dụng làm kiốt bán hàng, làm chỗ để đồ... thế là bọn trẻ cuối cùng chỉ còn biết quanh quẩn trong nhà, hoặc hành lang của tầng nhà mình”, chị Xuân Anh, chung cư Nam Trung Yên cho biết.
Cần quan tâm tới nhu cầu sân chơi
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân của việc thiếu sân chơi cho trẻ em tại các khu chung cư một phần là do thiếu quy định chặt chẽ trong quá trình nghiệm thu. “Theo quy định hiện nay, tại các dự án, chúng ta chỉ nghiệm thu căn nhà, không nghiệm thu cả khu đô thị. Do đó, mặc dù có quy định bắt buộc các khu đô thị mới phải có công viên, cây xanh, khuôn viên vui chơi giải trí, nhưng thực tế, tình trạng thiếu điểm vui chơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Trước đây, Hà Nội từng quyết tâm xây dựng mới nhiều điểm vui chơi công cộng dành cho thiếu nhi, nhưng đến nay kết quả vẫn rất khiêm tốn”, TS Liêm cho biết.
Ông Đỗ Trung Hai, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho biết, trong các quy hoạch của Hà Nội đều dành quỹ đất hợp lý của từng xã, phường làm khu vui chơi cho trẻ em. Nhưng hầu hết những điểm vui chơi này đều bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi giải trí cho người lớn hoặc kinh doanh thu lợi. HĐND TP Hà Nội đã có nhiều kiến nghị đối với lãnh đạo thành phố, nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng này.
Rõ ràng, các cơ quan chức năng đã nhìn ra và lên tiếng, tuy nhiên, do mọi việc mới chỉ ở mức độ thực trạng, mà chưa có chế tài đi kèm, nên đã dẫn tới việc chủ đầu tư vẫn “cố tình lờ” đi hạng mục này trong các công trình xây dựng của mình. “Tuy nhiên, điều này hoàn toàn là một quan điểm sai lầm của chủ đầu tư; không chỉ ở chỗ là khiến cho cư dân của chung cư chịu thiệt thòi, ảnh hưởng tới thế hệ tương lai; mà hơn thế, nó còn ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của chủ đầu tư. Đơn cử như tôi và rất nhiều người bạn, khi chọn mua nhà đều quan tâm tới chỗ vui chơi chung, đặc biệt là chỗ vui chơi của trẻ. Chẳng thế mà bạn tôi chấp nhận mua nhà ở một khu chung cư cao cấp, giá cao gấp đôi các chung cư khác, chấp nhận diện tích nhỏ hơn, chỉ vì khu chung cư ấy có chỗ chơi quá lý tưởng cho trẻ”, chị Nguyễn Tâm chia sẻ.
Sở dĩ các bậc cha mẹ ngày càng quan tâm tới việc vui chơi của con vì theo như các chuyên gia tâm lý, việc thiếu chỗ vui chơi sẽ khiến trẻ không phát triển toàn diện, ảnh hưởng nhiều tới thể chất cũng như tâm lý của trẻ.
Trong Công văn số 22/2015/CV - VUPDA mới đây của Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam gửi UBND thành phố Hà Nội, Hội đã đề xuất một số giải pháp để trả lại không gian vui chơi cho trẻ em như việc cần tiến hành đánh giá và điều tra xã hội học về hiện trạng vườn hoa sân chơi hiện hữu trong các khu dân cư trên địa bàn phường, quận, thành phố, để từ đó đề ra các giải pháp, giao trách nhiệm cụ thể cho một đơn vị để tổ chức thực hiện và quản lý tốt công tác này. Đơn vị này cũng đề nghị phục hồi, tôn tạo, nâng cấp các vườn hoa sân chơi hiện hữu trong các khu dân cư, đồng thời tăng cường công tác quản lý, dẹp bỏ những lấn chiếm, sai phạm, sử dụng sai mục đích các không gian công cộng này.