Theo quy định của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nguồn vốn ưu đãi dành cho Việt Nam thời gian tới sẽ ngày càng hạn hẹp, vì Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, trong khi nhu cầu đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn.
Là định chế tài chính có quy mô vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD, có 57 quốc gia tham gia, AIIB được xác định là đầu mối mới trong tài trợ vốn cho các nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng.
Bên lề sự kiện ký kết trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng gián tiếp lý giải về sự tham gia của Việt Nam: quá trình phát triển từ nay đến năm 2020, nhu cầu đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn; trong khi đó, mặc dù rất tích cực nhưng các nguồn vốn trong nước không thể đáp ứng đủ, do vậy cần huy động các nguồn vốn nước ngoài.
Cùng đó, theo quy định của hai nhà tài trợ hàng đầu là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nguồn vốn ưu đãi dành cho Việt Nam thời gian tới sẽ ngày càng hạn hẹp, vì Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình.
Nói một cách hình ảnh, sau một phần tư thế kỷ, Việt Nam đã vượt qua cấp học quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, và đến lúc các định chế trên đưa ra thông điệp: “Chúc mừng Việt Nam, bạn đã tốt nghiệp!”.
Theo cập nhật mới nhất vào trung tuần tháng 4/2015, WB nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã trở thành một câu chuyện điển hình về phát triển thành công.
Cụ thể, công cuộc đổi mới từ năm 1986 đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng 25 năm với thu nhập đầu người trên 2.000 USD năm 2014.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các “mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”, trong đó hoàn thành vượt mức một số mục tiêu, đặc biệt là các mục tiêu giảm nghèo, giáo dục và bình đẳng giới.
Với kết quả đó, sau khi đã “tốt nghiệp”, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn thử thách mới: nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế như WB và ADB hạn chế đi, chi phí vay vốn cũng khác đi với tính chất thương mại cao hơn mà không còn “lợi thế” là nước nghèo như trước nữa.
Đặt trong thử thách đó, có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vừa qua Chính phủ đề xuất nghiên cứu cơ chế cho ngân sách đầu tư phát triển vay từ quỹ dự trữ ngoại hối. Cùng lúc, hướng đi mới để đa dạng kênh tiếp cận vốn vừa đặt viên gạch đầu tiên, tham gia AIIB.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, với việc chủ động tham gia làm cổ đông của AIIB, Việt Nam bổ sung được một nguồn quan trọng để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng; với tư cách là cổ đông sáng lập, Việt Nam có thêm nhiều quyền ưu đãi trong tiếp cận vốn.
Với những lý giải trên, việc Việt Nam tham gia AIIB là chủ động và cần thiết.
Song song với đó, dù bắt đầu hạn chế sau khi Việt Nam đã “tốt nghiệp” cấp học xóa đói giảm nghèo, nhưng nguồn vốn ưu đãi từ WB hay ADB, cũng như từ cộng đồng quốc tế nói chung, sẽ vẫn chú trọng tới Việt Nam.
Bởi lẽ, theo đánh giá của WB, ADB hay UNDP, Việt Nam là điển hình thành công trong xóa đói giảm nghèo, phát triển thành công để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Nói cách khác, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi của họ thời gian qua được ghi nhận trong đánh giá đó.
Mặt khác, vốn ưu đãi quốc tế vẫn chú trọng tới Việt Nam vì đây là quốc gia có ảnh hưởng nhất định đến một số thị trường toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực lương thực và nông sản. Và hàng năm, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến cần hỗ trợ khi phải hứng chịu nhiều hậu quả từ thiên tai, mà nguyên nhân sâu xa là sự biến đổi khí hậu toàn cầu…
Dù hạn hẹp đi, nhưng các nguồn vốn ưu đãi truyền thống từ WB, ADB… vẫn tiếp tục song hành với quá trình phát triển của Việt Nam. Việc chủ động tham gia AIIB là cần thiết trước yêu cầu bổ sung nguồn tiếp cận mới.
Điểm quan tâm còn lại với các nhà quản lý vĩ mô có lẽ là: sau khi đã “tốt nghiệp” để bắt đầu vào cấp độ của một quốc gia có thu nhập trung bình, tính bền vững và tiềm năng phát triển sẽ như thế nào khi quá trình phát triển đó vẫn dựa quá nhiều vào khai thác tài nguyên, vẫn là công xưởng gia công và lắp ráp của thế giới, và môi trường kinh doanh vẫn tụt hạng theo các lần cập nhật gần đây…?
-
4 khó khăn lớn của kinh tế Việt Nam nửa cuối 2015
Trong báo cáo thường kỳ tháng 6/2015, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã nhấn mạnh tới 4 khó khăn nổi bật mà nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trong nửa cuối năm 2015, cho dù ấn tượng trong nửa đầu năm là khá tích cực.
-
Vốn ngân hàng 2015 có khả năng “bơm” mạnh nhất 5 năm
Ngày 23/6, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo về kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2015. Tín dụng có thể tăng mạnh hơn nữa là hướng mở của chính sách điều hành.
-
Dự kiến, cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập. Đón sự kiện này, không chỉ các tập đoàn lớn mà hàng loạt các ngân hàng nước ngoài cũng có kế hoạch tăng cường sự hiện diện, mở rộng quy mô tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội, cũng như thách thức không nhỏ đối với các NH (NH) trong nước.