01/07/2015 4:05 PM
Trong báo cáo thường kỳ tháng 6/2015, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã nhấn mạnh tới 4 khó khăn nổi bật mà nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trong nửa cuối năm 2015, cho dù ấn tượng trong nửa đầu năm là khá tích cực.

Trái phiếu Chính phủ không còn hấp dẫn được xác định là một khó khăn cho Việt Nam trong việc huy động vốn

Khó khăn thứ nhất chính là vấn đề nhập siêu, theo đó tính chung 6 tháng đầu năm 2015, nhập siêu ước tính 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, khu vực FDI xuất siêu 6,07 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 9,83 tỷ USD.

Nhập siêu tăng do cả xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh. Nếu tính riêng 5 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng xuất khẩu (so với cùng kỳ) chưa bằng một nửa cùng kỳ 2014 (7,3% so với 15,4%).

Trong khi đó, tốc độ tăng nhập khẩu (so với cùng kỳ) 5 tháng đầu năm 2015 lại cao gấp rưỡi so với cùng kỳ 2014 (15,8% so với 9,6%).

Khó khăn thứ hai là khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm lại. GDP của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,16%, thấp hơn mức 2,96% của cùng kỳ năm 2014.

Trong khi đó, việc nhập siêu cao cùng với xu hướng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển sẽ đòi hỏi nỗ lực hơn để đạt mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016.

Thứ ba là thu ngân sách nhà nước tăng chậm hơn cùng kỳ 2014. Lũy kế đến ngày 15/6, tổng thu ngân sách nhà nước tăng 7,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 tăng 16,2%).

Nguyên nhân khiến thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng chậm là do thu từ dầu thô lũy kế đến 15/6 chỉ đạt 35% dự toán, giảm 32,5% so với cùng kỳ trong khi do giá dầu thanh toán bình quân vẫn ở mức thấp.

Bên cạnh đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ 2014 và kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có thuế suất cao tăng chậm so với cùng kỳ 2014.

Thứ tư, đáng chú ý là kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ đang gặp khó khăn.

Tính đến 17/6, phát hành trái phiếu kho bạc nhà nước chỉ đạt 71.950 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014; mới hoàn thành 20% kế hoạch quý 2 và chưa đạt được 1/3 kế hoạch cả năm 2015; trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm phát hành trái phiếu kho bạc nhà nước là việc chỉ phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên kể từ năm 2015 làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài hơn trước trong bối cảnh lạm phát năm nay thấp nhất trong 10 năm gần đây.

Bên cạnh đó, khu vực ngân hàng giảm cầu trái phiếu do tăng trưởng tín dụng tốt hơn, kỳ hạn trái phiếu dài không hấp dẫn khu vực này do các tổ chức tín dụng phải cân đối thanh khoản.

Mặt khác, nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao hơn mức lãi suất chào bán của kho bạc nhà nước và nhu cầu thấp về trái phiếu kỳ hạn 10 năm (giá trị đặt thầu thấp hơn giá trị gọi thầu).

"Do đó, để hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015, việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là rất cần thiết", báo cáo của Ủy ban viết.

  • Thủ tướng đồng ý nới room chứng khoán

    Thủ tướng đồng ý nới room chứng khoán

    Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, nghị định sửa đổi về nới room chứng khoán đã được Thủ tướng ký ngày hôm qua 25/6, sẽ tác động lớn tới thị trường chứng khoán.

  • “Soi” tình hình tài chính quý I của các ngân hàng niêm yết

    “Soi” tình hình tài chính quý I của các ngân hàng niêm yết

    CafeLand - Kết quả kinh doanh quý I/2015 của hầu hết ngân hàng đều khả quan với việc lợi nhuận tăng khá mạnh. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng và huy động vốn cũng tăng. Tuy nhiên, nợ xấu của nhiều ngân hàng lại tăng và tổng tài sản lại giảm. Sau đây là toàn cảnh bức tranh về tình hình tài chính của 8 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Anh Minh (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.