Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) có chiều dài gần 10km, là một trong 4 dự án BOT ở cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Những cơ chế, chính sách đặc thù từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã giúp địa phương chủ động tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị quỹ đất giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông cấp bách, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông và miền Tây.
Cấp bách mở rộng, giải tỏa ách tắc giao thông
Để thực hiện đầu tư 4 dự án BOT cửa ngõ thành phố có tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho các địa phương có dự án đi qua và chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông).
Theo đó, 4 dự án gồm: nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) trên địa bàn thành phố Thủ Đức dài 6km, có tổng mức đầu tư 20.900 tỷ đồng; nâng cấp trục đường bắc-nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức-Long Thành) dài 8,6km, tổng mức đầu tư 9.894 tỷ đồng; nâng cấp Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) có chiều dài gần 10km, tổng mức đầu tư hơn 16.285 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) trên địa bàn huyện Hóc Môn và Quận 12 dài 8km, tổng mức đầu tư khoảng 10.451 tỷ đồng.
“Thành phố chọn 4 dự án này để kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công-tư (PPP) vì các dự án đều nằm ở cửa ngõ ra vào thành phố, có mật độ phương tiện lưu thông cao. Các tuyến đường này đều là trục lưu thông chính từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây, miền Đông nên vai trò giao thương, đi lại và vận tải hàng hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, tiến độ đầu tư rất cấp bách”, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông công chánh Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Theo tính toán, tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của 4 dự án này là 31.890 tỷ đồng (chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư) với gần 4.700 trường hợp phải thu hồi đất.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn cho hay: Qua tính toán sơ bộ quy mô giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Hóc Môn là 16,6ha nằm dọc theo Quốc lộ 22 hiện hữu (vị trí bên trái Quốc lộ hướng từ trung tâm thành phố về huyện Củ Chi), với 1.300 trường hợp phải thu hồi đất thực hiện dự án. Với số hộ phải thu hồi đất là rất lớn, tuy nhiên do cơ chế của Nghị quyết 98 cho phép thành phố sử dụng nguồn vốn ngân sách chi cho công tác bồi thường giải tỏa nên đây là điều kiện thuận lợi để địa phương bảo đảm chi trả đền bù thuận lợi, sớm có quỹ đất “sạch” giao cho chủ đầu tư.
Là tuyến quốc lộ chính của Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với tỉnh Bình Dương, dự án nâng cấp Quốc lộ 13 cũng đang trong tình trạng dang dở hơn 10 năm qua do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn, đội vốn đầu tư nên thành phố chậm triển khai nâng cấp mở rộng.
Ông Hà Minh Thái, ngụ ở khu vực Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức cho rằng, việc đầu tư nâng cấp Quốc lộ 13 là việc bức bách vì hằng ngày người dân sinh sống hai bên quốc lộ phải lưu thông chật hẹp giữa các dòng xe tải, xe khách nườm nượp. Nay thành phố có chủ trương đầu tư thì nên triển khai nhanh vì giao thông ách tắc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của thành phố, nhất là lưu thông đi lại.
"Vốn mồi" là động lực thu hút nhà đầu tư
Sở Giao thông công chánh thành phố đánh giá, điểm đặc biệt của các dự án BOT cửa ngõ là chỉ thu phí phần đường chính-làn trên cao (làn đường đi nhanh), còn đường song hành được mở rộng và miễn thu phí. Do đó công trình sẽ tạo điều kiện cho người lưu thông được lựa chọn việc sử dụng công trình tương xứng với nhu cầu và túi tiền của mình.
Trong 4 dự án BOT, 2 dự án được thiết kế đường trên cao là Quốc lộ 13 và trục đường bắc-nam, ngoài ra các dự án đều được đầu tư, mở rộng lên đến 12 làn xe, qua đó đáp ứng nhu cầu về hạ tầng giao thông tốc độ cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia đô thị, 4 dự án giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT trên đường hiện hữu, là cách làm mới dựa theo quy định của Nghị quyết số 98.
Theo nghị quyết này, thành phố được sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho mỗi dự án lên đến 70%, còn lại từ 30% nguồn vốn của nhà đầu tư. Như vậy, sự tham gia chia sẻ nguồn vốn của nhà đầu tư sẽ giúp giảm bớt áp lực ngân sách cho chính quyền thành phố.
Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách “đi trước” thực hiện đền bù sẽ là vốn mồi, là động lực để nhà đầu tư mạnh dạn bơm vốn vào dự án.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nghị quyết số 98 đã tạo cơ chế rất mới, đặc thù tạo điều kiện cho thành phố đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hoặc công trình giao thông huyết mạch, ùn tắc mà nhiều năm qua chưa có vốn đầu tư.
Trong đó, dự án BOT trên đường hiện hữu với cơ chế ngân sách thành phố “rót” vào dự án khoảng 60% rất phù hợp, giúp chính quyền tăng tính chủ động, giảm sự phụ thuộc vào nhà đầu tư cũng như góp phần đẩy nhanh quá trình đầu tư, từ đó tạo cú huých mạnh để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội và kết nối vùng.
Với vai trò nhà đầu tư, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật thành phố-CII chia sẻ: Một trong những nỗi lo của doanh nghiệp khi đầu tư dự án BOT là quỹ đất “sạch” bởi thực tế có không ít dự án thời gian đền bù chiếm 2/3 thời gian thực hiện đã tác động đến hiệu quả đầu tư. Nay với cơ chế chính quyền chịu trách nhiệm thực hiện đền bù giải tỏa bằng nguồn vốn ngân sách chính là “điểm cộng” thu hút tư nhân tham gia, qua đó giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông cấp bách.
-
11 dự án BOT giao thông nào đang được Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế đặc thù?
Bộ Xây dựng đang kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng, cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ các vướng mắc còn tồn đọng tại 11 dự án giao thông theo hình thức BOT được triển khai trước khi Luật PPP chính thức có hiệu lực.
-
TP.HCM dự kiến thu 164.111 tỷ đồng từ quỹ đất dọc kênh rạch sau khi cải tạo
Sau khi di dời gần 40.000 căn nhà ven kênh rạch, TP.HCM dự kiến sẽ thu về khoảng 164.111 tỷ đồng từ việc khai thác quỹ đất dọc hai bên các kênh rạch.
-
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã: CII) vừa công bố thông tin về việc được lãnh đạo TP.HCM giao nghiên cứu và đề xuất ý tưởng phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development – giao thông công cộng) tại khu vực ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TPHCM.








-
TPHCM khởi công và khánh thành nhiều công trình chào mừng đại lễ 30/4
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), TPHCM đồng loạt triển khai và tổ chức khởi công, thông xe kỹ thuật hàng loạt dự án giao thông, hạ tầng đô thị quan trọng....
-
Sau Sáp Nhập, địa phương này sẽ thành siêu đô thị 2,2 triệu tỷ và là Trung tâm kinh tế Việt Nam
Ngày 12/4/2025, Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua kế hoạch giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống 34, tạo động lực tái cấu trúc kinh tế và nâng cao hiệu quả quản lý. Trong đó, sự hợp nhất TP. Hồ Chí Minh, B...
-
Tại sao nhà ở trong khu đô thị được săn đón?
Mô hình khu đô thị (KĐT) tích hợp nhà ở, thương mại, giải trí và giáo dục đang trở thành xu hướng phát triển, theo Báo cáo triển vọng 2025 của Công ty tư vấn bất động sản Avison Young.