-Phóng viên: Thưa ông, cơ sở nào mà ông cho rằng “vấn đề tái định cư (TĐC) là chuyện bức xúc nhất”?
- Ông Phạm Văn Đông:
Dự án Trung tâm Thương mại Bình Điền khiến 47 hộ dân của phường 7, quận 8 phải tạm cư ròng rã suốt 8 năm. Sau khi dư luận lên tiếng thì ngày 25-9, người dân mới được nhận nền TĐC. Hay dự án khu đô thị mới Đông Tăng Long (quận 9), người dân đã phải tạm cư 7 năm nay nhưng hiện vẫn chưa được bố trí TĐC, khi đã có khu TĐC thì hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên dân không thể xây nhà ở.
Ngay cả dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (quận 8), một dự án được xem là ổn về nơi TĐC nhưng khi đưa 349 hộ dân diện giải tỏa về ở tại chung cư Tân Mỹ (quận 7) cũng chưa phải đã yên. Thông tin từ UBND quận 8 cho thấy trong số hơn 300 hộ dân nói là về đây ở nhưng thực chất đã có 103 hộ sang nhượng hoặc cho người khác thuê lại; gần 100 hộ hằng ngày phải tìm đến kênh rạch cũ buôn bán kiếm sống…
Đây chỉ là điển hình của những dự án mà chính quyền cũng như chủ đầu tư chưa giải quyết ổn thỏa công tác TĐC và hậu TĐC khi thu hồi đất. Hậu quả là cuộc sống người dân bị giải tỏa hết sức khó khăn, công ăn việc làm đảo lộn. Những hình ảnh này làm chúng ta phải suy nghĩ.
- Vậy theo ông, lỗi này thuộc về ai?
Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết là ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện. Đa số họ chưa làm đúng quy định, quy trình; thiếu kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm xây dựng hay mua nhà TĐC bố trí cho dân. Mặt khác, các cơ quan chức năng như thanh tra ở địa phương, các phòng chức năng của sở tài nguyên - môi trường trong quá trình thẩm định năng lực chủ đầu tư, giải quyết giao đất, cho thuê đất… cũng thiếu kiểm tra, xử lý.
- Trong khi chờ Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, HĐND TP có đề xuất gì để UBND TP có thể sửa đổi trong thẩm quyền của mình những vấn đề liên quan đến chính sách đền bù, giải tỏa, TĐC?
- Thứ nhất, TP cần xây dựng quy định về phương án tạm cư và quan trọng nhất là thời gian tối đa tạm cư là bao nhiêu. Phương án này được xem là tính pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác đền bù, giải tỏa, tránh tình trạng tạm cư vô thời hạn. Thứ hai, TP cần thực hiện chủ trương xây nhà ở xã hội cho đối tượng bị giải tỏa nhưng không đủ điều kiện TĐC thuê nhằm giải quyết chỗ ở cho người bị giải tỏa.
Phát sinh hàng ngàn hộ tạm bợ Theo ông Phạm Văn Đông, qua 6 năm kể từ khi Nghị quyết 57 của HĐND TP đi vào cuộc sống, con số 4.715 hộ tạm cư tồn tại trước đó đã được giải quyết dứt điểm là nỗ lực lớn của TP. Nhiều chung cư được xây dựng để giải quyết TĐC cho hàng ngàn hộ dân cũng là điều đáng ghi nhận. Người dân một số quận như 5, 7, Bình Tân sau giải tỏa có cuộc sống khá hơn, cho thấy yếu tố “bảo đảm cuộc sống sau di dời ít biến động” được địa phương phát huy tối đa. Song, vẫn còn nhiều tồn tại trước mắt cần được TP nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đó là từ khi có Nghị quyết 57 đến nay, TP lại phát sinh 1.427 hộ tạm cư. Dù có nhiều nguyên nhân nhưng để cả ngàn hộ dân tạm cư thì chính quyền chưa làm tròn trách nhiệm. Ngoài ra, hàng trăm hộ đã được bố trí TĐC nhưng phải quay về chỗ cũ thuê nhà ở, bám trụ buôn bán nên cuộc sống bấp bênh, an cư nhưng chưa thể lạc nghiệp. Thậm chí người dân xem nơi TĐC chỉ là để “tá túc” vì không thể hòa nhập, làm ăn. Những vấn đề này phải được tập trung giải quyết. |