04/02/2013 11:39 AM
Sự vỡ trận của một bộ phận doanh nghiệp bất động sản trong nước đang mang đến cho nhà đầu tư nước ngoài những cơ hội mua lại dự án giá rẻ.

Khu đô thị Park City (Hà Đông, Hà Nội), Khu đô thị Splendora (Hoài Đức, Hà Nội), Khu đô thị AIC (Mê Linh, Hà Nội) là 3 trong số hàng chục dự án bất động sản mà phía chủ đầu tư Việt Nam đã và đang tìm cách bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài, dưới những ngôn từ dễ nghe hơn, như “hợp tác đầu tư” hay “thoái vốn” khỏi dự án. Số tiền mà phía chủ đầu tư Việt Nam thu được cụ thể bao nhiêu từ các vụ bán dự án này không được tiết lộ, nhưng được cho là sẽ rẻ hơn rất nhiều so với khoản tiền mà các nhà đầu tư phải bỏ ra để có thể sở hữu dự án cách đây vài năm.

Còn nhớ, năm 2007, để sở hữu khu đất có diện tích khoảng 4 ha mặt đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để xây dựng tổ hợp Keangnam Landmark Tower, Tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc) phải đăng ký dự án đầu tư 1,05 tỷ USD, nộp khoản tiền sử dụng đất gần 1.000 tỷ đồng và “ủng hộ” UBND TP. Hà Nội số tiền 5 triệu USD cho các hoạt động xã hội - từ thiện, thì nay câu chuyện đã dễ dàng hơn nhiều.

Trường hợp chuyển nhượng Dự án Park City của nhà đầu tư Việt Nam có vẻ diễn ra suôn sẻ, khi Công ty Perdana Park City (Malaysia) chấp thuận mua lại 100% cổ phần của Công ty cổ phần Phát triển quốc tế Việt Nam (VIDC). VIDC vốn là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Perdana Park City (Singapore) và Công ty Đầu tư phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành - chủ đầu tư Dự án Park City trước khi chuyển nhượng.

Vụ chuyển nhượng không được hai phía (Vinaconex Hoàng Thành và Perdana) tiết lộ cụ thể, song ông Yaw Chee Siew, Chủ tịch HĐQT của Perdana Park City (Malaysia) gọi hành động này đơn giản là “tiếp quản” dự án, vì dù là Perdana Park City Singapore hay Perdana Park City Malaysia, thì cũng đều thuộc Tập đoàn Samling - tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất Malaysia hiện nay.

Cũng nhờ việc “tiếp quản” thành công dự án này, ông Yaw Chee Siew đã nhận được giải thưởng “Nhân vật của năm 2012” trong lĩnh vực bất động sản, do Liên đoàn Bất động sản Malaysia (FIABIC) trao tặng, vì có tầm nhìn chiến lược và những thành công tại thị trường bất động sản châu Á.

Dự án Park City có diện tích 77 ha tại quận Hà Đông (Hà Nội) nằm trong kế hoạch kinh doanh của Perdana Park City (Malaysia) từ nay đến năm 2019. Đại diện công ty này cho biết, họ có đủ tiềm lực để triển khai Dự án, chứ không để Dự án chỉ là bản vẽ trên giấy như khi còn liên doanh.

Với trường hợp Dự án Khu đô thị Splendora, Tổng công ty Vinaconex đang tiếp tục tìm kiếm đối tác trong nước hoặc quốc tế để chuyển nhượng phần vốn tại Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC). Vinaconex hiện sở hữu 50% vốn điều lệ tại An Khánh JVC (42,5 triệu USD), với Dự án Khu đô thị Splendora có tổng diện tích hơn 240 ha.

Thông báo chuyển nhượng cổ phần tại An Khánh JVC được Vinaconex phát đi rộng rãi từ cuối năm 2012. Theo thông tin từ Vinaconex, một vài đối tác ngoại đã đánh tiếng mua lại số cổ phần này, nhưng thoả thuận giữa các bên vẫn chưa đi đến hồi kết.

Còn Dự án Khu đô thị AIC (Mê Linh, Hà Nội), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bất động sản AIC có thể tiếc nuối khi phải chuyển nhượng đến 70% cổ phần cho một đối tác nước ngoài (cũng đến từ Malaysia), nhưng có lẽ, đây cũng là giải pháp bất đắc dĩ, bởi Dự án đã khởi công từ năm 2009 mà không có vốn để triển khai.

Khu đô thị AIC có diện tích gần 100 ha, với hàng loạt hạng mục, như chung cư cao tầng, biệt thự, nhà liền kề… Đến nay, chủ đầu tư hầu như chưa làm được gì, dù đã tiến hành huy động vốn của các nhà đầu tư thứ cấp với số tiền không nhỏ. Dự án bỏ hoang trong nhiều năm và mới tái khởi công ngày 27/1/2013 bằng nguồn vốn của một đại gia nước ngoài giấu mặt.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản AIC cho biết, với khoản tài chính thu được từ vụ chuyển nhượng, chủ đầu tư hy vọng sẽ xây dựng hạ tầng dự án theo hình thức “cuốn chiếu” để có thể sớm bàn giao cho khách hàng.

Thị trường địa ốc 2013 được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều sóng gió, khi niềm tin của người mua nhà chưa được cải thiện. Bán tháo dự án là điều mà không nhà đầu tư nào mong muốn, song việc này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới do lực bất tòng tâm. Rõ ràng, việc thiếu kiểm soát đồng vốn trong đầu tư của một bộ phận doanh nghiệp bất động sản Việt Nam thời gian qua đang vô tình mang đến cho nhà đầu tư bất động sản nước ngoài những cơ hội mua lại dự án giá rẻ, mà cách đây vài năm có nằm mơ, họ cũng không có được.
  • Cái khó ló… năng động

    Cái khó ló… năng động

    Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam, 2012 là năm khó khăn nhất từ lúc đổi mới đến nay. Kinh tế nói riêng cũng như bản năng sinh tồn của con người khi dồn vào thế bí, tất nhiên người ta (hay doanh nghiệp) phải tìm cách để tồn tại nếu không muốn… “chết”. Mệnh lệnh “tồn tại hay là chết” đã được nhiều doanh nghiệp đặt ra.

  • Con trai công tử Bạc Liêu được cấp nhà

    Con trai công tử Bạc Liêu được cấp nhà

    Hôm nay (3.2), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tặng nhà cho ông Trần Trinh Đức - con trai của ông Trần Trinh Huy, người được mệnh danh là công tử Bạc Liêu, con trai của ông Hội đồng Trần Trinh Trạch – một địa chủ giàu có bậc nhất Nam Bộ trước ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

  • Góp ý Dự thảo Luật đất đai: Giữ quy định “sổ đỏ” ghi tên cả vợ và chồng

    Góp ý Dự thảo Luật đất đai: Giữ quy định “sổ đỏ” ghi tên cả vợ và chồng

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) giữ nguyên quy định của Luật Đất đai năm 2003, theo đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản của cả vợ và chồng thì phải ghi tên của cả hai vợ chồng…

Hà Quang (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.