04/02/2013 8:30 AM
Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam, 2012 là năm khó khăn nhất từ lúc đổi mới đến nay. Kinh tế nói riêng cũng như bản năng sinh tồn của con người khi dồn vào thế bí, tất nhiên người ta (hay doanh nghiệp) phải tìm cách để tồn tại nếu không muốn… “chết”. Mệnh lệnh “tồn tại hay là chết” đã được nhiều doanh nghiệp đặt ra.

Chính vì thế, thời gian qua không chỉ doanh nghiệp mà rất nhiều người bạn tôi biết cũng tỏ ra rất năng động khi kinh tế lâm vào thế bí để duy trì hoạt động của doanh nghiệp cũng như đảm bảo cuộc sống hàng ngày của chính họ. Và những ngày cuối năm Nhâm Thìn khi gặp nhau với niềm tin sang năm Quý Tỵ sẽ “qua cơn bĩ cực” nhưng mọi người cũng không ít băn khoăn lo toan.

Và như thế, mọi người vẫn trong tư thế “tự cứu” nên vẫn thường hỏi nhau: Có kế hoạch gì mới không? CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, trước tác động của cơn khủng hoảng kinh tế doanh nghiệp cũng không khỏi lao đao.

Để đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, doanh nghiệp từ lĩnh vực chủ yếu là BĐS đã nhảy sang mua bán nông sản, không chỉ thị trường nội địa mà còn mở rộng sang Campuchia. Mới đây, nhiều người ngạc nhiên TDH còn mở thêm… trường dạy nhạc.

TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TDH, cho biết lâu dài vẫn lấy BĐS làm nòng cốt trong kinh doanh. Nhưng để trụ được trong lúc khó khăn phải tận dụng mọi khả năng của doanh nghiệp để tồn tại.

Còn CTCP Khang Nam tận dụng tầng trệt của chung cư Terarosa (Bình Chánh) do mình làm chủ đầu tư để kinh doanh siêu thị và bán cà phê.

Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, lúc kinh tế bình thường doanh nghiệp chỉ chú tâm làm ngành nghề chính, còn những phần việc như trên kêu gọi đối tác bên ngoài vào làm. Nhưng tình hình khó khăn nên phải “ôm xô” để kiếm mỗi thứ một ít nhằm duy trì hoạt động của bộ máy.

Trên đây là 2 trong rất nhiều doanh nghiệp tỏ rõ sự năng động lúc khó khăn. Còn ở mỗi cá nhân cụ thể, họ không còn khư khư “ôm” công việc chính của mình lâu nay mà cũng xoay sở tìm kiếm thêm thu nhập bằng nghề tay trái.

Anh T.N.B. là phóng viên, trước kia kinh tế phát triển thu nhập từ nghề viết lách của anh cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và có dư chút ít. Nhưng từ khi kinh tế đi xuống, thu nhập từ cơ quan giảm hẳn anh quyết định mở cửa hàng bán… bánh mì.

Trong khi đó một phóng viên khác kinh doanh nghề tay trái bằng cách bán hàng trên mạng. Anh Trân, một nhân viên môi giới BĐS, tâm sự nếu như trước kia mỗi tháng kiếm 50-70 triệu đồng, bây giờ mỗi tháng kiếm 5-10 triệu đồng cũng khó, thậm chí có tháng chẳng có đồng nào. Nhưng vì yêu nghề nên cố trụ lại với nghề bằng cách chạy xe ôm để lấy ngắn nuôi dài.

Chia sẻ với chúng tôi, hầu hết những người được tiếp xúc nói trên vẫn tin rằng khó khăn hiện nay chỉ nhất thời.

Hơn nữa, khó khăn đã kéo dài vài năm nay rồi, doanh nghiệp cũng như người dân đã quá mệt mỏi và thực tế hàng ngàn doanh nghiệp đã phá sản, ngưng hoạt động, không lẽ nào năm 2013 lại tiếp tục khó khăn. Do đó, mọi người đều có niềm tin rằng năm 2013 kinh tế sẽ phục hồi và phát triển trở lại.

Đỗ Trà Giang (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.