Bùng nổ sai phạm
Đang có cuộc sống yên bình thì hàng trăm hộ dân tại chung cư The Harmona (quận Tân Bình) như ngồi trên đống lửa khi hay tin ngân hàng yêu cầu di dời ra khỏi nhà để thu hồi dự án vì chủ đầu tư không thực hiện cam kết trả nợ. Cụ thể, do Công ty cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình đã sử dụng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 3, Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM (tức chung cư Harmona) để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ vay của Công ty cổ phần Thanh Niên tại ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn. Hiện khoản nợ vay của Công ty Thanh Niên đã quá hạn nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Điều đáng nói là khi ký hợp đồng với người mua nhà chủ đầu tư không hề thông tin gì về việc dự án đã bị thế chấp.
Những dự án "đắp chiếu" nhiều năm trời là nỗi ám ảnh của biết bao khách hàng.
Trong khi vụ lùm xùm tại chung cư Harmona vẫn còn nóng hổi thì một biến khác tiếp tục nổ ra tại chung cư Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình). Theo đó, hơn 20 hộ dân sinh sống tại chung cư này “té ngửa” khi bị Thanh tra Xây dựng cắt điện nước và yêu cầu di dời ra khỏi nhà vì chủ đầu tư có nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng. Các cư dân được khuyến cáo ra khỏi nhà vì các điều kiện trong chung cư không đảm bảo an toàn cho họ sinh sống. “Tại sao một công trình to lớn như vậy xây sai phép mà không bị phát hiện xử lý ngay mà đợi đến lúc gần xong mới xử lý?”, một cư dân Bảy Hiền Tower bức xúc.
Trước nguy cơ người dân bị “đuổi” ra đường, Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng đã yêu cầu kiểm tra và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có sai phạm tại dự án này.
Tại chung cư Cao Ốc Xanh (quận 9) hàng trăm cư dân cũng đang “đau đầu” vì tiền đã đóng gần đủ nhưng gần 10 năm họ vẫn chưa nhận được nhà. Dự án gồm 3 block nhà thì 2 block ngưng thi công nhiều năm, một block tuy giao nhà nhưng không đảm bảo các điều kiện cho cư dân sinh sống. Được biết, không những dự án đình trệ thi công mà chủ đầu tư cũng đã thế chấp dự án này cho ngân hàng.
Thị trường thiếu minh bạch
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều dự án tai tiếng khác tại TP.HCM trong những năm qua. Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, vấn đề nằm ở sự thiếu minh bạch của thị trường bất động sản hiện nay. Khách hàng mong muốn có một hệ thống để phản ánh một cách chính xác về sự phát triển của thị trường bất động sản cũng như mối liên hệ với thị trường tài chính, tín dụng. Không chỉ ở mức vĩ mô mà phải cụ thể từng dự án cụ thể về tiến độ thi công, tình hình của chủ đầu tư, cũng như các ngân hàng có tài trợ liên quan tới dự án. Phải để khách hàng nắm rõ thông tin nhằm ngăn chặn sớm các sai phạm của chủ đầu tư hay các bên liên quan.
Mặt khác, trong các quy định pháp lý hiện nay cũng tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro. Việc cho phép mua nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng đóng tiền theo tiến độ nếu bản thân chủ đầu tư dự án đó vì nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan mà không thực hiện đúng cam kết thì giống như khách hàng bỏ tiền ra mua con chim nhưng họ không nắm giữ trong tay mà để nó bay trên trời.
“Gần như tất cả vốn trong hoạt động của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay chủ yếu là nguốn tín dụng ngân hàng mà chúng ta lại cho phép vay thế chấp lại bằng chính tài sản hình thành trong tương lai. Đây là một rủi ro rất lớn trong quy định quản lý. Như vậy bản thân trong những quy định đã có những nguy cơ tiềm ẩn và nó rất dễ bùng nổ và gây ra rủi ro mang tính hệ thống khi mà một mắc xích nào đó vi phạm một trong số các nguyên tắc đã cam kết”, ông Ánh nói.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, sự việc ở The Harmona và Bảy Hiền Tower không phải là cá biệt mà là tình trạng khá phổ biến hiện nay tại nhiều dự án. “Trong suốt những năm vừa qua thị trường bất động sản đóng băng mà lãi suất ngân hàng cao, có những năm lên tới 25 – 25%/năm đã làm suy kiệt sức của các doanh nghiệp. Ngoài ra một số doanh nghiệp đầu tư tràn lan, đầu tư nhiều dự án cùng lúc nên khi xảy ra đóng băng họ vừa không bán được hàng, đồng vốn trang trải nhiều, trả lãi cao nên rất nhiều doanh nghiệp đã mất vốn. Do đó, họ tìm mọi cách để giao nhà được cho người dân kể cả có những sai phạm”, ông Đực nói.
Theo ông Đực, trong những trường hợp khủng hoảng như trên thì chủ đầu tư, ngân hàng, cơ quan quản lý nên ngồi lại để tìm cách tháo gỡ, tránh đưa ra những quy định cứng nhắc làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2016 thị trường bất động sản thành phố có dấu hiệu chững lại và xuất hiện các yếu tố bất ổn. Bên cạnh sự lệch pha cung cầu, giới đầu tư thứ cấp tăng mạnh trở lại thì đó là tình trạng các chủ đầu tư có nhiều sai phạm khi đầu tư dự án. “Thị trường bất động sản cũng đã xuất hiện một số trường hợp chủ đầu tư dự án đã không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tranh chấp trong chung cư vẫn còn xảy ra phức tạp”, ông Châu nói.
-
Giao dịch bất động sản tăng vọt, thuế và phí trước bạ đạt 6.540 tỷ đồng
9 tháng qua, thu thuế thu nhập cá nhân và phí trước bạ từ chuyển nhượng bất động sản tăng cao, chủ yếu do nhu cầu giao dịch bất động sản của người dân tăng.
-
Quốc lộ 13 tại TP.HCM sẽ được mở rộng, dự kiến khởi công vào quý I/2026
Quốc lộ 13 tại TP.HCM sẽ được mở rộng, dự kiến khởi công vào quý I/2026 và hoàn thành vào năm 2028. Đây là một trong những dự án trọng điểm nhằm cải thiện hạ tầng giao thông của TP.HCM, đặc biệt là với vai trò huyết mạch nối liền thành phố với tỉnh B...
-
TP.HCM: Không kiểm tra hiện trạng nhà ở khi giải quyết thủ tục đất đai
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình khi cấp giấy chứng nhận đối với hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai tại TP.HCM.