20/07/2025 7:30 AM
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng không đơn thuần là thay đổi công thức phát triển. Đây là tiến trình phức hợp, tác động đến cấu trúc thể chế, phân bổ nguồn lực, năng lực đổi mới sáng tạo và chất lượng nguồn nhân lực - những yếu tố quyết định khả năng bứt phá dài hạn của nền kinh tế. Nếu biết lựa chọn đúng mô hình tăng trưởng và thiết kế chính sách hợp lý, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở và cơ hội để vượt lên.

Chuyển đổi để bứt phá trong giai đoạn bản lề

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển bản lề - giai đoạn 2026-2030, trong hành trình hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động với những cú sốc địa chính trị, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu và sự dịch chuyển sâu sắc của chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình tăng trưởng truyền thống của Việt Nam, dựa vào đầu tư, xuất khẩu và lao động giá rẻ, ngày càng bộc lộ những giới hạn. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết: xác lập mô hình tăng trưởng mới, không chỉ hiệu quả và bền vững về kinh tế, mà còn đủ linh hoạt để thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và yêu cầu phát triển xanh.

Trong bức tranh tổng thể về tăng trưởng của Việt Nam những năm qua, TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cho rằng, mô hình hiện nay mang đặc điểm của mô hình “xuất khẩu dẫn dắt” với mức độ mở thương mại rất cao trong nhóm các nước có dân số trên 10 triệu người. Tăng trưởng dựa chủ yếu vào bên ngoài (từ đầu vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chủ yếu nhập khẩu; đến công nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu). Cùng với đó, động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, chi phí nhân công rẻ và thuê mặt bằng, mới bước đầu chuyển sang tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng vốn và sức chống chịu nội tại vẫn còn hạn chế.

TS. Sang cho rằng, trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam cần “thúc đẩy nhanh và tăng hiệu quả chuyển đầu tư từ lượng sang chất”, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn chiếm tỷ trọng lớn nhưng khả năng tích lũy và đổi mới sáng tạo còn yếu. Đồng thời, cần xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích mới – vừa là “cây gậy” vừa là “củ cà rốt” để bổ sung cho những điểm còn khiếm khuyết, trong khi tiếp tục cải thiện chất lượng thể chế.

Thực tế cho thấy, trên thế giới chỉ có một số rất ít nền kinh tế từng đạt được giai đoạn bùng nổ tăng trưởng với tốc độ trên 10% trong suốt hơn 5 năm, gồm Nhật Bản (giai đoạn 1955-1972), Hàn Quốc (thập niên 60-70), Trung Quốc và Singapore. Đây cũng chính là những hình mẫu điển hình mà Việt Nam có thể tham khảo để xác lập mô hình tăng trưởng phù hợp, tránh sa vào bẫy thu nhập trung bình.

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp cần dựa trên việc tham khảo và học hỏi kinh nghiệm thành công và thất bại từ các nền kinh tế như Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore, trong đó mô hình của Đài Loan được đánh giá là hài hòa và ít khiếm khuyết nhất. Đặc biệt, Việt Nam cần phát triển song hành các trụ cột: tăng trưởng dựa trên đổi mới công nghệ; hoàn thiện chuỗi cung ứng nội địa; nâng cao giá trị gia tăng; và xây dựng thể chế đủ sức hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Dưới góc nhìn quốc tế, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, đã tổng hợp các kinh nghiệm điều chỉnh mô hình tăng trưởng từ các quốc gia Đông Á và đưa ra nhiều gợi ý cho Việt Nam. Với trường hợp Hàn Quốc, ông Hùng chỉ ra rằng mô hình xuất khẩu dẫn dắt với vai trò định hướng mạnh của Chính phủ và sự dẫn dắt của các tập đoàn lớn (chaebol) đã giúp đất nước này “cất cánh” và đạt được mặt bằng công nghệ tương đối nhanh. Tuy nhiên, mô hình này cũng dẫn đến hệ quả là sự độc quyền và hạn chế lan tỏa đổi mới sáng tạo ra toàn bộ nền kinh tế.

Công nghệ chiến lược - Chìa khóa cho tăng trưởng trong kỷ nguyên mới

Từ đó, ông Nguyễn Bá Hùng đề xuất Việt Nam nên xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng đa tầng: tiếp tục củng cố nền tảng cơ bản (hạ tầng, giáo dục, y tế), trong khi thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và mở rộng biên độ phát triển sang các lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng, công nghệ số, công nghiệp hỗ trợ. Cần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, nhận diện và quản lý ảnh hưởng của doanh nghiệp lớn lên chính sách, đồng thời tập trung vào các chương trình hỗ trợ theo kết quả đạt được (performance-based), không phân biệt loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, Việt Nam cần tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực, phát triển doanh nghiệp tư nhân theo mô hình mạng lưới cung ứng – phân phối, và từng bước mở rộng cơ hội cho khởi nghiệp, nghiên cứu cơ bản và dịch vụ công nghệ cao.

PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, nhấn mạnh vai trò của công nghệ chiến lược trong việc giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công trong kỷ nguyên mới. Ông cho rằng công nghệ chiến lược không chỉ là động lực nâng cao năng suất và hiệu quả tăng trưởng, mà còn là nền tảng để Việt Nam vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo PGS.TS. Thắng, một loạt chính sách mới đã được ban hành nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, như Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (có hiệu lực từ 1/10/2025) và Luật Công nghiệp công nghệ số. Các chính sách này thể chế hóa những định hướng lớn như phát triển kinh tế tri thức, công nghệ số, công nghệ xanh và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo và quản lý tài sản trí tuệ.

Ông kiến nghị cần tiếp cận công nghệ chiến lược ở tầm quốc gia, với các trụ cột bao gồm: đào tạo kỹ sư tài năng, nghiên cứu công nghệ lõi, xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, thành lập quỹ đầu tư cho công nghệ chiến lược và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện đại. Đặc biệt, cần thiết lập Hội đồng Công nghệ Chiến lược Quốc gia do Thủ tướng đứng đầu và Văn phòng điều phối với ít nhất 100 chuyên gia toàn thời gian để triển khai hiệu quả các nhóm công nghệ trọng điểm như trí tuệ nhân tạo (AI), nông nghiệp công nghệ cao, y sinh học và năng lượng tái tạo.

Trong lĩnh vực chính sách tài chính, ông đề xuất thành lập Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia 3 tỷ USD, đồng thời cho phép khấu trừ 300% chi phí R&D cho 4 nhóm công nghệ ưu tiên nêu trên, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% trong 15 năm cho các doanh nghiệp công nghệ chiến lược, và miễn thuế nhập khẩu thiết bị nghiên cứu. Song song, Việt Nam cần nuôi dưỡng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với mô hình “Ngũ giác vàng”, sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp, viện/trường, quỹ đầu tư và đối tác quốc tế.

Việt Nam không thiếu cơ hội để lựa chọn một mô hình tăng trưởng phù hợp. Điều quan trọng hiện nay chính là cần đủ bản lĩnh để thực thi những cải cách lớn, có khả năng tạo ra bước ngoặt. Các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho thấy một sự thống nhất rằng: mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam phải đặt nền tảng trên ba trụ cột, thể chế hiện đại, công nghệ chiến lược và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sự chuyển đổi này đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ và đồng bộ – từ nâng cao chất lượng đầu tư công, cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực, đến phát triển khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng không gian đổi mới sáng tạo. Trong đó, công nghệ và thể chế phải song hành, như hai cánh tay để nâng tầm năng suất – yếu tố then chốt giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và tiến tới mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
  • Tín hiệu tăng trưởng từ tâm điểm mới du lịch biển phía Bắc

    Tín hiệu tăng trưởng từ tâm điểm mới du lịch biển phía Bắc

    Flamingo Ibiza Hải Tiến đang chứng minh vị thế bằng tốc độ tăng trưởng thực tế với công suất khai thác chạm 100%, lượng khách tăng gần 200% sau nửa đầu năm 2025. Sự trỗi dậy này không chỉ tái định vị bản đồ du lịch nghỉ dưỡng phía Bắc, mà còn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững trong vận hành.

  • Phía làn sóng trái phiếu ngân hàng: Cuộc đua tăng trưởng tín dụng bắt đầu?

    Phía làn sóng trái phiếu ngân hàng: Cuộc đua tăng trưởng tín dụng bắt đầu?

    Tháng 6/2025 ghi nhận sự bùng nổ của trái phiếu ngân hàng, chiếm tới hơn 80% tổng lượng phát hành trên thị trường. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy các “ông lớn” ngành ngân hàng đang chủ động chuẩn bị nguồn vốn trung – dài hạn, đón đầu chu kỳ tín dụng mới khi lãi suất vẫn đang ở mức thấp và nhu cầu vay vốn tăng lên rõ rệt.

  • Thành lập 8 Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng và giải ngân đầu tư công

    Thành lập 8 Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng và giải ngân đầu tư công

    Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1544/QĐ-TTg ngày 16/7 về việc thành lập 8 Tổ công tác đặc biệt, do chính các Lãnh đạo Chính phủ làm Tổ trưởng.

  • Chính phủ đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay từ 8,3-8,5%

    Chính phủ đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay từ 8,3-8,5%

    Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3-8,5%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.

Đỗ Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.