Có thể thấy rõ, Nghị quyết 11 đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, tạo sự chủ động trong điều hành, đối phó hiệu quả với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và yếu kém nội tại của nền kinh tế, ổn định vĩ mô tạo đà phát triển vững chắc. Trong Nghị quyết đã nêu rất rõ, chính sách tiền tệ thắt chặt một cách thận trọng. PHÓ CHỦ NHIỆM (PCN) ỦY BAN KINH TẾ VŨ VIẾT NGOẠN cho rằng, đây là một yêu cầu hết sức cấp thiết trong điều kiện hiện nay nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chính sách t

- Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, nền kinh tế đã có những dấu hiệu tích cực. Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về điều này?

PCN Vũ Viết Ngoạn: Có thể thấy rõ, Nghị quyết 11 đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, tạo sự chủ động trong điều hành, đối phó hiệu quả với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài và yếu kém nội tại của nền kinh tế, ổn định vĩ mô tạo đà phát triển vững chắc. Cùng với đó là những giải pháp mạnh tay như điều chỉnh từng bước giá xăng, giá điện, nâng tỷ giá đồng USD và VNĐ… đến nay đã được thực tiễn khẳng định là đúng đắn và phù hợp. Trong nghị quyết đã nêu rất rõ, chính sách tiền tệ thắt chặt một cách thận trọng. Đây là một yêu cầu hết sức cấp thiết trong điều kiện hiện nay nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thắt chặt chỉ có hiệu quả một khi có sự phối hợp đồng bộ của chính sách tài khóa cũng phải thắt chặt. Như vậy, để đánh giá toàn bộ khả năng của chính sách tiền tệ vẫn còn quá sớm.

Hiện nay, vẫn còn có một số ý kiến băn khoăn là, thắt chặt chính sách tiền tệ dẫn đến thắt chặt nhu cầu tín dụng, trong khi nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhiều dự án vay vốn đầu tư có nhu cầu. Khi nguồn vốn giảm đi, phải tập trung ưu tiên hướng dòng vốn chảy vào nơi có nhu cầu nguồn vốn cấp thiết cho nền kinh tế, cho sản xuất là một khó khăn. Cùng với đó, là cách thức làm thế nào để giảm được nhu cầu tín dụng. Ngoài công cụ vĩ mô giảm lượng cung tiền, tăng lãi suất cao, nhưng cũng không giảm được tăng trưởng tín dụng, sẽ cần biện pháp gì? Do đó, một số các tổ chức tín dụng tăng trưởng nóng, có tổ chức tín dụng tăng trưởng ở mức độ thấp và để cào bằng theo một tiêu chí là rất khó.

-Vừa qua, Ngân hàng Trung ương đã cho phép các Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự thỏa thuận lãi suất. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, với lãi suất hiện quá cao như vậy khó bảo đảm sản xuất kinh doanh. Quan điểm của Phó chủ nhiệm về vấn đề này như thế nào?

PCN Vũ Viết Ngoạn: Chính phủ đang thực hiện mục tiêu giảm tốc độ tăng trưởng xuống, nghĩa là phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Một trong những công cụ để giảm tăng trưởng là tăng lãi suất để hạn chế bớt nhu cầu về vốn, nhu cầu đầu tư. Vì vậy, lãi suất tăng cao là một nguyên lý đương nhiên. Tuy nhiên, nên đặt ra một phép tính lãi suất bao nhiêu là hợp lý, cũng là cao nhưng ở mức độ nào, nhất là khi tính trên tương quan, lạm phát khả năng năm nay có thể ở mức độ khoảng trên dưới 10%. Nếu lấy lạm phát của năm trước 11,7% làm cơ sở thì lãi suất bao nhiêu để vừa hài hòa với người gửi tiền và phải cao hơn mức lạm phát nếu như lãi suất thực dương, nhưng đồng thời cũng phải hài hòa với người đi vay và lợi ích của ngân hàng. Như vậy, lạm phát ở mức 10%, lãi suất tín dụng lên tới 20%, lãi suất tiền gửi lên tới 15 - 16% phần nào có khía cạnh chưa được hợp lý. Do đó, cần phải có thời gian để Ngân hàng Trung ương phân tích tình hình thị trường thật kỹ lưỡng, tiến hành những giải pháp thích hợp.

- Thực tế cho thấy, nhiều người dân có nhu cầu chính đáng nhưng lại rất khó khăn để mua ngoại tệ, vì hầu hết các ngân hàng đều có hạn mức về số lượng mua. Theo Phó chủ nhiệm, biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?

PCN Vũ Viết Ngoạn: Phải nói đây là một bài toán không dễ chút nào. Chúng ta một mặt quản lý ngoại tệ và vàng một cách chặt chẽ, không để cho thị trường ngoại tệ trôi nổi, tự do hoạt động như lâu nay. Trước đây, một bộ phận người dân có nhu cầu chính đáng như đi du lịch, công tác, đi học nước ngoài, khám chữa bệnh… thường giao dịch ngoại tệ ở thị trường tự do vì dễ tiếp cận hơn ngân hàng. Tuy nhiên, khi thị trường này bị cấm hoạt động người dân rất khó khăn khi có nhu cầu. Trên thực tế, trong điều kiện hiện nay nhiều ngân hàng cũng rất khó khăn trong việc cân đối ngoại tệ. Từ trước tới nay người dân có ngoại tệ chỉ gửi vào ngân hàng chứ không bán. Vì vậy, ngân hàng không thể lấy ngoại tệ của khách gửi để bán cho người có nhu cầu. Đây là một bài toán khó đối với ngân hàng. Ngay cả các doanh nghiệp hiện nay thu được ngoại tệ từ xuất khẩu nhưng cũng không bị bắt buộc phải bán cho ngân hàng. Tôi cho rằng, những quan hệ vay mượn tiền gửi, tiền vay lâu nay dần dần phải giảm bớt, chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Vì vậy, ngân hàng có thể mua được và bán cho khách hàng trong đó có cả người dân.

- Về Báo cáo của Chính phủ vừa trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào?

PCN Vũ Viết Ngoạn: Tôi ghi nhận những kết quả của Báo cáo đã nêu về những kết quả làm được và chưa làm được. Báo cáo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc, đánh giá đúng mức những việc được và chưa được trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo lại chưa phân tích những nguyên nhân. Theo tôi cần phải phân tích nguyên nhân mới hợp lý. Phải phân tích sâu sắc kỹ lưỡng vì lý do gì đạt được những thành tựu và lý do gì chưa đạt được, còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, Chính phủ cần kiên quyết thực hiện các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ bảo đảm hoạt động theo đúng khuôn khổ pháp luật hiện hành, sớm khắc phục tình trạng sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam nhưng phải có lộ trình thích hợp, phù hợp với đặc điểm thị trường trong nước. Trước mắt, cần triển khai ngay các biện pháp cần thiết để tổ chức, cá nhân có nhu cầu hợp lý được mua ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại.

- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!

tag: that chat tin dung, chinh sac tai khoa

Cafeland.vn - Theo Đại biểu nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland