Việt Nam đã và đang đối mặt với lạm phát gia tăng ở mức 2 con số và chưa có dấu hiệu giảm, lượng dự trữ suy giảm và đồng tiền Việt Nam đang yếu đi. Nghị quyết 11 là một gói các giải pháp tiền tệ, tài khóa và cả các biện pháp hành chính nhằm kiềm chế lạm phát và bình ổn thị trường tiền tệ, "cấp cứu” giá trị VND... do đó cần phải tiếp tục duy trì vững chắc Nghị quyết 11 – đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khi đánh giá về nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua.
Chính sách tiền tệ: Chưa thể nới lỏng ngay ?
Quy định trần lãi suất tiết kiệm bằng USD
đã góp phần ổn định tỷ giá ngoại hối của VND. Ảnh: Hoàng Long.

Nghị quyết 11 – một gói chính sách toàn diện

Theo báo cáo của ADB công bố mới đây, Nghị quyết 11 – một gói chính sách toàn diện – đã tạo ra được những kết quả bước đầu trong việc góp phần ổn định tỷ giá ngoại hối, cho phép nâng cao mức dự trữ ngoại tệ và giảm tốc độ tăng lạm phát theo tháng (từ tháng 6 đến tháng 8). Tuy nhiên, báo cáo cũng khuyến cáo, vẫn còn quá sớm để Việt Nam có thể nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô bởi lạm phát tính theo năm vẫn ở mức trên 20%. Việc nới lỏng chính sách quá sớm có thể làm giảm hiệu quả những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, làm mất niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vào đồng Việt Nam, và lại gây ra sức ép sụt giảm dự trữ ngoại tệ.


Theo ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, thời gian qua, việc thắt chặt chính sách tiền tệ theo Nghị quyết 11 đã làm chậm đà tăng trưởng GDP còn ở mức 5,4% và 5,7% trong hai quý đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Song, bất chấp việc tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 vẫn tăng cao lên mức 23,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Tomoyuki Kimura chỉ ra nhiều nguyên nhân gây lạm phát cao, trong đó có nguyên nhân từ việc giá lương thực tăng vọt (chỉ trong tháng 8 đã tăng gần 34% so với đầu năm) và những tác động từ tăng trưởng tín dụng nhanh trong năm 2010, cũng như những tác động chậm của những lần điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ. Ngoài ra, những điều chỉnh tăng giá điện và giá nhiên liệu cũng làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng.


Trong lĩnh vực điều hành thị trường tiền tệ, Giám đốc quốc gia ADB nhận định rằng, việc ổn định tỷ giá ngoại hối của tiền Đồng đã được thực hiện nhờ một loạt các biện pháp thắt chặt tiền tệ, đầu tiên là một đợt điều chỉnh tỷ giá lớn vào tháng 2-2011, sau đó là quy định trần lãi suất tiết kiệm bằng đô-la Mỹ, và các biện pháp hành chính khác nhằm hạn chế việc sử dụng vàng và ngoại tệ. Nhờ đó, đồng Việt Nam đã được giao dịch trong phạm vi biên độ giao dịch ngoại hối chính thức cho đến giữa tháng 8, khi xuất hiện một số áp lực giảm giá.


Cần tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng


Đánh giá về những biện pháp thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian vừa qua, ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế về Việt Nam của ADB cho rằng, về ngắn hạn, việc áp trần lãi suất 14% có thể hiệu quả nhưng về lâu dài thì những biện pháp hành chính như vậy sẽ làm giảm lòng tin của người gửi tiền đồng. Theo ông Mellor, chỉ có cách để thu hút họ gửi tiền vào ngân hàng là lãi suất tiền gửi phải cao hơn lạm phát, lúc đó người gửi mới có lãi suất thực dương. "Ngoài ra, để hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả, mỗi ngân hàng cần thực hiện tái cơ cấu, cải tổ lại để nâng cao năng lực quản lý”. Với chất lượng của các khoản tín dụng ngân hàng sụt giảm hiện vẫn đang là một rủi ro. Việc thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô, sau một giai đoạn tăng trưởng tín dụng nhanh, sẽ tạo ra những áp lực đối với người vay và các ngân hàng. Chính phủ cần phải có những hành động cụ thể nhằm bảo đảm an toàn cho ngành tài chính.


Nhận định về môi trường kinh tế của năm 2012, Giám đốc quốc gia ADB dự báo, một môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định hơn trong năm 2012 sẽ kích thích đầu tư nước ngoài và khuyến khích người dân gửi vào hệ thống ngân hàng một lượng lớn ngoại tệ và vàng. Theo ông Kimura: "Khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên trước mắt. Tuy nhiên giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát cao đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn trong việc cải cách cơ cấu. Những cải cách này bao gồm việc giảm dần những nút thắt cổ chai trong sản xuất và lưu thông, bảo đảm an toàn cho ngành tài chính, tăng cường hiệu quả đầu tư công, và áp đặt những nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp lớn của Nhà nước”.

Theo Duy Chung (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.