Những diễn biến trên thị trường tiền tệ vừa qua như lãi suất cao, nguy cơ lạm phát cao trong những tháng tới, đảm bảo thanh khoản của các NHTM, cho phép nguồn vốn tiền gửi Kho bạc nhà nước để NHTM cho vay… cho thấy cần có sự phối hợp giữa chính sách tài khóa/tài chính (CSTK) với chính sách tiền tệ (CSTT).

Tính đến ngày 27/9/2010, tăng trưởng tín dụng đạt 19,27%, đến cuối tháng 9/2010 tăng khoảng 19,5%

Trong thực tế, CSTT do NHNN điều hành có thể bị các chính sách khác làm hạn chế hay triệt tiêu tác dụng mà ta có thể gọi đó là các “nhiễu”. Nếu các nhiễu từ phía chính sách tài chính (tài khoá) thì sẽ làm giảm khả năng kiềm chế hay kiểm soát lạm phát của NHNN.

Tiền gửi KBNN có "nhiễu” CSTT

Thời gian qua, nổi lên vấn đề về việc Kho bạc nhà nước (KBNN) duy trì tiền gửi tại các NHTM gây nhiều tranh luận. Các NHTM có lập luận khá đơn giản cho rằng nếu hạn chế không cho vay ra từ nguồn này (như Thông tư 13) thì sẽ gây lãng phí vốn của nhà nước. Trên thực tế, với số tiền gửi KBNN khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng, các NHTM (chủ yếu là ngân hàng lớn), hầu như không cho vay nền kinh tế mà lại cho các NHTM nhỏ khác vay tiếp (vì lãi suất rất thấp). Các NHTM này lại tiếp tục cho vay các NHTM khác (nếu có điều kiện, và trước đây không bị hạn chế). Khi cần KBNN lại rút tiền ra, và như vậy, NHTM lớn lại rút từ NHTM khác theo hướng ngược với quá trình cho vay ra... Trường hợp, khi các NHTM bị KBNN rút quá nhanh (như vào dịp Tết, do nhu cầu chi tiêu của Nhà nước) thì có NHTM, trực tiếp hay gián tiếp lâm vào tình trạng thiếu thanh khoản và NHNN lại phải tái cấp vốn khẩn cấp (cách này hay cách khác).

Như vậy, với cơ chế tiền gửi hiện nay, KBNN đã có vai trò tác động rất lớn đến CSTT do NHNN điều hành. Khi KBNN bơm tiền vào hay rút tiền ra khỏi hệ thống NHTM, theo cơ chế và cách thức như trên thì rõ ràng, KBNN đã và đang có chức năng cung ứng vốn khả dụng (cung tiền) cho nền kinh tế. Điều này có thể làm mất tính chủ động, hoặc tính toán và dự báo không chính xác diễn biến của tổng cung tiền cho nền kinh tế. Riêng việc rút tiền đột ngột và không báo cho NHNN của KBNN chắc chắn tác động đến tính chủ động cung tiền của NHNN và làm tăng tính bất ổn tại các NHTM.

Gần đây, trao đổi với báo giới, quan điểm của Thống đốc NHNN, tiền gửi KBNN là nguồn vốn rất lớn và thường xuyên biến động do chúng là loại tiền gửi không kỳ hạn. Hiện tiền gửi KBNN tại ngân hàng thương mại khoảng 57.000 tỷ đồng (AgriBank 33.000 tỷ đồng; BIDV 9.400 tỷ đồng, VietcomBank 8.300 tỷ đồng, VietinBank 1.400 tỷ đồng). Con số này có khuynh hướng tăng trong những năm tới. Với tình hình hiện nay, chưa thể đưa tiền gửi ra khỏi nguồn cho vay của các NHTM. Tuy nhiên, người lãnh đạo NHNN đã đưa ra thông điệp rằng cần phải đặt lộ trình đưa nguồn tiền này ra khỏi nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng. Trong bối cảnh đó, rõ ràng cần sự phối hợp chặt chẽ hơn CSTT và tài khoá và cả các NHTM.

Giảm lãi suất - cần tài khoá chung lòng

Theo NHNN công bố, tính đến ngày 27/9/2010, tăng trưởng tín dụng đạt 19,27%, đến cuối tháng 9/2010 tăng khoảng 19,5% và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 25% cho cả năm có thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu ta nhìn lại những tháng trước, mặt bằng lãi suất khá cao, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế đạt khá thấp. Đến nay, mặt bằng lãi suất vẫn được coi là cao. Trách nhiệm giảm lãi suất rõ ràng thuộc về “điều hành” của NHNN và thực tế NHNN đã có nhiều nỗ lực bơm tiền qua thị trường mở với lãi suất thấp để gây tác động dây chuyền lên thị trường.

Thực tế về hệ thống lãi suất thị trường và chu chuyển vốn thời gian qua cho thấy có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược””: Thông qua thị trường mở, NHNN đã bơm khá nhiều vốn cho các NHTM (có thế chấp trái phiếu chính phủ), với lãi suất khoảng 8%/năm. Điểm đáng chú ý ở đây là lãi suất tái cấp vốn này thấp hơn lãi suất trái phiếu chính phủ - có thời kỳ trên 12%/năm. Quan sát cũng nhận thấy, đa số các NHTM lớn mới là ngân hàng nắm giữ trái phiếu chính phủ đã thực hiện thế chấp trái phiếu chính phủ để vay NHNN qua thị trường mởi (với lãi suất thấp) sau đó lại đầu tư vào trái phiếu chính phủ (lãi suất cao hơn), sau đó lại thế chấp để vay NHNN lãi suất thấp hơn và lại đầu tư trái phiếu chính phủ...

Để giảm được lãi suất cần phải có giải pháp đồng bộ về phối hợp, ít nhất là chính sách tiền tệ và tài khoá

Chưa có đánh giá về mức độ là bao nhiêu, có bao nhiêu vòng quay, nhưng qua so sánh giữa số NHNN bơm vào thị trường và dư nợ cho vay nền kinh tế trong thời gian qua tăng trưởng thấp cho thấy, rất có thể cơ chế luân chuyển vòng vèo- tiền không vào khu vực sản xuất, như vậy đã cản trở nỗ lực của NHNN nhằm đạt được giảm lãi suất thị trường xuống mức thấp hơn.
Chu chuyển vốn theo mô tả như trên có thể chưa là phổ biến, nhưng rõ ràng đó là điểm bất cập trong hệ thống lãi suất trong thời gian qua và hiện nay. Do đó, để giảm được lãi suất cần phải có giải pháp đồng bộ về phối hợp, ít nhất là chính sách tiền tệ và tài khoá. Mà cụ thể ở đây là, Chính phủ phải có giải pháp giảm lãi suất trái phiếu chính phủ xuống mức hợp lý và bền vững. Chưa kể những chiến lược phát triển dài hạn khác như: phát triển đồng bộ có chiều sâu thị trường trái phiếu chính phủ để CSTT vận hành hiệu quả – vì hiện tại quy mô thị thị trường trái phiếu chính phủ chỉ khoảng 15% GDP trong khi các nước khác trong khu vực lên tới gần 100% GDP.
Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland