31/03/2021 9:25 AM
Những chiêu trò trong giao dịch đất nền tuy không mới nhưng vẫn được một bộ phận môi giới áp dụng hòng đưa khách hàng vào tròng.

“Miếng mồi” chiết khấu

Đất nền là phân khúc luôn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản, đây không chỉ là kênh trú ẩn an toàn cho những người có tiền nhàn rỗi mà còn có khả năng sinh lời cao.

Quan niệm giá trị đất đai luôn tăng theo thời gian là yếu tố khiến không ít nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền mua đất nền. Trong giao dịch đất nền, có những chiêu trò tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người “tiền mất tật mang”.

Được nghe nhiều chiêu trò khi mua bán đất nền nhưng mới đây bà N.T.N (ngụ TP.Vũng Tàu) mới được trải nghiệm. Cuối tháng 3/2021, bà N. tham gia lễ mở bán dự án đất nền Thành Đô Smart City toạ lạc tại xã Nghĩa Hành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, của Công ty CP Địa ốc Thành Đô (Công ty Thành Đô).

Dự án Thành Đô Smart City mà Công ty Thành Đô đang rao bán thực chất là dự án Khu dân cư Lan Anh 7.

Tại đây, bà N. được chào mời lô đất 133m2 với giá gần 1,7 tỷ đồng. Sau khi quảng cáo các tiện ích cao cấp tại dự án, nhân viên bán hàng của Công ty Thành Đô đưa ra chính sách chiết khấu rất hấp dẫn.

Cụ thể, nếu bà N. thanh toán 50% giá trị lô đất sẽ được chiết khấu 7 chỉ vàng, còn đóng 95% giá trị lô đất sẽ được 15 chỉ vàng. Số vàng này sẽ được quy ra tiền và trừ trực tiếp vào giá bán.

“Một nhóm 3 – 4 nhân viên phụ trách một khách hàng. Họ tạo không khí mua bán rất sôi nổi như kiểu mình không mua sẽ có khách khác tranh suất. Vì không tỉnh táo nên tôi đã ký hợp đồng đặt cọc và đóng 50 triệu đồng. Đáng nói là chính sách chiết khấu sau đó lại không đúng như tư vấn ban đầu”, bà N. nói.

Sau khi bà N. xuống tiền, nhân viên tư vấn của Công ty Thành Đô nói rằng do nhầm lẫn. Với 50 triệu đồng đặt cọc chỉ được chiết khấu 1 chỉ vàng. Nếu đóng đủ 300 triệu đồng ngay trong ngày thì mới được 5 chỉ vàng. Nếu thanh toán 95% giá trị lô đất và ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau 7 ngày mở bán sẽ được chiết khấu 8 chỉ vàng.

Theo bà N, nhân viên tư vấn đã đưa thông tin chiết khấu không đúng sự thật, đánh vào tâm lý ham lợi nhuận của người mua. Hợp đồng đặt cọc có điều khoản nếu không đóng thêm tiền sẽ mất tiền cọc. Ngoài ra, hợp đồng còn đề cập khách hàng đã xem xét đầy đủ hồ sơ pháp lý của dự án, tuy nhiên thực tế nhân viên không cho bà N. xem giấy tờ gì.

Qua tìm hiểu, bà N. mới biết lô đất bà mua nằm trong dự án Khu dân cư Lan An 7 do Công ty TNHH MTV Lan Anh làm chủ đầu tư. Công ty Thành Đô tự bịa ra tên dự án Thành Đô Smart City để chào bán. Đến đây, bà N. chấp nhận mất tiền cọc và xem đây là bài học cho bản thân.

Chào bán đất ở TP.HCM nhưng “lùa” khách đi Đồng Nai

Ngậm ngùi mất 50 triệu đồng, mới đây, bà T.T.T.V (ngụ TP.HCM) chia sẻ về quá trình trở thành nạn nhân trong vụ giao dịch đất nền của Công ty CP Đầu tư kinh doanh BĐS Dreamland (Công ty Dreamland), trụ sở tại Q.Tân Bình, TP.HCM.

Theo bà V, đầu năm 2021 bà được nhân viên bán hàng của Công ty Dreamland chào mời lô đất 70m2 tại Q.Phú Nhuận với giá 1,7 tỷ đồng. Vì đang có nhu cầu về nhà ở và nghĩ rằng ở trung tâm TP.HCM tìm đâu ra lô đất có giá rẻ như trên nên bà V. cũng muốn đi xem đất.

Sau khi chốt lịch hẹn, ngày hôm sau bà V. được nhân viên bán hàng hướng dẫn đến một địa điểm tại Q.2 để tập trung đi xem đất cùng với nhiều khách hàng khác.

Hỏi nhân viên tư vấn trực tiếp về lô đất cho mình ở Q.Phú Nhuận, bà V. được trả lời do chủ nhà bận việc đột xuất chưa về kịp. Trong thời gian chờ đợi, nhân viên Công ty Dreamland này đề nghị bà V. lên xe du lịch 45 chỗ chờ sẵn đi xem khu đất ở Đồng Nai cũng do công ty phân phối.

Được chào mời lô đất ở TP.HCM nhưng khách hàng bị dẫn đi Đồng Nai để xem đất.

“Lúc trên xe, các nhân viên bán hàng tổ chức trò chơi hỏi đáp có thưởng cho khách hàng, tạo không khí rất sôi nổi. Khi đến một khu đất trống, lác đác có mấy căn nhà tại xã Tây Hoà, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, các nhân viên giới thiệu đây là dự án Golden Dream City mà họ đang bán”, bà V. kể lại.

Ngay khi xuống xe, bà V. và nhiều khách hàng khác được từng nhóm nhân viên tư vấn tận tình. Bên cạnh việc quảng bá về tiềm năng phát triển khu vực, tiện ích nội và ngoại khu, các nhân viên tư vấn còn tung chiêu giảm giá, khuyến mãi… chưa từng có dành cho khách hàng xuống tiền ngay trong ngày hôm nay.

Theo bà V, khi nhóm nhân viên đang tư vấn cho mình thì xuất hiện một vị khách từ đâu đến hỏi mua chính lô đất bà đang tham khảo với giá cao hơn. Chính chiêu trò tạo “sốt ảo” này đã làm bà mất lý trí và sau đó đã ký vào “phiếu thoả thuận đặt cọc” với số tiền đóng trước 200 triệu đồng để mua lô đất 100m2.

Sau khi tìm hiểu từ chính quyền địa phương, bà V. được biết khu đất với tên gọi dự án Golden Dream City được nhân viên Công ty Dreamland chào bán ở xã Tây Hoà, huyện Trảng Bom thực tế là dự án đang triển khai dang dở của doanh nghiệp khác. Biết bị lừa, bà V. đến Công ty Dreamland đòi lại tiền đặt cọc thì chỉ được trả lại 150 triệu đồng.

Trước thực trạng nhiều người sập bẫy khi giao dịch đất nền dự án, Luật sư Trần Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) khuyến cáo, người mua cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về chủ đầu tư và hồ sơ pháp lý dự án trước khi quyết định xuống tiền.

Bên cạnh giấy tờ pháp lý dự án, người mua cần kiểm tra tư cách của đơn vị môi giới. Bởi không ít sàn môi giới dù không được chủ đầu tư uỷ quyền phân phối dự án nhưng vẫn tìm kiếm khách hàng để “đứng cửa giữa”. Giao dịch với những đơn vị này rủi ro rất cao.

“Từ nhiều vụ tranh chấp cho thấy, hầu hết các sàn môi giới làm ăn kiểu chụp giật thường đưa ra những điều khoản bất lợi cho khách hàng trong hợp đồng đặt cọc như khách đã được tìm hiểu thông tin pháp lý dự án hoặc mất tiền cọc nếu không thanh toán các đợt tiếp theo. Để tránh tranh chấp, người mua cần đọc kỹ điều khoản ràng buộc trước khi đặt bút”, luật sư Ngọc Trâm tư vấn.

Dưới góc độ đầu tư, Chuyên gia kinh tế - TS.Trần Nguyên Đán cho rằng, bản chất của việc đầu tư là hi sinh tiêu dùng hiện tại để tìm kiếm lợi nhuận trong tương lai. Nhà đầu tư bất động sản hiện nay thường tập trung lợi nhuận từ việc mua đi bán lại hơn là trông đợi vào nguồn thu nhập thường xuyên mà bất động sản đó mang lại.

“Khát khao mong làm giàu nhanh của một bộ phận người dân quá lớn. Đánh vào tâm lý muốn lợi nhuận nhanh chóng này, giới đầu cơ lợi dụng những thông tin quy hoạch để tạo sốt đất. Điều này dẫn đến, thời gian qua, có rất nhiều người bị lừa bởi dự án ảo, dự án ma”, TS.Trần Nguyên Đán chia sẻ.

Theo TS.Trần Nguyên Đán, giới đầu tư chỉ nên xuống tiền vào “đất sống”, tức đất đó tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định, dựa trên những yếu tố như khu vực đó sẽ hấp thu lượng dân cư đến, đón đầu dòng vốn đầu tư hoặc có sự dịch chuyển về mật độ dân cư.

Phương Anh Linh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.