Cách tốt nhất bạn có thể tránh mắc sai lầm trong đầu tư nhà đất là học hỏi từ những nhà đầu tư khác để đảm bảo các lỗi đó không xảy ra với bạn.

Các nhà đầu tư bất động sản mới cần có thời gian và kinh nghiệm để trở thành một chuyên gia. Và việc mắc sai lầm trong đầu tư bất động sản là điều rất phổ biến. Như nhiều người vẫn nói: “Nếu bạn chưa bao giờ thất bại, bạn chưa bao giờ thử”. Tuy nhiên, thay vì học hỏi từ sai lầm của chính mình, bạn nên học hỏi từ sai lầm của những nhà đầu tư khác.

Dưới đây là 5 lỗi phổ biến nhất trong đầu tư nhà đất và các biện pháp giúp nhà đầu tư tránh mắc phải các sai lầm này.

1. Không có chiến lược “thoát hiểm”

Nhiều nhà đầu tư sẽ chỉ nghĩ đến chiến lược thoát hiểm khi tìm cách kết thúc một khoản đầu tư bất động sản. Nhưng sự thực là chiến lược thoát hiểm phải là điều đầu tiên bạn nghĩ đến trước khi đầu tư bất động sản.

Chiến lược thoát hiểm trong đầu tư bất động sản sẽ xác định mức độ thành công của khoản đầu tư của bạn, cũng như cung cấp cho bạn nhiều lựa chọn để xử lý tốt nhất các tình huống khác nhau mà bạn có thể gặp phải. Không xem xét về chiến lược thoát hiểm là lỗi phổ biến nhất mà các nhà đầu tư bất động sản mắc phải.

Các chiến lược thoát hiểm trong đầu tư bất động sản sẽ cho phép bạn linh hoạt và thay đổi hướng đi nếu bạn thiếu vốn. Các chiến lược này cũng sẽ giảm thiểu tổn thất cho bạn trong trường hợp không may xảy ra sự cố, bằng cách cứu càng nhiều khoản đầu tư ban đầu của bạn càng tốt.

Cần lưu ý rằng khi nói đến việc lựa chọn chiến lược thoát hiểm trong đầu tư, không có phương pháp nào phù hợp với tất cả mọi người. Một số chiến lược thoát hiểm trong đầu tư nhà đất như: Bán toàn bộ hoặc một phần bất động sản, sử dụng đòn bẩy tài chính để có thêm vốn hoặc thời gian, thay đổi chiến lược đầu tư ban đầu,...

2. Nghiên cứu hoặc lập kế hoạch không đầy đủ

Không có gì tồi tệ hơn việc mù quáng tham gia vào một thương vụ đầu tư bất động sản mà không thực hiện nghiên cứu hoặc lập kế hoạch.

Nếu bạn bỏ qua bước này và hành động bốc đồng, bạn sẽ có thể rơi vào tình trạng sở hữu một bất động sản mà không biết phải làm gì với nó. Mặc dù các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm có thể thích thú với thử thách này, nhưng đây không phải là điều mà một nhà đầu tư “tay mơ” mong chờ. Do đó, bạn nên thực hiện một số nghiên cứu và thẩm định trước khi mua.

Chẳng hạn, bạn sẽ cần xem xét thông tin chi tiết về thị trường địa phương, tìm hiểu xem có bất kỳ dự án xây dựng theo kế hoạch nào có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của khoản đầu tư của bạn trong dài hạn hay không. Đồng thời đừng quên tìm hiểu xem những lợi thế nào có thể thu hút người thuê nhà/người mua trong tương lai, chẳng hạn như trường học tốt, tiện nghi và không gian xanh trong thành phố. Điều gì là vấn đề chính trong khu vực và đánh giá xem những vấn đề này có thể có tác động bất lợi đến các giá trị bất động sản trong tương lai hay không.

Nếu bạn đã thực hiện các nghiên cứu và không tìm ra các lỗi nghiêm trọng, vậy thì đã đến lúc đầu tư bất động sản mục tiêu của bạn.

3. Không tìm kiếm sự giúp đỡ

Tiếp theo, một trong những sai lầm lớn nhất trong đầu tư bất động sản là nhà đầu tư mới tự mình tham gia giao dịch đầu tiên mà không nhờ tư vấn của các chuyên gia hoặc tham khảo ý kiến của các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm khác.

Các nhà đầu tư mới có thể có xu hướng tin vào bản năng của chính họ. Tuy nhiên, bạn cần có kinh nghiệm để trau dồi những bản năng có thể đem lại lợi nhuận thiết thực đó!

Do đó, nếu bạn là một nhà đầu tư bất động sản “mới toanh”, điều quan trọng là phải xây dựng mạng lưới quan hệ và tìm kiếm lời khuyên của những người khác. Dưới đây là một số điều thiết thực bạn có thể làm:

- Tham gia một nhóm/câu lạc bộ bất động sản địa phương

- Nhận lời khuyên từ một chuyên gia bất động sản hoặc nhà môi giới

- Tìm một luật sư giỏi

- Hợp tác với một nhà thầu có kinh nghiệm

- Tìm kiếm bên cho vay đáng tin cậy

4. Không tìm hiểu các khoản vay hoặc lựa chọn khoản vay không phù hợp

Một trong những lỗi đầu tư nhà đất phổ biến không kém khác mà các nhà đầu tư mới rất dễ mắc phải đó là không tính toán đến các khoản vay hoặc lựa chọn khoản vay không phù hợp. Điều này có thể dẫn đến khả năng bạn bị vỡ nợ và phá sản trong điều kiện thị trường khắc nghiệt hoặc khi có sự cố phát sinh.

Khi thực hiện đầu tư bất động sản, bạn sẽ cần phải suy nghĩ rất cẩn thận về loại khoản vay phù hợp và làm thế nào để bạn có đủ điều kiện nhận khoản vay đó. Có nhiều loại khoản vay khác nhau mà bạn có thể tìm hiểu khi đầu tư bất động sản.

Một sự lựa chọn phổ biến và truyền thống là một khoản vay thông thường, chẳng hạn như vay thế chấp mà bạn sẽ hoàn trả trong tối đa 30 năm. Điều này đòi hỏi bạn phải liên lạc với các ngân hàng hoặc những người cho vay thế chấp đáng tin cậy.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đối với các khoản vay truyền thống, bạn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính rườm rà hơn và thường không phù hợp với thế giới đầu tư bất động sản đang phát triển nhanh chóng.

5. Đánh giá thấp chi phí và không bám sát ngân sách

Nếu bạn đang tiến hành sửa chữa bất động sản trước khi bán lại, bạn cần theo dõi chặt chẽ ngân sách cải tạo của mình và đừng quên tính toàn dư vốn để dành cho các chi phí bất ngờ. Bởi vì một trong những lỗi đầu tư bất động sản phổ biến nhất là đánh giá thấp chi phí sửa chữa. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận tổng thể khi bạn bán bất động sản.

Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tránh rủi ro này bằng cách tìm kiếm một nhà thầu đáng tin cậy và yêu cầu họ cung cấp báo giá về chi phí cải tạo. Điều này không chỉ cung cấp cho bạn một mức giá cụ thể mà bạn có thể tính toán ngân sách của mình sao cho phù hợp đồng thời được ước tính khoảng thời gian sẽ mất.

Ngoài ra, bạn nên tập trung vào việc cải tạo nhằm tối đa hóa giá trị sau sửa chữa (ARV) của bất động sản, điển hình là nhà bếp và phòng tắm. Quan trọng là hãy làm rõ bạn không cải tạo bất động sản đó để bạn ở, bạn cải tạo nó để kiếm tiền. Do đó, hãy thực hiện các cải tạo hiệu quả nhất về chi phí.

Dương Thảo An (Welendllc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.