Suất đầu tư cầu cạn cao tốc 459 tỷ đồng/km
Viện Kinh tế Xây dựng vừa báo cáo Bộ Xây dựng kết quả nghiên cứu đầu tư cầu cạn làm đường ôtô cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mức đầu tư bao gồm chi phí xây dựng ban đầu và chi phí bảo trì, bảo dưỡng trong suốt tuổi thọ thiết kế 100 năm.
Theo Viện Kinh tế xây dựng, việc xây dựng đường cao tốc ở nhiều địa phương, nhất là khu vực ĐBSCL đang gặp khó khăn về vật liệu đắp nền.
Giai đoạn 2021-2025, tại ĐBSCL và Đông Nam Bộ thi công 9 dự án quan trọng quốc gia cần khoảng 63 triệu m3 cát đắp nền đường. Tuy nhiên, nguồn cát đắp nền đường chủ yếu được khai thác từ sông Tiền, sông Hậu ngày càng khan hiếm, việc cung ứng cát cho các dự án đang gặp nhiều khó khăn.
Một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu cát đắp nền là làm cầu cạn cao tốc. Hiện đang có khoảng 70km cầu cạn trên tổng số hơn 2.000km cao tốc đã và đang triển khai.
Suất đầu tư cầu cạn cao tốc khoảng 459 tỷ đồng/km
Viện Kinh tế xây dựng so sánh chi phí đầu tư ban đầu theo suất vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc và cầu cạn, đã được Bộ Xây dựng công bố cho thấy chi phí xây dựng cầu cạn gấp bình quân 2,6 lần so với đường cao tốc (cùng thông số bề rộng và số làn xe chạy).
Dù vậy, suất vốn đầu tư được công bố nêu trên chưa bao gồm: chi phí bồi thường và tái định cư, lãi vay trong thời gian xây dựng, xử lý nền đất yếu và một số khoản mục chi phí có liên quan của dự án.
Theo Viện Kinh tế xây dựng, việc so sánh, đánh giá tính hiệu quả giữa cầu cạn và đường có nền đắp cần được xác định bằng vốn đầu tư ban đầu và cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng tính cho tuổi thọ thiết kế của dự án sẽ phù hợp và đầy đủ hơn.
Viện Kinh tế xây dựng tính cả chi phí đầu tư ban đầu và chi phí bảo trì, bảo dưỡng theo vòng đời dự án cho kết quả chi phí của đường bằng nền đắp là 450,232 tỷ đồng/km, của phương án cầu cạn cao tốc là 459,289 tỷ đồng/km.
Tính cả vòng đời dự án thì tổng chi phí làm cầu cạn cao hơn đường cao tốc có nền bằng cát đắp là 2,01%.
Nhiều lợi ích khi làm đường cao tốc bằng cầu cạn
Theo Viện Kinh tế xây dựng, làm đường cao tốc có nền bằng cát đắp chịu sự tác động của một số yếu tố bất lợi như: nhu cầu giải phóng mặt bằng lớn; chịu sự ảnh hưởng của sự thiếu hụt nguồn cung cát; khó kiểm soát giá cát trong quá trình thi công; gây tác động lún, sạt lở trong quá trình khai thác cát...
Trong khi đó, cát đắp nền chiếm tỉ trọng lớn trong suất vốn đầu tư xây dựng 1km đường cao tốc (15-16%), tương đương khoảng 210.981m3/km.
Xây dựng cầu cạn kích cầu sử dụng vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước
Còn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép làm đường cao tốc có ưu điểm nổi bật như:
Làm chủ được tiến độ thi công do không phải chịu sự tác động của giải phóng mặt bằng nhiều; các cấu kiện dầm, lan can… có thể chế tạo sẵn; ít chịu tác động của khan hiếm cát đắp. Còn làm đường có nền đắp phụ thuộc vào thời tiết, địa hình, địa chất.
Xây cầu cạn làm giảm diện tích giải phóng mặt bằng, tiết kiệm quỹ đất, giúp tiết kiệm chi phí liên quan đến thu hồi đất.
Cầu cạn đảm bảo khả năng thoát lũ, giảm nguy cơ ngập lụt và xâm nhập mặn, giảm nhu cầu về cát đắp, đảm bảo tính bền vững của môi trường và cộng đồng khu vực dự án do không bị chia cắt.
Do cầu cạn có kết cấu móng bê tông cốt thép (không bị lún như đường đắp), tính ổn định cao, xây dựng trên cao ít giao cắt nên việc khai thác, vận hành và bảo trì sẽ đơn giản.
Xây dựng cầu cạn kích cầu sử dụng vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước. Cụ thể, xây dựng 1km cầu cạn cần 14.356 tấn xi măng, 5.415 tấn thép.
Viện Kinh tế xây dựng cho biết, đối với các dự án đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc khu vực ĐBSCL có thể xem xét phương án kết hợp sử dụng nền đường bằng cát đắp với sử dụng cầu cạn ở những đoạn tuyến nhất định để khắc phục bất cập trong quản lý, khai thác, cung ứng, chuyên chở vật liệu đắp nền, khu vực địa chất khi phải tính toán, sử dụng nhiều giải pháp xử lý nền đất lún.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, loại vật liệu mới thân thiện với môi trường và ứng dụng kết quả nghiên cứu về cầu cạn bê tông cốt thép trong xây dựng công trình giao thông nhằm giảm giá thành khai thác, nâng cao chất lượng, giảm thời gian thi công xây dựng (dầm chữ U khẩu độ lớn sử dụng bê tông cường độ cao HPC và sử dụng bê tông cường độ siêu cao UHPC.
-
Chốt phương án cầu nối Đồng Nai và Bình Phước với vốn 11.000 tỷ và 5 km cầu cạn
Ngày 2/4/2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận phương án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối với tỉnh Bình Phước, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
-
Tương lai giao thông Đồng bằng sông Cửu Long: Cao tốc trên cầu cạn có khả thi?
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị có liên quan nghiên cứu giải pháp xây dựng đường cao tốc trên cầu cạn tại khu vực ĐBSCL, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường.
-
Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về giải pháp sử dụng cát nhân tạo, xây cầu cạn cao tốc ở ĐBSCL
Theo Thủ tướng, giải pháp sử dụng cát nhân tạo thay thế hoàn toàn cát tự nhiên và xây dựng cầu cạn cao tốc thay thế cho việc xây cao tốc trực tiếp trên nền đất yếu tại ĐBSCL là không khả thi do chi phí cao, nguồn lực đầu tư lớn.








-
Dự kiến thu phí từ quý II/2025, cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ có mức phí bao nhiêu?
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có đề xuất chính thức gửi Bộ Xây dựng về việc thu phí tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành nhằm hoàn vốn đầu tư cho dự án có tổng mức đầu tư hơn 31.300 tỷ đồng....
-
Trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam qua Quảng Trị dịp nghỉ lễ
Để đảm bảo tiến độ đề ra, các nhà thầu của dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua tỉnh Quảng Trị huy động phương tiện, nhân lực thi công "3 ca, 4 kíp" xuyên nghỉ lễ.
-
“Cú hích” từ các dự án hạ tầng giao thông vùng Đông Nam bộ
Giai đoạn 2020-2025 được cho là nhiệm kỳ bứt phá về phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực Đông Nam bộ khi loạt dự án lớn về hạ tầng giao thông kết nối vùng được triển khai. Việc này đang mở ra “cú hích” cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùn...