30/10/2014 9:08 PM
Thêm nhiều ý kiến chuyên gia tán thành chủ trương cho người nước ngoài sở hữu nhà tại VN nhưng đề xuất phải quy định quản lý chặt chẽ và chỉ áp dụng đối với dạng nhà cao cấp.

Nhiều chung cư cao cấp tại quận 2 (TP.HCM) nhắm đến khách thuê là người nước ngoài - Ảnh: P.P.H.

Một trong những vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm tại dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 này là việc mở cho người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại VN.

Trước ngần ngại người nước ngoài đầu cơ mua nhà có thể làm "lũng đoạn thị trường bất động sản VN", luật sư Nguyễn Thị Cam (Công ty luật TNHH Đất Luật) cho rằng điều này sẽ không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước mà còn làm gia tăng tổng tài sản quốc gia.

Luật nhà ở sửa đổi mở rộng điều kiện và quyền cho cá nhân nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam.

Người nước ngoài chỉ cần được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự thì được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu loại nhà ở thương mại (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng khu vực và trong từng thời kỳ khác nhau.

Theo luật sư, chủ trương này sẽ tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản mà không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước.

Đặc biệt là không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.

Bên cạnh đó, với các quy định chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu loại nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở kết hợp với việc quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng đối với người nước ngoài thì vấn đề quốc phòng, an ninh không có gì đáng lo ngại.

Mặt khác, có người đề nghị cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại VN “mua đi bán lại, cho thuê nhà ở” như một hình thức kinh doanh - đây có sự nhầm lẫn giữa quyền sở hữu nhà ở và quyền kinh doanh bất động sản.

Dự thảo quy định “cá nhân nước ngoài là chủ sở hữu nhà ở tại VN có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở áp dụng như đối với công dân VN”, như vậy họ có đầy đủ quyền định đoạt với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo quy định của Bộ luật dân sự.

Còn việc “mua đi bán lại, cho thuê kiếm lời” đối với nhà ở là hoạt động kinh doanh bất động sản.

Luật kinh doanh bất động sản quy định “kinh doanh bất động sản là việc bỏ vốn đầu tư tạo lập, mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua bất động sản để bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhằm mục đích sinh lợi”.

Và luật cũng không phân biệt họ là ai, người VN hay người nước ngoài, nếu họ muốn kinh doanh bất động sản trên lãnh thổ VN thì phải thành lập doanh nghiệp.

Vì vậy mở rộng điều kiện được mua nhà, khu vực mua nhà, quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài sở hữu nhà tại VN như dự thảo Luật nhà ở là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong thời điểm hiện tại.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

Chỉ nên cho người nước ngoài mua nhà cao cấp

Tại TP.HCM có khoảng 140.000 người nước ngoài sinh sống, đông nhất trong cả nước, phần lớn trong đó là người có thu nhập cao đến từ những quốc gia phát triển.

Việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà tại VN sẽ biến thị trường bất động sản VN trở thành một thị trường bình thường để hòa nhập với quốc tế.

Như vậy mới hấp dẫn được các nhà đầu tư và có cơ hội để người nước ngoài lựa chọn VN làm điểm đến của họ.

Mở rộng điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà, đi lại, lưu trú bình thường như người VN ở những khu vực không bị cấm là điều nên làm.

Tôi kiến nghị điều này không phải chỉ vì mục đích tăng lượng khách hàng mua nhà, giảm lượng căn hộ tồn kho hiện tại, mà vì muốn thị trường bất động sản VN phát triển hoàn hảo hơn, đầy đặn hơn.

Từ mục tiêu phát triển thị trường bất động sản đầy đặn, tất nhiên sẽ góp phần làm giảm lượng hàng tồn kho.

Người Nhật Bản và nước khác e ngại hai điều ở VN: một là giao thông không thuận tiện, đường sá còn xấu và hay bị nghẽn.

Thứ hai là các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho sức khỏe, học hành, vui chơi giải trí không đạt đẳng cấp như họ mong muốn.

Với những mặt không thuận tiện như vậy, việc mở rộng các điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà tại VN sẽ phần nào kéo người nước ngoài đến VN.

Tất nhiên, Nhà nước quy định khu vực nào, dự án nào người nước ngoài được mua, sở hữu nhà và lưu trú. Nhà nước cũng quy định luôn giá và cấp nhà được bán cho người nước ngoài.

Tôi đồng ý quan điểm chỉ nên cho người nước ngoài mua chung cư cao cấp và nhà liền kề cao cấp. Điều này tránh việc họ tranh mua loại nhà ở giá trung bình hoặc nhà ở giá thấp với người nghèo VN.

Càng nhiều người nước ngoài đến VN cư trú, sở hữu nhà thì chúng ta càng có lợi. Bán nhà cho người nước ngoài giống như chúng ta xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng như sắt, thép, ximăng...

D.Ngọc Hà (Tuổi Trè)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.