Thị trường bán lẻ ảm đạm, chính các trung tâm thương mại (TTTM) vốn chuyên nghiệp trong việc cho thuê bán lẻ, tập trung đông khách cũng phải đối mặt với việc người thuê mặt bằng “tháo chạy”.
Ế ẩm, bỏ hoang
Tại TTTM Sài Gòn Square 2 (đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM), dù trong thời gian cao điểm mua sắm (sau giờ làm chiều thứ sáu, ngày 18-10) nhưng vẫn vắng khách. Người bán nhiều hơn người mua, nhân viên nhiều cửa hàng ngồi ngái ngủ. Đáng chú ý là có đến cả chục gian hàng chưa có người thuê và một số sạp đang kinh doanh vẫn treo bảng “cần sang lại”.
Trừ những chung cư nằm ở vị trí đắc địa tại các quận 1, 3, 5, 4, Phú Nhuận, số còn lại nằm rải rác ở các quận - huyện xa khu trung tâm TP HCM đều có chung số phận hẩm hiu, thậm chí đóng cửa suốt năm này qua năm khác. Tọa lạc tại khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh), Hoàng Tháp Plaza đã đầu tư nội thất hoàn thiện nhưng toàn bộ 2 tầng thương mại đang bỏ trống vì không có khách thuê dù chủ đầu tư đã “bấm bụng” hạ giá. Các dự án dọc đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn qua cầu Rạch Đỉa 1, huyện Nhà Bè) treo một loạt bảng cho thuê, mặt bằng bên trong cũng đã sẵn sàng đợi người tới kinh doanh nhưng vẫn ế dài.
Nhiều mặt bằng TTTM được thiết kế tiện lợi dạng “thông tầng” để người thuê có thể vừa ở trên tầng 1 vừa buôn bán tầng trệt với diện tích khá lớn. Tại chung cư Hoàng Anh An Tiến (huyện Nhà Bè), mỗi mặt bằng có diện tích đến 250 m2, giá bán chỉ 12 triệu đồng/m2, rẻ hơn cả những căn hộ chuyên để ở nhưng cũng đành chịu cảnh ế ẩm, bán không được, cho thuê cũng không xong.
Đắp chiếu chờ thời
Trước thực tế này, một số chủ đầu tư đang có ý định chuyển đổi diện tích làm TTTM thành căn hộ để ở . Tuy nhiên, thiết kế các TTTM khác với căn hộ từ chiều cao tầng tới khung chịu lực… Những yếu tố kỹ thuật này không cho phép thay đổi kết cấu chung cư nên phần lớn diện tích dùng làm TTTM phải “đắp chiếu” chờ thời.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, tình trạng chủ đầu tư đang gặp khó với các mặt bằng cho thuê thương mại - dịch vụ tại các tòa nhà là do kinh tế suy thoái, nhu cầu thuê thấp dù giá đã sát đáy.
“Chủ đầu tư nào cũng muốn xây dựng tối đa diện tích sàn, trong khi số căn hộ bị khống chế bởi quy mô dân số. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đã “ảo tưởng” có thể khai thác kiếm lợi từ việc cho thuê mặt bằng nên phần diện tích được quy hoạch dành cho thương mại - dịch vụ phình ra. Nhiều chung cư mọc lên gần nhau và cư dân chưa có nhiều dẫn đến cung vượt cầu. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân chung là do thủ tục xin phép xây dựng quá nhiêu khê, kéo dài nhiều năm liền khiến doanh nghiệp không thể hình dung được khi làm xong, thị trường sẽ ra sao” - ông Châu nhận xét.
Ẩm thực thay mua sắm Theo Công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu trước những quan ngại về suy thoái kinh tế, nguy cơ thất nghiệp và giá cả leo thang. Trong bối cảnh đó, ngành hàng ăn uống và cửa hàng tiện lợi, vốn cung cấp những nhu cầu cơ bản, vẫn duy trì hoạt động sôi nổi. Zen Plaza là một ví dụ về việc nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường khi vừa thông báo sẽ chuyển đổi khu bán lẻ trên 3 tầng đầu tiên của tòa nhà từ các thương hiệu thời trang sang ngành ẩm thực, theo kế hoạch sẽ khai trương lại vào đầu tháng 11 này. |