27/11/2020 8:38 AM
Năm 2020, Đồng Nai được Chính phủ giao hơn 25 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công. Nguồn vốn trên dùng để giải ngân các dự án quan trọng của Trung ương, tỉnh, cấp huyện trên địa bàn. Tại Đồng Nai, tốc độ giải ngân chậm hơn so với bình quân chung cả nước gần 10% nên các chủ đầu tư đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án để giải ngân số vốn đã được bố trí từ đầu năm.

Đồ họa thể hiện cơ cấu nguồn vốn đầu tư công của Đồng Nai trong năm 2020 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Nguồn vốn đầu tư công năm 2020 của Đồng Nai chia làm 3 phần bao gồm nguồn vốn từ ngân sách trung ương, vốn từ ngân sách tỉnh và vốn ngân sách cấp huyện. Trong đó, vốn ngân sách trung ương gần 17,3 ngàn tỷ đồng; ngân sách cấp tỉnh hơn 4,1 ngàn tỷ đồng và ngân sách cấp huyện trên 3,6 ngàn tỷ đồng.

Nhiều dự án khó giải ngân

Năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao làm chủ đầu tư thực hiện gần 90 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng số vốn hơn 3,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh là hơn 1,1 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách trung ương là hơn 2,2 ngàn tỷ đồng (được bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa giai đoạn 1 và xây dựng các khu tái định cư dự án Sân bay Long Thành).

Tính đến cuối tháng 10-2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã giải ngân số vốn hơn 1,3 ngàn tỷ đồng, đạt khoảng 40% tổng nguồn vốn được giao. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh giải ngân hơn 530 tỷ đồng, đạt khoảng 48% kế hoạch được giao và nguồn vốn ngân sách trung ương hơn 790 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch được giao.

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho hay, do tình hình chung từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ở thời điểm đầu năm cũng như sự thay đổi chính sách về quản lý chi phí đầu tư xây dựng nên tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công được giao gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, đối với các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách tỉnh, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải ngân nguồn vốn. Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn 3 địa phương gồm TP.Biên Hòa, H.Long Thành và H.Nhơn Trạch còn đến 10 công trình vướng mặt bằng khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn bị chậm trễ.

Lấy dẫn chứng cho tình trạng này, ông Trần Văn Thanh cho biết, vào tháng 9 vừa qua, đơn vị và nhà thầu đã lập biên bản thống nhất thanh lý hợp đồng xây lắp đối với dự án xây dựng tuyến thoát nước từ Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 ra rạch Bà Ký trên địa bàn H.Nhơn Trạch. Đây là dự án đã được khởi công từ tháng 1-2018 nhưng đến nay vẫn chưa thể thi công do vướng mặt bằng. Sau khi thanh lý hợp đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh sẽ phải thực hiện cập nhật điều chỉnh dự toán để trình thẩm định, phê duyệt lại theo quy định.

Trong khi đó, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cũng gặp một số khó khăn. Điển hình là dự án Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa giai đoạn 1. Do vướng mắc trong vấn đề xử lý chất độc dioxin nên đến nay, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vẫn chưa có sự thống nhất để phục vụ cho việc tuyển chọn đơn vị tư vấn cho dự án. Do đó, nguồn vốn hơn 161 tỷ đồng bố trí trong năm 2020 cho dự án không thể giải ngân.

Luân chuyển vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, hiện nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, đơn vị cũng thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án đã có mặt bằng và đang thi công để thực hiện giải ngân nhanh hơn.

Thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành). Ảnh:P. Tùng

Riêng đối với nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ông Trần Văn Thanh cho biết, theo Quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, dự án Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa giai đoạn 1 đã được điều chỉnh giảm hơn 161 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư được bố trí trong năm 2020.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh giảm khoảng 750 tỷ đồng nguồn vốn bố trí cho dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành. Nguyên nhân là do chi phí được tiết kiệm trong quá trình đấu thầu, không thực hiện vận chuyển đất dôi dư về bãi thải trong quá trình xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và tạm dừng xây dựng khu tái định cư Bình Sơn. Việc thực hiện điều chỉnh nguồn vốn sẽ đưa tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương ở mức đạt khoảng 36% lên đến hơn 70%. “Đối với việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã cam kết với UBND tỉnh sẽ thực hiện giải ngân trên 95% tổng nguồn vốn được giao” - ông Trần Văn Thanh nhấn mạnh.

Đối với dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành, hiện nay Đồng Nai đã được cấp nguồn vốn hơn 18 ngàn tỷ đồng, trong đó có 2 ngàn tỷ đồng bố trí xây dựng 2 khu tái định cư. Đối với số vốn hơn 15 ngàn tỷ đồng còn lại, hiện nay các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đến nay, UBND H.Long Thành đã thực hiện 8 đợt chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành với số tiền hơn 1,8 ngàn tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, mục tiêu được tỉnh đặt ra là hoàn thành các công việc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành trong năm 2020. Qua đó, hoàn thành giải ngân nguồn vốn đầu tư được bố trí cho dự án.

Thời gian qua, Đồng Nai đã ưu tiên thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để có đất sạch giao cho chủ đầu tư các dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, với hơn 1 ngàn dự án đang triển khai thì nhiều địa phương quá tải trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục và bồi thường giải phóng mặt bằng. Đến đầu tháng 11-2020, giải ngân vốn đầu tư công cấp tỉnh mới đạt trên 50%. Như vậy, muốn đạt được kế hoạch năm thì trong tháng 11 và 12-2020, tỉnh phải giải ngân được hơn 40% nữa. UBND tỉnh thường xuyên làm việc với các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư về các dự án để kịp thời điều chỉnh nguồn vốn cho phù hợp. Theo đó, những dự án không sử dụng hết vốn đã bố trí sẽ được luân chuyển qua cho những dự án giải ngân nhanh đang cần thêm vốn.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết: “Trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều dự án quan trọng của tỉnh nên nguồn vốn đầu tư công được bố trí khá nhiều. Hằng tuần, UBND thành phố đều họp về tiến độ các dự án trên địa bàn để kịp thời phát hiện khó khăn cần tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ và giải ngân. Những dự án không dùng hết vốn được giao sẽ được UBND thành phố đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh qua những dự án thiếu vốn”. Cũng theo ông Lộc, đơn cử dự án Hương lộ 2 do làm thủ tục thu hồi đất chậm nên không giải ngân hết vốn được giao. Nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng không giải ngân được, UBND TP.Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh chuyển qua chi trả bồi thường cho dự án nạo vét chống ngập suối Chùa, suối bà Lúa.

Việc linh hoạt trong điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công giúp cho công tác giải ngân hoàn thành kế hoạch năm, đồng thời đảm bảo nguồn vốn cho các dự án thực hiện nhanh.

Hương Giang - Phạm Tùng (Báo Đồng Nai)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.