28/09/2012 10:30 AM
Thị trường trầm lắng, chủ đầu tư không triển khai được dự án, khách hàng chờ dài cổ không biết tương lai đồng tiền của mình thế nào. Cách nhiều khách hàng lựa chọn là rút ra khỏi dự án, chấp nhận lỗ mất giá, thậm chí tiền tỷ để không còn sa lầy thêm nữa.
Dự án 52 Lĩnh Nam là một trong những dự án  đang bị nhiều khách hàng yêu cầu trả lại tiền do  chậm tiến độ
Dự án 52 Lĩnh Nam là một trong những dự án đang bị nhiều khách hàng yêu cầu trả lại tiền do chậm tiến độ

Chấp nhận mất tiền tỷ để thoát khỏi dự án

Anh Đ. tham gia hợp đồng góp vốn vào dự án Đại học Vân Canh từ năm 2008, trị giá hợp đồng khoảng 3 tỉ đồng. Thế nhưng, 2 năm trôi qua, không có một hợp đồng nào được ký, và Cty An Lạc – chủ đầu tư dự án - không có văn bản nào gửi cho khách hàng giải thích về sự chậm trễ trên, trong khi vẫn thu tiền của khách hàng tới đợt thứ 3 với tổng số tiền lên đến 90% giá trị hợp đồng.

Sốt ruột khi ngoài công trường vẫn chỉ là một bãi đất trống không có biển hiệu gì, mà năm lần bảy lượt hỏi chủ đầu tư chỉ nhận được hai chữ “chờ đợi”, anh Đ. mơ hồ nghĩ tới việc mình đang bị chủ đầu tư chiếm dụng vốn. “Để có số tiền góp trên tôi đã phải vay ngân hàng với lãi suất 21,8%/ năm. Đến nay khoản vay chuẩn bị đáo hạn, với áp lực trả gốc và lãi khiến tình hình tài chính của chúng tôi vô cùng căng thẳng và có nguy cơ mất thanh khoản” – anh Đ. nói.

Lúc này, điều anh Đ. nghĩ đến là rút khỏi dự án, nhưng anh vẫn còn hy vọng vào câu trả lời chính thức của chủ đầu tư vào tương lai dự án này. “Có lẽ chúng tôi phải tính chuyện thưa kiện chủ đầu tư, vì câu hỏi của chúng tôi không được hồi âm, còn chúng tôi đang chịu áp lực về số tiền không nhỏ vay của ngân hàng” – anh Đ. chua chát bày tỏ.

Một khách hàng khác là chị Ánh T. cũng đang phải ngậm ngùi trả giá cho “cơn say” BĐS mấy năm về trước. Đầu năm 2010, chị ký Hợp đồng góp vốn với một chủ đầu tư thứ cấp Dự án Ecopark Tuần Châu. Ngay sau khi ký hợp đồng, chị đã nộp vào tài khoản của Cty cổ phần Tuần Châu khoản tiền đợt 1 (15% giá trị hợp đồng) là 1,998 tỷ đồng và nộp toàn bộ số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng là 1,8 tỷ đồng vào tài khoản của chủ đầu tư thứ cấp. Thế nhưng, tiền đi nhưng tin tốt không về.

Đến nay, hơn 18 tháng trôi qua, Dự án Ecopark Tuần Châu vẫn chưa thực hiện giải phóng xong mặt bằng, chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500 và cũng chưa xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật. “Việc huy động vốn của các khách hàng để lấy sản phẩm trong điều kiện dự án như vậy là không đúng các quy định của pháp luật, tức là hợp đồng đã ký không có giá trị pháp lý, nên tôi đang yêu cầu chủ đầu tư thứ cấp huỷ bỏ hợp đồng này và trả lại toàn bộ số tiền mà chúng tôi đã nộp” – chị T. cho biết.

Hầu hết khách hàng đang sa lầy trong khác dự án BĐS hiện nay đã phải bon chen thật lực để có “suất”, và số tiền chênh họ phải bỏ ra không nhỏ, ít thì đôi ba trăm triệu, thậm chí lên tới khoảng vài tỷ. Khoản tiền này hầu như được để ngoài sổ sách, chính vì thế, nếu như sự “tháo chạy” này thành công, thì có tiền tỷ đã rơi rớt trên đường và khách hàng là người luôn phải chịu thiệt.

Lập hội bàn cách rút vốn

Trong bối cảnh dự án nào cũng chậm, thậm chí án binh bất động, chưa biết tương lai thế nào, thì khách hàng – mà rất nhiều trong số đó dùng tiền đi vay ngân hàng – đang ngồi trên “chảo lửa”. Chính vì thế, chuyện những người cùng cảnh ngộ rủ nhau lập “hội” để bàn cách đấu tranh với chủ đầu tư để rút được tiền trước khi quá muộn không còn là điều hiếm gặp.

Tại dự án Usilk City do Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư, trong khi khách hàng 3 tòa nhà CT1-101, 102, 103 rộn ràng hỏi nhau về việc tái khởi động và triển vọng nhận nhà trong thời gian tới, thì hàng chục khách hàng mua các tòa nhà khác đang tính chuyện bàn nhau lập hội xem có phương pháp nào rút được tiền về, bởi tương lai số tiền đầu tư của họ còn vô cùng mờ mịt.

Còn tại Dự án Hanoi Times Tower (Hà Đông, Hà Nội), hàng trăm khách hàng đã âm ỉ đòi tiền chủ đầu tư từ nhiều tháng nay, do họ đã nộp tiền góp vốn từ năm 2010 nhưng cho đến 9/2012 dự án vẫn chưa xây dựng xong tầng hầm.

Tại dự án 52 Lĩnh Nam, hàng chục nhà đầu tư tập trung tại Cty cổ phần Lilama Hà Nội để yêu cầu chủ đầu tư giải thích rõ về việc tòa nhà chậm tiến độ, và nhiều khách hàng tỏ ý muốn rút tiền khi nhận thấy dự án đáng lẽ đến nay đã bàn giao nhà nhưng hiện vẫn chưa xây thô xong. Dự án Mekong Plaza nằm tại khu đô thị Geleximco do Mekong Land làm chủ đầu tư, hiện cũng đang gặp phải hiện tượng nhiều khách hàng đòi rút tiền...

Vẫn biết chủ đầu tư vi phạm các điều khoản cam kết trong hợp đồng, song phần lớn việc xin được rút vốn khỏi dự án là không hề dễ dàng bởi các chủ đầu tư dự án bất động sản hiện giờ đều không có đủ tài chính để đáp ứng các đòi hỏi của khách hàng.

“Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc khách hàng đòi rút vốn tại các dự án có tỷ suất thành công không cao bởi số tiền chủ đầu tư huy động được một phần đã dùng để xây dựng dự án, một phần có thể đã được dùng vào các dự án khác”, anh Lê Trung, giám đốc một DN xây dựng, chia sẻ. “Để có tiền trả lại cho nhà đầu tư, buộc chủ đầu tư phải bán hết chỗ hàng tồn để thu tiền về, mà lúc này đây là điều gần như không thể”.

Theo Bách Nguyễn (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.