05/06/2019 9:04 AM
CafeLand - Trả lời chất vấn của cử tri về vấn đề di dời trụ sở bộ ngành tại Hà Nội bị chậm trễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc này liên quan tới nhiều cơ quan, nhiều bộ. Một số bộ ngành chưa chịu di dời vì chưa đủ cơ sở hạ tầng phù hợp.

Đề cập đến nhiệm vụ di dời trụ sở cơ quan, bệnh viện, cơ sở giáo dục để giảm áp lực cho nội đô Hà Nội, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, Luật Thủ đô đi vào cuộc sống đã 8 năm, nhưng nội dung quan trọng này trong luật đã không được thực hiện một cách nghiêm túc.

Việc này, theo bà Dung, đã được Uỷ ban pháp luật giám sát và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp thứ VI vừa qua. Theo quy định của Luật Thủ đô, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp được ưu tiên xây dựng phát triển các công trình công cộng, nhưng trên thực tế rất nhiều chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất này.

Trong số 9 cơ quan được bố trí quỹ đất chuyển ra ngoại thành thì có đến 7 cơ quan tiếp tục giữ lại trụ sở cũ, 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư nhà ở văn phòng cao tầng, không có khu đất nào được sử dụng để xây dựng công trình công cộng.

Đặc biệt, chưa có cơ sở giáo dục nào di dời vì chưa đủ cơ sở hạ tầng phù hợp và chưa được bố trí quỹ đất. Sự chậm trễ này đã gây ra những hệ luỵ về quy hoạch, hạ tầng giao thông, xã hội, quy mô dân số, đi ngược lại mục tiêu ban đầu đã đề ra là giảm tải áp lực cho nội đô.

Nhiều đại biểu quan tâm đến việc di dời trụ sở ra khỏi nội đô.

“Việc này có trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ liên quan theo quy định tại Điều 4, Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ”, bà Dung cho biết và đề nghị Bộ Xây dựng thực hiện các kiến nghị của Uỷ ban pháp luật về việc chấp hành nghiêm các quy định của Luật thủ đô.

Trả lời chất vấn, ông Hà cho biết, Bộ Xây dựng được giao lập danh mục và biện pháp di dời, Bộ Y tế lập danh sách các bệnh viện, Bộ Giáo dục lập danh mục tiêu chí; lộ trình di dời cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lên danh sách các cơ sở dạy nghề và các tiêu chí ra ngoài ngoại thành. Bộ Tài chính có nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách tài chính để khai thác quỹ đất trụ sở nội đô, đề xuất phương án án tài chính để đầu xây dựng trụ sở mới.

Tuy nhiên, tình hình thực hiện chủ trương trên hiện rất chậm dù Hà Nội đã bố trí một số địa điểm, lập danh mục phải di dời. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng ở đây có trách nhiệm của rất nhiều bộ ngành liên quan. Cơ chế tài chính, nguồn lực cho di dời, việc bố trí quỹ đất để di dời và cơ chế sử dụng quỹ đất trong nội đô sau di dời cũng chưa đầy đủ… Thậm chí có bộ, ngành còn chưa hoàn thành danh mục, tiêu chí cơ sở di dời.

Hiện mới có bệnh viện K, Nội tiết Trung ương, Bạch Mai, Việt Đức... đã di dời. Còn các cơ sở giáo dục thì Bộ Giáo dục và Bộ Lao động chưa hoàn thành lập danh mục cũng như tiêu chí di dời.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vấn, Bộ Xây dựng phải ngồi lại với các bộ để đánh giá vì sao việc di dời trụ sở bộ ngành chậm và giải pháp như thế nào.

  • Di dời trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô: Cần lộ trình cụ thể

    Di dời trường học, bệnh viện, cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô: Cần lộ trình cụ thể

    Di dời hệ thống trường học, bệnh viện và những cơ sở sản xuất ô nhiễm nhằm giãn bớt dân số và giảm thiểu những áp lực lên hệ thống hạ tầng, môi trường của khu vực trung tâm Thủ đô. Để làm được việc này, cần xây dựng một lộ trình dài hạn, thực hiện từng bước và phải chuẩn bị nguồn lực tài chính, ổn định an sinh xã hội cho những đối tượng thuộc diện di dời.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.