Di dời hệ thống trường học, bệnh viện và những cơ sở sản xuất ô nhiễm nhằm giãn bớt dân số và giảm thiểu những áp lực lên hệ thống hạ tầng, môi trường của khu vực trung tâm Thủ đô. Để làm được việc này, cần xây dựng một lộ trình dài hạn, thực hiện từng bước và phải chuẩn bị nguồn lực tài chính, ổn định an sinh xã hội cho những đối tượng thuộc diện di dời.

Nhiều bệnh viện lớn tại khu vực trung tâm gây ra quá tải về giao thông và ô nhiễm môi trường

Mới đây, Bộ Xây dựng có văn bản phúc đáp Công văn số 5749/UBND-ĐT ngày 22/11/2018 của UBND TP Hà Nội đề nghị thống nhất một số chỉ tiêu quy hoạch trong đồ án quy hoạch phân khu của TP Hà Nội, trong đó có nội dung liên quan đến Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội”.

Áp lực lên môi trường

Ông Phạm Văn Thuyết, cán bộ nghỉ hưu trú tại phố Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, gia đình ông đã sinh sống tại khu vực này hơn 50 năm qua, thời gian gần đây mật độ phương tiện giao thông và người dân qua lại hàng ngày vào khu vực với số lượng lớn, khiến cho các tuyến phố luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải, tắc nghẽn thường xuyên vào giờ cao điểm. “Lượng người và phương tiện qua lại các bệnh viện hàng ngày rất nhiều, trong khi đó hầu hết các tuyến đường chính trên địa bàn lại tương đối nhỏ, tạo ra áp lực về giao thông, khói bụi gây ô nhiễm và lượng người đông khiến cho rác thải sinh hoạt thải ra nhiều, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh” - ông Thuyết cho hay.

Việc di dời những cơ sở công nghiệp, trường đại học, cao đẳng và các trụ sở bộ, ngành T.Ư là nhu cầu thực tế, Chính phủ đã có lộ trình cho việc này. Nhưng việc di dời như thế nào thì cần phải tính toán, cân nhắc kỹ các phương án, đặc biệt là vấn để khai thác diện tích “đất vàng” sau khi giải phóng mặt bằng như thế nào, để có thể đảm bảo giảm tải được áp lực về hạ tầng giao thông, môi trường và có thêm đất để phục vụ các công trình tiện ích công cộng. (Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan)

Qua khảo sát của Tổ chức TP sống tốt tại Việt Nam, chỉ tính riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có hơn chục bệnh viện lớn, như Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108... chưa kể hệ thống các Trung tâm y tế, phòng khám, trường học và các công trình công cộng khác. Mỗi ngày, số lượng người đến khám, chữa bệnh tại địa bàn quận Hoàn Kiếm đã lên tới hàng vạn người, kéo theo đó là các phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện vận chuyển đi lại dày đặc trên các tuyến phố. Các bãi xe bệnh viện luôn chật cứng phương tiện, nhiều bệnh viện còn dùng cả vỉa hè cho người đi bộ để làm bãi giữ xe cho bệnh nhân và người nhà đến chăm nom...

Quận Hoàn Kiếm cũng là địa bàn có lượng rác thải lớn nhất của TP Hà Nội, bình quân mỗi ngày các hoạt động trên địa bàn quận xả ra từ 200 - 230 tấn rác thải. Trong đó, chất thải từ các cơ sở y tế khám, điều trị bệnh và chất thải từ các cơ quan, trường học chiếm số lượng lớn nhất. Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường TS Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, khu vực trung tâm Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn về những vấn đề liên quan đến môi trường từ những hoạt động của hệ thống bệnh viện, trường học; bên cạnh đó khu vực trung tâm TP là địa bàn có số lượng dân cư phân bố dày đặc gấp 2, 3 lần các khu vực khác.

“Chính quyền và các cơ sở đã cố gắng để xử lý, thu gom rác thải. Nhưng thực tế, nguồn rác thải, đặc biệt là rác thải y tế có nhiều loại gây nguy hại đến sức khỏe con người vẫn hiện hữu hàng ngày tại những khu vực này và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Chưa kể đến việc có quá nhiều phương tiện đi lại hàng ngày trong khu dân cư cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân” - TS Nguyễn Ngọc Sinh nói.

Di dời là cần thiết

Việc di dời hệ thống bệnh viện, trường học, các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội cũng giống như việc di dời trụ sở các bộ, ngành T.Ư đang có những ý kiến trái chiều. Có nhiều ý kiến cho rằng việc di dời tốn kém quá nhiều nguồn lực tài chính của Nhà nước và sau khi di dời nếu lại dành đất cho các tòa nhà trung tâm thương mại thì không giải quyết được vấn đề quá tải hạ tầng kỹ thuật... nhưng đa phần các chuyên gia đều cho rằng việc di dời là cần thiết. Theo TS. KTS Hoàng Hữu Phê - chuyên gia về quy hoạch quản lý đô thị, thế giới đã có rất nhiều cuộc “di dời” của các cơ quan hành chính Thủ đô, như Canberra tách từ thủ đô tạm thời Melbourne năm 1927; Brasilia tách từ Rio de Janero năm 1960; Putrajaya tách từ Kualar Lumpur năm 2002.

Đến thời điểm hiện tại công tác di dời diễn ra chậm, nhưng một số bệnh viện lớn và cơ sở y tế đã thực hiện di dời một số hạng mục ra khỏi khu vực trung tâm TP, như: Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Riêng 2 bệnh viện tuyến T.Ư là: Việt Đức và Bạch Mai đang xây dựng cơ sở 2 tại Hà Nam. Đối với các cơ sở giáo dục, Đại học Y tế Công cộng là đơn vị đầu tiên thực hiện di dời ra khu ngoại thành thuộc quận Bắc Từ Liêm. Đại học Quốc gia Hà Nội đã được bố trí đất và khởi công xây dựng tại Hòa Lạc; Đại học Bách khoa Hà Nội chốt phương án xây dựng tại Bắc Ninh...

Vào cuối tháng 4 vừa qua, Tổng thống Indonesia đã yêu cầu các Bộ trưởng trong nội các của ông lên kế hoạch tài chính để di dời thủ đô Jakarta sang một khu vực mới do tình trạng tắc đường, để dành toàn bộ phần đất cho trụ sở Ngân hàng T.Ư và các cơ quan thương mại, đầu tư hoạt động. “Việc di dời này sẽ tiêu tốn của Indonesia vài chục tỷ đô la Mỹ, nhưng đổi lại họ sẽ có một TP khang trang hơn và tiết kiệm được hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm vì vấn đề tắc đường, xử lý ô nhiễm. Đây là bước đi táo bạo của Chính phủ nước này, Hà Nội hoàn toàn có thể tham khảo” - TS. KTS Hoàng Hữu Phê nhận định.

Tuy nhiên, việc di dời cần phải xây dựng lộ trình cụ thể. Đối với các bệnh viện và cơ sở sản xuất ô nhiễm cần phải có sự phân loại mức độ ô nhiễm, những cơ sở nào ô nhiễm mức cao sẽ phải dịch chuyển trước, sau khi ổn định sẽ tiếp tục thực hiện các cơ sở còn lại. Riêng đối với hệ thống đào tạo, di dời hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường nghề thực hiện trước. Lợi thế của Thủ đô là sau khi mở rộng địa giới hành chính đã có thêm nhiều đất để kiện toàn những chức năng này. “Khu vực Láng - Hòa Lạc và dọc Đại lộ Thăng Long hoàn toàn có thể phát triển thành một trung tâm đào tạo, công nghiệp công nghệ cao. Khu vực này hiện nay đã được đầu tư hạ tầng giao thông kết nối hiện đại, có đủ điều kiện để thực hiện “sứ mệnh” này. Việc di dời là cần thiết và Hà Nội cần nhanh chóng nghiên cứu, mời các chuyên gia để xây dựng các phương án thực hiện thành công” - TS. KTS Hoàng Hữu Phê chia sẻ.

Mai Vân (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.