Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày vừa qua, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh giải thích về lý do các ngân hàng ưu tiên lựa chọn cho vay bất động sản, thay vì các lĩnh vực ưu tiên. 

Theo ông Vinh, mặc dù có những lo ngại về lĩnh vực bất động sản, nhưng nếu có giấy tờ, pháp lý rõ ràng thì khi cho vay, ngân hàng sẽ không bao giờ mất sạch, cùng lắm "mất 10 - 20% giá trị, không bao giờ mất hết, vẫn thu hồi được". Còn với cho vay sản xuất kinh doanh, "mất là mất luôn".

Theo Tổng Giám đốc VPBank, thứ mà các ngân hàng thu hồi được thường chỉ là nhà máy, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất .... Nhưng nếu ngay cả chính các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn không thể khiến những tài sản này sinh lời thì ngân hàng cũng đành "bó tay".

Do vậy, mặc dù chủ trương của Nhà nước về hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp là đúng nhưng rủi ro đi kèm cũng rất lớn. "Nếu bình thường, nền kinh tế tốt thì không sao, nhưng khả năng mất là mất tất", ông nói.

Ông cũng lý giải thêm rằng, cầm cái nhà vẫn có thể bán được, nếu không bán được năm nay thì 2 năm sau vẫn bán được. Với các lĩnh vực khác, khi doanh nghiệp túng quẫn và tìm cách xù nợ, pháp luật sẽ bảo vệ người đi vay chứ không phải cho vay.

Vị này cũng nhận định, lãi suất là vấn đề thị trường, khi cung lớn hơn cầu thì lãi suất sẽ giảm. Lãi suất không phải là vấn đề lớn. Hiện lãi vay mua nhà của một số ngân hàng giảm chỉ còn 5,9%/năm. Ông Vinh còn tiết lộ thêm, người nhà của mình đang đi vay mua nhà với lãi suất chỉ 5,9%/năm.

Vị này chia sẻ thêm, ngân hàng dư thừa vốn, cung lớn hơn cầu trong khi sức cầu lại rất yếu. Trong khi đó, tín dụng mua nhà chiếm hơn 50% dư nợ tín dụng của nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh từ năm 2023 đến nay. Cho vay tiêu dùng cũng lao dốc, tín dụng của 16 công ty tài chính tiêu dùng năm qua giảm hơn 20%.

Mặc dù nhu cầu vay vốn vẫn còn song khả năng vay và khả năng trả nợ giảm mạnh. Đây là các lý do khiến tín dụng không thể tăng trưởng.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.