29/04/2016 2:11 PM
Quyết định “cắt ngọn” một số cao ốc vi phạm nổi cộm ở khu vực phố cổ đã được UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đưa ra, nhưng dư luận vẫn băn khoăn, việc xử lý chủ đầu tư liệu có giúp các quy định của Nhà nước về xây dựng được thực hiện nghiêm túc hơn, nếu không xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan (?).
Phố Hàng Đồng có 3 công trình vi phạm liền kề
Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc chậm xử lý các công trình vi phạm phá vỡ quy hoạch phố cổ, PV Tiền Phong đã trao đổi với đại diện lãnh đạo một số phường có tên trong văn bản đốc thúc do Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ban hành hồi đầu tháng 4/2016.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) lý giải phần diện tích vi phạm buộc phá dỡ tại cụm công trình 128 - 130 Hàng Bông nằm ở trên cao nên chính quyền phường phải lên phương án kỹ lưỡng để không đe dọa những công trình liền kề.
Ông Thành cho biết, “sau khi Phòng Quản lý đô thị có văn bản yêu cầu bổ sung vào phương án phá dỡ, UBND phường đã hoàn thiện và gửi lên để Phòng Quản lý đô thị phê duyệt để triển khai...”. Theo khẳng định của ông Thành, UBND phường Hàng Bông sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND quận, phường cũng đã xem xét kiểm điểm trách nhiệm cán bộ chuyên môn để xảy ra vi phạm.
Đối với 3 công trình vi phạm liền kề tại số 43, 45, 47 phố Hàng Đồng, đại diện lãnh đạo UBND phường Hàng Bồ cho biết đã hoàn thiện phương án phá dỡ trình Phòng Quản lý đô thị quận thẩm định.Sau khi phương án được thẩm định, UBND phường sẽ tổ chức lực lượng thực hiện quyết định cưỡng chế theo chỉ đạo của lãnh đạo quận.
Trở lại vấn đề xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đe doạ quy hoạch phố cổ, trả lời câu hỏi “nếu chỉ xử lý công trình vi phạm liệu có đảm bảo sự nghiêm minh trong quản lý nhà nước?” được phóng viên đặt ra, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Quan điểm của lãnh đạo Quận uỷ - UBND quận là xử lý nghiêm khắc đối với công trình, và những cán bộ có liên quan để xảy ra vi phạm trên địa bàn được phân công quản lý. Trước hết, cần tập trung xử lý dứt điểm công trình vi phạm, việc xử lý cán bộ sẽ được xem xét sau khi xử lý xong công trình…”. Như vậy, dư luận sẽ phải đợi 2- 3 tháng nữa mới có thể được biết các hình thức xử lý những cán bộ đã buông lỏng quản lý địa bàn, dẫn đến tình trạng hàng loạt cao ốc “đâm thủng” Quy chế quản lý quy hoạch và kiến trúc phố cổ.
Trong nỗ lực hạn chế tình trạng vi phạm phát sinh trên địa bàn, ông Long cho biết, vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm và Sở Xây dựng Hà Nội đã ký biên bản tăng cường phối hợp giám sát, phát hiện kịp thời công trình vi phạm.
Trong đó, xác định rõ trách nhiệm xử lý của cán bộ thanh tra xây dựng, Đội Thanh tra xây dựng quận, Phòng Quản lý đô thị, UBND phường, UBND quận. Tuy nhiên, biên bản phối hợp chỉ thực sự mang lại hiệu quả nếu UBND phường, cùng đội ngũ cán bộ giám sát ở cơ sở thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm được giao phó.
Cứ nộp tiền là tồn tại thì không còn kỷ cương
Nói về việc xử lý các công trình vi phạm đang “đâm thủng” quy hoạch phố cổ, trao đổi với PV Tiền Phong, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: “Xử lý cưỡng chế phá dỡ những cao ốc vi phạm sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với chủ đầu tư là người dân.
Tuy nhiên, đây là việc buộc phải làm nếu muốn lập lại kỷ cương về xây dựng ở khu vực phố cổ - phố cũ. Lâu nay, việc xử lý các công trình vi phạm của các cấp chính quyền quá dễ dàng, nên mới dẫn đến tình trạng vi phạm bùng nổ như hiện nay. Vì lý do này, tôi vẫn bảo lưu quan điểm cần phải dừng ngay cơ chế phạt cho tồn tại. Nếu cứ nộp tiền là được tồn tại thì sẽ chẳng còn kỷ cương”.
Theo ông Võ, cùng với xử lý chủ đầu tư bằng việc cưỡng chế công trình vi phạm, thành phố cần khoanh vùng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Phải chăng lãnh đạo UBND các phường đã vì những vấn đề “tế nhị” mà buông lỏng quản lý?
“Nếu việc giám sát được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, tôi tin sẽ không có công trình vi phạm nào mọc lên, và người dân không bị thiệt hại kinh tế khi thực hiện các quyết định cưỡng chế phá dỡ của chính quyền”, ông Võ nói.
Tình trạng vi phạm TTXD ở các quận nội thành Hà Nội, đặc biệt là khu vực phố cổ - phố cũ đã ở mức đáng báo động. “Để ngăn chặn tình trạng này, UBND thành phố Hà Nội có biện pháp mạnh tay, chấp nhận kỷ luật nghiêm cán bộ có liên quan để làm gương cho những trường hợp có tư tưởng bao che cho sai phạm…”, ông Võ đề xuất.
  • Hà Nội 'cắt ngọn' hàng loạt cao ốc

    Hà Nội 'cắt ngọn' hàng loạt cao ốc

    Sau loạt bài của báo Tiền Phong phản ánh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) diễn ra tràn lan trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có nhiều cao ốc ngang nhiên phá vỡ quy hoạch kiến trúc khu vực phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm đã ký hàng loạt quyết định “cắt ngọn” công trình.

  • Cao ốc quá 40 tầng: Có nhiều chuyện "rất khó nói"

    Cao ốc quá 40 tầng: Có nhiều chuyện "rất khó nói"

    “Sở Xây dựng trình hồ sơ không bao giờ quá 40 tầng. Chúng tôi có hồ sơ, giấy tờ đầy đủ. Đây là chuyện dài nhiều tập”.

  • Sẽ cắt ngọn các cao ốc cao hơn 40 tầng ở Nha Trang

    Sẽ cắt ngọn các cao ốc cao hơn 40 tầng ở Nha Trang

    UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu phải điều chỉnh các cao ốc xây cao hơn 40 tầng, theo đúng theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 dã được Thủ tướng phê duyệt.

Ngọc Cương (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.