Khiếu nại của người dân kéo dài “hai thế kỷ”, chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Nguyễn Văn Quang (ấp 19, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau) bên phần đất của ông đã bị cắt để cấp cho cán bộ - Ảnh: Tấn Thái
Đất cấp cho cán bộ gấp 10 lần đất giao cho dân
Lão nông Nguyễn Văn Quang (người dân sống cố cựu nhận giao khoán tại LNT Sông Trẹm - nay thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp U Minh Hạ) chỉ tay về khu đất bị cắt để cấp giao cho người khác, ngậm ngùi nói: “Phần đất này trước đây là của gia đình tôi, LNT Sông Trẹm cắt giao cho ông Năm Hồng (Phạm Minh Hồng), nguyên trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Bình. Từ khi được giao đất ông Hồng không trông coi gì, nhưng khi cây lớn thì vào khai thác. Phần đất ông Hồng khai thác ba năm nay mà chưa trồng lại rừng. Trong khi đó, nếu dân chúng tôi khai thác nhưng không trồng lại thì bị phạt, bị hoạnh họe đủ điều”.
Tương tự, 73 hộ dân khác ở ấp 19, 20 và 21 (xã Khánh Thuận) cũng bị LNT Sông Trẹm lấy đất giao cho cán bộ. Theo các hộ dân, từ năm 1991 người dân bắt đầu nhận khoán đất rừng tại LNT Sông Trẹm.
Phần lớn dân nhận đất giao khoán có chiều dài 1.000m, chiều ngang khoảng 90m (diện tích khoảng 9ha). Người dân sản xuất đến năm 1993 thì được LNT Sông Trẹm làm sổ hợp đồng giao khoán đất cho dân, thời hạn 20 năm.
Đến khoảng năm 1996, LNT Sông Trẹm đưa phương tiện vào múc ngang phần đất của dân đang sử dụng và cắt lấy hậu đất 500m (tương đương 50% diện tích). Khi cắt lấy đất, LNT Sông Trẹm không bồi hoàn, người dân khiếu nại thì không được giải quyết, sự việc kéo dài đến nay.
Đáng nói hơn, trong khi đất của dân bị teo tóp, còn cán bộ lại được cấp đất với diện tích lớn gấp 10 diện tích đất của người dân. Cụ thể, theo kết luận Thanh tra tỉnh Cà Mau, ông Phạm Minh Hồng (nguyên trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình) được cấp đến 42ha, trong khi đó dân ở vùng này trung bình chỉ được cấp 4ha. Nhiều cán bộ khi nhận đất không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, thời gian hợp đồng hết từ năm 2011, nhưng đến nay Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ vẫn không thanh lý hợp đồng.
Đem những bức xúc của dân trao đổi với ông Nguyễn Phương Nam - phó giám đốc Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ - ông Nam thừa nhận thời điểm năm 1995-1996, LNT Sông Trẹm có cắt đất của các hộ dân ở các ấp 19, 20, 21 để liên doanh, liên kết và giao khoán lại cho một số tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài LNT Sông Trẹm.
Lý do là các hộ dân tại khu vực này quản lý bảo vệ rừng không chặt chẽ, để xảy ra mất rừng, cháy rừng. Việc cắt đất của các hộ dân từ 1.000m xuống còn 500m, LNT Sông Trẹm có họp dân và được sự đồng thuận của người dân.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi dựa vào đâu mà công ty cho rằng có sự đồng thuận của người dân, ông Nam nói: “Do thời gian qua quá lâu, biên bản họp dân đã thất lạc”. Ông Nam còn cho biết việc LNT Sông Trẹm cắt đất của các hộ dân để liên doanh, liên kết là do xuất phát từ tình hình thực tế của đơn vị, không có chủ trương của cấp trên và không có phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chia đất cho người nhà, người quen
Gần đây, nhiều người dân sống trong các lâm phần Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ lại bức xúc trước việc ông Trần Văn Hiếu (giám đốc) lấy đất quốc doanh để ký hợp đồng, hợp tác đầu tư với người thân trong gia đình và những người thân tín khác.
Theo tìm hiểu, ngày 19-3-2012, UBND tỉnh Cà Mau có công văn về việc đầu tư trồng rừng nguyên liệu tại Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ. Trong công văn ghi rõ: “Đối với các hộ liên doanh, liên kết trồng rừng với công ty nhưng hết hạn hợp đồng, đề nghị công ty tiếp tục xem xét để ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư đối với những hộ có nhu cầu, có năng lực và chấp hành tốt quy định của Nhà nước về trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng”. Tuy nhiên, trên thực tế ông Hiếu không chấp hành đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh mà ưu ái cho... người nhà hay người quen.
Bức xúc, người dân tố cáo việc làm của ông Hiếu đến cơ quan chức năng. Sau khi xác minh, Thanh tra tỉnh Cà Mau kết luận: dân tố cáo đúng. Cụ thể, ông Hiếu ký hợp đồng hợp tác đầu tư trồng rừng với em ruột mình là ông Trần Quang Vinh.
Ngoài ra, ông Huỳnh Hải Đăng (nhân viên công ty), ông Lương Tấn Đạt (tài xế) và bà Trần Mộng Sương (thủ quỹ) cũng được ông Hiếu ký hợp đồng, hợp tác đầu tư trồng rừng. Tất cả những người này đều không ai có hợp đồng liên doanh, liên kết với công ty trước đây.
Theo Thanh tra tỉnh Cà Mau, việc làm của LNT Sông Trẹm không đúng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân, dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp và gay gắt. Thanh tra tỉnh Cà Mau yêu cầu Công ty lâm nghiệp U Minh Hạ tính toán hợp lý để bồi thường cho các hộ dân. Đồng thời tiến hành thanh lý các hợp đồng mà LNT Sông Trẹm giao khoán vượt hạn mức, sai đối tượng; những phần đất liên doanh, liên kết không đảm bảo theo quy định quản lý bảo vệ rừng thì thanh lý khi hết hạn, rồi giao khoán hoặc hợp tác đầu tư theo hướng ưu tiên cho các hộ dân bị cắt đất trước đây. |