CafeLand – Trước nguy cơ nhiều dự án cao tốc bị chậm tiến độ xây dựng do thiếu nguồn nguyên vật liệu, Chính phủ vừa ban hành cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công).

Theo thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 5/2021, trong 6 dự án thành phần đầu tư công cao tốc đang triển khai thi công, ngoài hai dự án Cao Bồ-Mai Sơn (sản lượng 72,1%) và cầu Mỹ Thuận 2 (33,89%) đang đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, còn lại 4 dự án khác đều chưa đạt yêu cầu gồm: Cam Lộ-La Sơn (đạt 51,5%, chậm 4,4%), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (đạt 9,1%, chậm 0,4%), Mai Sơn-QL45 (đạt 10,7%, chậm 2,2%) và Phan Thiết-Dầu Giây (đạt 6,6%, chậm 1,8%.

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chậm tiến độ tại các dự án được Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chỉ ra là do thiếu nguồn vật liệu đất đắp thi công nền đường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo báo cáo từ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổng nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường khoảng 72 triệu m3 gồm: Khối lượng vật liệu đất được tận dụng từ nền đào khoảng 18,5 triệu m3 và khối lượng vật liệu đắp nền đường có nhu cầu lấy từ các mỏ đất khoảng 53,5 triệu m3.

Trong khi đó, khả năng cung cấp của các mỏ đất tại địa phương có dự án đi qua theo khảo sát khoảng 164,6 triệu m3 (184 mỏ), đáp ứng nhu cầu về vật liệu đất đắp cho dự án, gồm: 85 mỏ đất đủ điều kiện khai thác và 99 mỏ đất chưa đủ điều kiện khai thác.

Theo Cổng thông tin Chính phủ, để giải quyết khó khăn về việc thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho các tuyến cao tốc trên. Cụ thể:

1. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Dự án đường cao tốc đi qua được thực hiện một số “cơ chế đặc thù” sau đây:

a) Được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư (đối với dự án theo hình thức PPP và BOT), nhà thầu (đối với dự án đầu tư công) thi công Dự án đường cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho Dự án đường cao tốc.

b) Đối với các mỏ khoáng sản làm VLXDTT (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường) hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.

2. Khi thực hiện “cơ chế đặc thù” nêu trên, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Dự án đường cao tốc đi qua có trách nhiệm:

a) Đối với trường hợp nâng công suất, chỉ cho phép nâng công suất theo điểm b mục 1 nêu trên khi hoạt động khai thác đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác và sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà đầu tư/nhà thầu của dự án thành phần. Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định địa chỉ sử dụng khoáng sản là nhà đầu tư/nhà thầu của dự án thành phần đường cao tốc; nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho Dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý theo quy định.

c) Cấp phép khai thác phải bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng-an ninh; an toàn giao thông cũng như cho các công trình thuộc Dự án đường cao tốc. Việc khai thác cát, sỏi không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Không cấp phép khai thác mới đối với các mỏ nằm gần hành lang bảo vệ đường có ảnh hưởng đến cảnh quan và an toàn giao thông đối với đường cao tốc.

d) Kiểm soát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; thực hiện việc công bố đầy đủ giá vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định, không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước. Trường hợp phát hiện loại khoáng sản khác không phải là khoáng sản làm VLXDTT, yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản kịp thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý theo quy định;

đ) Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian khi thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho Dự án đường cao tốc thuộc địa bàn;

e) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc bao che cho hành vi đầu cơ, nâng giá vật liệu để trục lợi; thu hồi giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT đã cấp đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản. Đặc biệt kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân bán vật liệu cho tổ chức, cá nhân khác hoặc không cung cấp khoáng sản làm VLXDTT cho nhà đầu tư/nhà thầu đã ghi trong giấy phép đồng thời thu hồi giấy phép đã cấp để cấp cho nhà đầu tư/nhà thầu theo quy định;

g) Quyết định dừng áp dụng “cơ chế đặc thù” nêu tại mục 1 sau khi đã khai thác đủ khối lượng khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho Dự án đường cao tốc.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 là dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,85 km, đi qua địa phận 13 tỉnh gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long.

Đến nay đã có 6 dự án đã và đang thi công gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. 5 dự án còn lại sẽ tiếp tục được khởi công trong thời gian tới là: Cao tốc QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Diễn Châu – Bãi Vọt; Nha Trang – Cam Lâm; Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Trong 11 dự án thành phần trên có 8 dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, 3 dự án thực hiện theo hình thức PPP (Diễn Châu – Bãi Vọt; Nha Trang – Cam Lâm; Cam Lâm – Vĩnh Hảo).

Chủ đề: Cao tốc Bắc Nam,
Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.