“Tin vịt” khắp nơi
TP.HCM đang được cho là địa phương có thị trường bất động sản quy mô lớn và sôi động nhất Việt Nam hiện nay. Thậm chí, các doanh nghiệp địa ốc lớn còn cho biết khách hàng mua dự án tại TP.HCM không chỉ là người TP.HCM mà có một lượng không nhỏ đến từ Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Cũng từ đây, thị trường bắt đầu phân hóa, ngoài phân khúc chung cư được đầu tư và phát triển bài bản bởi các doanh nghiệp lớn thì phân khúc đất nền lại bị bỏ ngỏ quản lý, tạo ra một thị trường thiếu bền vững và theo tính chất thời vụ nên độ rủi ro khá cao.
Tại các tuyến đường chính của TP.HCM hiện nay, người dân luôn bắt gặp ở bất cứ cột điện, bức tường và cả ngã tư nào cũng có những “thông báo” về dự án bất động sản, giá hấp dẫn và số điện thoại liên hệ nếu quan tâm.
Điểm đặc biệt của các quảng cáo này đó là giá rất thấp so với thực tế. Đơn cử như trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, trên một cột điện đối diện Bệnh viện Mắt TP.HCM có tờ quảng cáo bất động sản với thông tin: “Đất quận 9, gần chợ, đối diện khu công nghệ cao, ngay metro… giá 600 triệu đồng/nền… điện thoại…”.
Đặc biệt hơn, ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân cho biết, những chiêu quảng cáo trên cột điện hay phát tờ rơi ở ngã tư đèn xanh đỏ sau thời gian hiệu quả thì giờ đã mờ nhạt, tác dụng thấp. Chính vì vậy, giờ đây các sàn môi giới đã nghĩ ra một chiêu mới để “câu khách” đó là cho nhân viên môi giới tới các quán cà phê, quán ăn để quảng cáo về bất động sản.
“Các sàn thường chọn những quán nào có nhiều nhà đầu tư bất động sản hay tụ tập, rồi cho nhân viên vào đó ngồi ăn uống và bắt chuyện với nhà đầu tư thứ cấp để rủ rỉ nhau về dự án, về giá bất động sản ở đó và độ sinh lời. Sau khi nhà đầu tư thứ cấp chấp nhận mua thì đưa họ đi coi dự án, cách này dễ và tác dụng cao hơn”, ông Dũng nói.
Không những vậy, những doanh nghiệp địa ốc và dân môi giới bất động sản còn sử dụng nhiều chiêu độc hơn nữa để “bơm” thông tin dự án tới khách hàng. Trong đó, theo ông Dũng, một trong những cách làm không hề liên quan đến chuyên môn môi giới nhưng lại rất “đắc địa”, đó là tuyển nhân viên môi giới có ngoại hình chuẩn, chấp nhận trả lương cao, đưa nhân viên đi vào các quán bar, nhà hàng lớn để tiếp cận giới nhà giàu và nhà đầu tư ở các tỉnh, thành phố khác tới rồi chào mua đất nền.
Theo ông Dũng, không thể phủ nhận ngoại hình bắt mắt, ăn mặc chỉnh tề là một lợi thế lớn khiến các môi giới dễ tiếp cập và khách hàng cũng dễ tin tưởng hơn.
Chào đất quận 7 đưa xuống Long An...
Ngày 25/3/2018, sau khi nhận một tờ rơi thông tin về dự án bất động sản tại quận 7, TP.HCM, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ với số điện thoại ghi trong tờ quảng cáo trên. Sau ít phút làm quen, hỏi han nhu cầu đầu tư, nhân viên môi giới tên Hạnh hẹn gặp phóng viên để đưa đi coi dự án. Tuy nhiên, trong điện thoại nhân viên môi giới này cũng cho biết, dự án quảng cáo trên tờ rơi là 350 triệu đồng/nền nhưng sản phẩm có mức giá này đã bán hết, hiện chỉ còn nền đất giá 800 triệu đồng trở lên.
Sau đó, môi giới Hạnh lái xe chở thẳng phóng viên xuống huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khi được hỏi sao dự án giới thiệu quận 7 lại đưa khách hàng xuống Long An, lúc này Hạnh cho biết dự án quận 7 đã bán hết rồi chỉ còn nền đất tại Long An và khẳng định chắc nịch: “Dự án này cũng lời lắm và công ty cam kết sinh lời với khách hàng???”.
Tại một dự án khác được quảng cáo tọa lạc tại quận 9, gần Metro, khu công nghiệp, nhưng khi phóng viên được dẫn đến xem thì thực tế dự án này nằm ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Khi được hỏi sao nói quận 9, nhân viên môi giới tên Tùng nói tỉnh bơ: “Thì Đồng Nai gần quận 9, ở đây cũng nhiều khu công nghiệp, cũng gần chợ mà anh”.
Chỉ vì thấy thông tin về bất động sản giá rẻ quảng cáo trên cột điện, lại đang muốn mua đất nên anh Trường, công nhân tại khu Công nghiệp Bình Tân quyết định liên hệ với số điện thoại trên tờ quảng cáo.
“Thấy giá cả hợp lý, có thể đầu tư sinh lời nên tôi nhanh chóng ‘chốt’ lịch hẹn với nhân viên bán hàng. Mức giá bán đưa ra khoảng 11,2 triệu đồng/m2, diện tích các lô đất dao động trong khoảng 80 - 100m2, được ưu đãi vay ngân hàng. Để chắc chắn, trước khi đi thực tế dự án vợ chồng tôi tranh thủ lên mạng tìm hết các thông tin cũng như dự án mình sẽ đến xem. Ngoài ra, cũng gọi điện và nhắn tin cho người bán để hỏi lại nhiều lần xem có phải đất Bình Chánh hay không, sổ đỏ riêng từng nền hay sổ đỏ chung…, đồng thời nói thẳng với người bán nếu ở tỉnh sẽ không mua, không đi xem”.
Sau khi nghe người bán khẳng định chắc nịch đất nền ở huyện Bình Chánh, vợ chồng anh Trường tới xem đất. Nhưng tới nơi, nhân viên môi giới đi cùng cho biết, đất tại dự án Bình Chánh đã bán hết, chỉ còn dự án ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Đến khu đất được gọi là dự án tại Đức Hòa, vợ chồng anh Trường được chứng kiến quang cảnh hoang tàn, chỉ vài ngôi nhà lèo tèo mọc lên trong khu được giới thiệu là dự án, hệ thống điện cũng chưa có, người dân phải đấu nối, kéo điện từ ngoài vào, sử dụng nước giếng khoan... Tóm lại, mọi thứ rất ngổn ngang.
“Điều khiến người mua bức xúc chính là thái độ bán hàng, chủ ý lừa khách ngay từ đầu của nhân viên môi giới, không loại trừ khả năng đó cũng là chiêu trò của chính công ty chủ đầu tư dự án”, anh Trường nói.
Trước thông tin trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng với những thông tin “vỉa hè” nói trên bởi không cần hỏi nhiều, cứ thấy quảng cáo đất quận 2 mà có giá 20 triệu đồng trở lại là biết đất Nhơn Trạch hay Long Thành. Hay những mẩu quảng cáo “đất cửa ngõ thành phố, sổ đỏ từng lô, giá 600 triệu đồng/nền” là biết Long An hay Bình Dương, bởi nếu thực sự đất dự án có pháp lý đầy đủ ở những khi vực quận 2, quận 9... thì không thể có giá thấp như vậy.
“Thời gian qua, đã có không ít khách hàng mất tiền tỷ, kiện tụng tới lui nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để, nguyên nhân xuất phát cũng vì tin vào những lời ‘đường mật của cò nhà đất mà không chú ý tính pháp lý của dự án trước khi ký kết hợp đồng.
Có những dự án hàng trăm khách hàng bị ‘ăn quả đắng’ đã kéo đi khiếu kiện khắp nơi, từ cơ quan truyền thông cho đến cơ quan công quyền, nhưng cho đến nay ‘tiền mất tật vẫn mang’. Vậy nên, khách hàng muốn mua nhà đất hãy tự bảo vệ mình, hãy kiên quyết nói không với sản phẩm chưa hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, cho dù những lời giới thiệu của cò có hấp dẫn tới đâu…”, ông Châu nói.
-
Lập đoàn kiểm tra vi phạm đất đai, chặt phá và lấn chiếm rừng ở Phú Quốc
Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang công bố quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, chặt phá và lấn chiếm đất rừng trên địa bàn H.Phú Quốc.
-
Dự án Phước Kiển của Quốc Cường Gia Lai lại đổi chủ
Sunny Island, công ty đã cấp hơn 2.880 tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai trả nợ và đang đàm phán nhận chuyển nhượng dự án Phước Kiển, đã có cổ đông mới và chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc là người có liên quan đến tập đoàn Him Lam.