Nhà thầu nước ngoài chiếm trên 90% các gói thầu EPC
Vài năm trở lại đây, các nhà thầu nước ngoài đã “đổ bộ” vào Việt Nam, cạnh tranh mạnh với nhà thầu trong nước và dần chiếm lĩnh thị trường. Một tính toán của Bộ Công thương cho thấy, các nhà thầu nước ngoài chiếm đến trên 90% các gói thầu EPC, tập trung vào nhiều lĩnh vực chủ đạo của đất nước như: khai khoáng, dầu khí, xây dựng, luyện kim, hóa chất, cơ khí, điện… Sau khi thắng thầu, nhiều nhà thầu nước ngoài “bán lại” cho nhà thầu trong nước làm thầu phụ với giá rẻ. Thực trạng buồn này của ngành xây dựng đã được phản ánh, nhưng đáng nói hơn, ngay cả khi trở thành nhà thầu phụ, không ít nhà thầu trong nước gặp phải rắc rối và chịu thua thiệt khi có tranh chấp, vì thiếu chuyên nghiệp, thiếu kinh nghiệm quản lý, điều hành.
Vài năm gần đây, các nhà thầu nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam
Tranh chấp, thua thiệt nghiêng về nhà thầu phụ trong nước
Chẳng hạn, vụ tranh chấp hợp đồng thầu phụ giữa tổng thầu Trung Quốc BUGG (sau đây gọi là “Tổng thầu”) và thầu phụ là CTCP Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện lạnh REE (sau đây gọi là “Nhà thầu phụ”) trong Dự án Hồ Tây vàng. Nhà thầu phụ đã khởi kiện đòi tổng thầu thanh toán các khoản còn lại của hợp đồng như phí bảo hành và một số khoản phát sinh tăng. Phía tổng thầu thừa nhận, có một số khoản phát sinh tăng là đúng, nhưng thấp hơn con số mà nhà thầu phụ đưa ra. Trong khi đó, nhà thầu phụ chậm tiến độ thi công, đề nghị Tòa án xem xét vấn đề phạt hợp đồng vì chậm tiến độ.
Phía nhà thầu phụ cho hay, tiến độ cuối cùng là tiến độ do các bên thỏa thuận miệng, không có văn bản. Trong khi đó, tổng thầu không chấp nhận tiến độ này và cho rằng, tiến độ chính thức là tiến độ được thông báo trên mạng nội bộ của dự án. Trong quá trình thi công, đơn vị giám sát đã nhiều lần nhắc nhở nhà thầu phụ về việc chậm tiến độ. Hợp đồng đã quy định, cứ một ngày chậm tiến độ bị phạt 25.000 USD, nhưng tổng mức phạt không quá 5% giá trị hợp đồng. So với tiến độ chính thức, nhà thầu phụ chậm tới 288 ngày và bị phạt khoảng 257.000 USD. Đáng chú ý, trước thông báo chậm tiến độ, nhà thầu phụ trong nước đã không có bất cứ ý kiến chính thức nào, trong khi hợp đồng quy định rằng, nếu sau 7 ngày, nhà thầu phụ không có ý kiến khác bằng văn bản thì coi như nhà thầu phụ chấp nhận. Như vậy, khoản phạt hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ đồng đã xóa sạch khoản phí bảo hành trị giá 5% giá trị hợp đồng mà đáng lẽ nhà thầu phụ được hưởng.
Không chỉ thế, tổng thầu đưa ra một số khoản phát sinh giảm, mà chính nhà thầu phụ đưa vào bảng quyết toán công trình như một chứng cứ cho thấy, nhà thầu phụ đã chấp nhận các khoản phát sinh giảm này. Ngoài ra, đối với một gói thầu có sự thay đổi thiết kế, đáng lẽ nhà thầu phụ sẽ được thanh toán toàn bộ giá trị gói thầu, nhưng cũng chính nhà thầu phụ có văn bản chấp nhận giảm 50% giá trị gói thầu cho chủ đầu tư.
Trong một vụ việc đang tranh chấp khác, nhà thầu phụ trong nước khởi kiện đòi tổng thầu thanh toán cho hợp đồng thầu phụ. Mặc dù hồ sơ ban đầu cho thấy, căn cứ đòi thanh toán của nhà thầu phụ phần nào hợp lý, song ngược lại, nhà thầu phụ lại chậm tiến độ và có thể sẽ bị phạt với số tiền không nhỏ. Ngoài ra, nhà thầu phụ không thực hiện chặt chẽ các quy định trong hợp đồng, dẫn đến phát sinh một số chi phí không được chấp nhận.
Theo một thẩm phán TAND TP. Hà Nội, những vụ việc tranh chấp như trên không hiếm. Nhà thầu trong nước thiếu trình độ quản lý, năng lực còn yếu và nhất là thiếu chuyên nghiệp dẫn đến thường xuyên vi phạm hợp đồng, chưa chú ý đến các yếu tố có thể sử dụng như là chứng cứ khi có tranh chấp xảy ra. Vị thẩm phán này cho biết, các hợp đồng thầu phụ mà tổng thầu nước ngoài đưa ra đều chặt chẽ, chi tiết và “đồ sộ”. Nếu nhà thầu trong nước không nâng cao năng lực thì sẽ còn thua dài dài ngay trên chính sân nhà.