Nhiều người tìm mua căn hộ cũ để phù hợp với khả năng tài chính (hình minh họa)
Phương án cho người thu nhập thấp
Chị Hoa (quê Bến Tre) cho biết gia đình chị vừa chuyển vào căn hộ 2 phòng ngủ tại chung cư Topaz City ở quận 8 (TP.HCM). Căn hộ rộng 70m2 được rao với giá 2,1 tỉ đồng. Sau khi thương lượng, chủ nhà đã đồng ý bán lại cho 2 vợ chồng chị Hoa với giá 1,9 tỉ đồng. Căn nhà đã có đầy đủ nội thất nên có thể dọn vào ở luôn.
“Lúc đầu thấy rao bán là cắt lỗ tôi cũng không tin, nhưng vẫn đi xem thử vì thấy giá không quá cao. Quá trình xem thì thấy nhà khá ưng ý, tuy bàn giao 5 năm rồi nhưng trông vẫn ổn. Tôi bàn với chồng thử ép giá chủ nhà xem, không ngờ được giảm tận 200 triệu đồng”, chị Hoa chia sẻ.
Chị Hoa và chồng đều là người quê lên thành phố, sau quá trình tích góp chị và chồng đã có trong tay 1,5 tỉ đồng. Ban đầu chị lo lắng với số tiền này thì khó mua được nhà ở khi giá căn hộ chung cư neo cao ở mức 3-4 tỉ đồng/căn.
“Khi mua nhà thì mình với chồng dự tính chỉ vay thêm 500 triệu cho tròn 2 tỉ đồng, vì cả 2 đều là dân văn phòng, khó có khả năng gánh nợ quá lớn. Hồi tháng 4 đi xem thì thấy giá nhà chung cư cao quá, nhà cũ cũng cao, căn nào vừa tiền thì quá cũ hoặc quá xa, tận quận 12, Thủ Đức”, chị Hoa chia sẻ.
Theo chị Hoa tìm hiểu, với số tiền 2 tỉ đồng, vợ chồng chị chỉ đủ mua một căn hộ studio hoặc 1 phòng ngủ với diện tích khiêm tốn 45-55m2. Thậm chí tại các khu vực xa trung tâm như Nhà Bè, Bình Chánh, giá căn hộ cũng lên tới 45-55 triệu đồng/m2.
Gần đây, chị được bạn bè khuyên tìm các căn “cắt lỗ”, “bán gấp” để mua được nhà giá rẻ. Chuyển sang tìm các căn hộ cũ, căn hộ thứ cấp, vợ chồng chị Hoa có nhiều lựa chọn hơn: nhiều mức giá, nhiều vị trí và chất lượng cũng khác nhau. Sau 3 tháng tìm kiếm, đi xem và thương lượng, vợ chồng chị Hoa đã tìm được căn hộ ưng ý.
“Hơn 3 tháng chúng tôi mới quyết được, căn nào đẹp thì xa quá, có căn gần trung tâm thì thì xuống cấp, lại đắt đỏ. Nếu không chốt nhanh căn nhà ở quận 8 thì không biết bao giờ chúng tôi mới tìm được nhà để ở”, chị Hoa cho biết.
Số lượng căn hộ cũ chất lượng tốt, giá phải chăng không nhiều (hình minh họa)
Anh Mậu, một môi giới bất động sản ở TP.HCM, cho biết lợi ích của việc mua căn hộ cũ là người mua được xem trước sản phẩm, vị trí trước khi giao dịch, không phải tiềm năng trên giấy. Một số trường hợp còn có thể ép giá chủ nhà để có mức giá tốt, phù hợp với khả năng tài chính của người mua.
Vị môi giới này cho biết, thời gian gần đây các chủ nhà có xu hướng “dễ tính” hơn, sẵn sàng thương lượng, chịu hạ giá 100-200 triệu đồng để nhanh chóng chốt giao dịch.
“Nếu người mua có nhu cầu, tôi sẽ giới thiệu những căn chưa có nội thất được rao bán từ 6 tháng – 1 năm. Chủ những căn này thường là nhà đầu cơ, gom để đầu tư nên muốn thoát hàng sớm, trả nợ tín dụng. Những căn này sẽ dễ thương lượng hơn”, anh Mậu cho biết.
Hoặc một phương án khác là các căn hộ tại dự án chung cư có tuổi đời từ 5-6 năm. Nếu chủ nhà chăm chút thì căn hộ vẫn trong tình trạng tốt, dễ bán. Môi giới hé lộ rằng, nhóm chủ nhà trung niên (45-50 tuổi) sẽ dễ thuyết phục hơn, chấp nhận mức lời thấp (khoảng 100-300 triệu đồng) so với giá mua.
Bản thân anh Mậu, thời gian gần đây cũng nghiêng về người mua nhiều hơn để dễ chốt giao dịch, mức lời tuy ít nhưng đảm bảo thu nhập ổn định trong thời điểm thị trường trầm lắng.
Chớ thấy rẻ mà ham
Chia sẻ quan điểm về việc mua căn hộ cũ, căn hộ thứ cấp, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định đây là xu hướng phổ biến những năm vừa qua trong bối cảnh thị trường căn hộ liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới.
Các yếu tố về nguồn cung, chi phí xây dựng, pháp lý,…khiến các chủ đầu tư đẩy giá căn hộ mới lên cao. Việc này cũng khiến căn hộ thứ cấp tăng theo, tuy nhiên chỉ dao động ở mức 30-40% giá căn hộ sơ cấp.
Bên cạnh đó, do tăng giá ảo, thiếu yếu tố bổ trợ nên giá căn hộ thứ cấp rất dễ sụp đổ, đặc biệt trong thời điểm thanh khoản kém. Việc cắt lỗ, xả hàng là hiện tượng đã được dự đoán trước và đang diễn ra một cách âm thầm, nhỏ lẻ.
Các khách hàng nếu chịu khó tìm kiếm hay kết nối với các môi giới hoàn toàn có khả năng tìm kiếm các căn hộ vừa túi tiền.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng chỉ ra một số rủi ro khi mua căn hộ cũ, căn hộ thứ cấp đó là yếu tố pháp lý. Nhiều căn hộ tuy có nhiều lợi thế nhưng lại nằm trong các dự án vướng mắc pháp lý. Nhiều người vì thấy mức giá hời nên vội vàng chốt giao dịch khi chưa tìm hiểu kỹ.
Nhiều dự án dù đa bàn giao nhưng pháp lý chưa rõ ràng (hình minh họa)
Ngoài ra, người mua cũng cần kiểm tra công năng sử dụng và các tiện ích đi kèm của căn hộ để tránh trường hợp, mua rẻ nhưng chi phí sửa sang, tràng hoàng lại đắt đỏ. Quá trình sinh sống cũng không như mong muốn do tiện ích hay an ninh khu vực không đảm bảo.
Anh Mậu, cho rằng việc mua căn hộ cũ cũng được coi là “canh bạc”. Vì lượng hàng tốt không nhiều, nếu dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu thì sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt còn quá vội vã thì khi hối hận sẽ không kịp thay đổi quyết định.
-
Căn hộ tiêu thụ chậm, nhiều chủ đầu tư dời ngày mở bán
Trong tháng 8, TP.HCM chỉ bán được 177 căn hộ với tỷ lệ hấp thụ 27% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường.
-
TP.HCM thu hơn 173.000 tỷ đồng từ bất động sản
Trong 8 tháng qua, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản của TP.HCM ước đạt 173.004 tỷ đồng (tương đương gần 7 tỷ USD), tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
-
Chủ đầu tư Empire City Thủ Thiêm báo lỗ trăm tỷ nửa đầu năm
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Phước. 6 tháng đầu năm 2024, Tiến Phước ghi nhận khoản lỗ sau thuế 181,6 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (106,5 ...
-
Thị trường bất động sản xuất hiện những tín hiệu tích cực
Nhiều dự án được gỡ vướng, nguồn cung ra thị trường cải thiện, giao dịch dần trở lại giúp lấy lại niềm tin của nhà đầu tư bất động sản.