Giá nhà đất tại Hà Nội quá cao khiến nhiều người dân “méo mặt” trong khi vẫn phải sống chen chúc trong căn hộ chưa đầy chục mét vuông hay phải đi thuê tạm bợ. Thực trạng này khiến nhiều người dân đang ngóng chờ chính sách điều tiết giá nhà từ các cơ quan chức năng.

Giá nhà cao, dân “quá sức”

Thu nhập bình quân của người dân nước ta năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD. Có thể thấy đây là mức thu nhập còn thấp trong khi nhu cầu về nhà ở thì còn rất lớn. Tuy nhiên, khó có thể có cơ hội sở hữu một căn nhà với mức thu nhập đó khi giá nhà đất tại Việt Nam, nhất là tại Hà Nội đang rất cao như hiện nay.


Giá nhà tại Hà Nội dù giảm giá nhưng vẫn ở mức cao. Ảnh: Lê Thảo

Theo Bộ Xây dựng, chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân ở Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới và khu vực. Hiện, chỉ số này ở Việt Nam từ 24,5 đến 26,6, trong khi ở khu vực Nam Á là 6,25, Đông Á là 4,14, Châu Phi là 2,21, Châu Âu, Trung Đông và Bắc Mỹ là 6,25, Mỹ La tinh và Caribê là 2,38. Theo tính toán của Liên hợp quốc thì chỉ số giá nhà/thu nhập của người dân khoảng từ 3 đến 4 là hợp lý.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lại chỉ quan tâm phát triển các dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới để bán cho những người có thu nhập cao nên mới có chuyện dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp trong khi nhiều gia đình có nhu cầu mua nhà nhưng lại quá sức.

Mặc dù Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: được miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, được tăng tỷ lệ và mật độ xây dựng và được vay vốn ưu đãi của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khi đầu tư vào nhà thu nhập thấp thì họ vẫn kém mặn mà. Chính vì ít doanh nghiệp quan tâm xây dựng đến loại nhà đó nên khi mới chỉ có số ít đơn vị tiên phong thì giá bán nhà thu nhập thấp tại Hà Nội lại vẫn còn cao tới gần 12 triệu đồng/m2 không như mong đợi của người dân.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, giá cả bất động sản (BĐS), nhất là giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế là một khiếm khuyết của thị trường hiện nay. Khiếm khuyết này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo lập nhà ở cho đại bộ phận người dân có thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị.

Giảm giá, chuyện khó xảy ra

Lạm phát và cắt giảm ngân sách, chính sách tài chính thắt chặt, hạn chế cho vay và nhiều chính sách khác đều nhắm tới việc kiềm chế sự phát triển quá nóng của BĐS… khiến nhiều chuyên gia nhận định thị trường này đang đứng trước sức ép giảm giá, nhất là thị trường căn hộ tại Hà Nội.

Ngay cả Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định, các doanh nghiệp khó có thể hy vọng chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng trong năm nay giống như năm 2008, vì ưu tiên lớn nhất của Chính phủ trong năm nay là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, ông Nam khuyên các doanh nghiệp Hà Nội cần quản lý chi phí dự án tốt hơn nhằm giảm giá bán, như thế mới mong huy động được vốn từ khách hàng và có tiền tiếp tục phát triển dự án.

Bên cạnh đó, việc thắt chặt tín dụng khiến hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ bị rút khỏi lĩnh vực BĐS, lãi suất cho vay tiêu dùng lại tăng cao thì việc bán căn hộ để huy động vốn từ người mua của chủ đầu tư là khó nếu giá bán cứ cao, đến đây sức ép giảm giá là rõ ràng.
Tuy nhiên, lại có quan điểm cho rằng, dù có thể giảm giá chút ít thì giá căn hộ ở Hà Nội vẫn sẽ đứng ở mức cao. Và nhìn chung, mặt bằng giá căn hộ ở Hà Nội sẽ cao hơn ở TP.HCM rất nhiều. Nguyên nhân là phần lớn các dự án BĐS ở Hà Nội thường mất 3-4 năm mới hoàn thành thủ tục đầu tư và mất thêm thời gian tương tự để hoàn thành xây dựng. Vì thế, dù nguồn cung căn hộ có tăng lên thì khả năng giảm giá trên diện rộng ở thị trường căn hộ Hà Nội là chuyện khó xảy ra.

Tới đây, việc điều tiết giá nhà sao cho phù vừa hợp với thu nhập người dân mà lại không ảnh hưởng đến doanh nghiệp đầu tư BĐS là vấn đề bức thiết đang đặt ra. Nhà nước cần có chính sách để điều tiết thị trường nhà ở nhằm đảm bảo cho thị trường nhà ở phát triển cân bằng, đặc biệt là điều tiết về giá cả, các phân khúc nhà ở. Thế rồi, cần phải hoàn thiện khung pháp lý của thị trường BĐS hiện nay như chính sách huy động nguồn tài chính dài hạn để phát triển thị trường, chính sách về thuế giao dịch, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở để cho thuê... mới mong giá nhà “hạ nhiệt”.

Cafeland.vn - Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland